1. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và công khai số phiếu bầu.
Kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất (chiếm 90,1%). Người được đánh giá tín nhiệm cao thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (81,03%). Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ là người nhận nhiều số phiếu tín nhiệm thấp nhất. Xếp áp chót là Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Việc Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” đã phản ánh đúng những cải tiến không ngừng của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua, được nhân dân và cử tri tin tưởng, kỳ vọng. Đối với những tư lệnh ngành nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp, đã cho thấy các vấn đề dân sinh như giáo dục, giao thông, hay kinh tế thu hút đầu tư còn gây nhiều bất mãn xã hội.
Khi chưa phân định rõ tín nhiệm - không tín nhiệm, sẽ khó có cơ sở để các tư lệnh ngành tự chủ động từ chức khi thấy mình không nhận được sự tin tưởng, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, uy tín,… để thực hiện nhiệm vụ. Thêm nữa, việc chưa công khai lý do tín nhiệm thấp,… thì sẽ khó thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực của các tư lệnh ngành trong cải thiện, khôi phục lòng tin của các ĐBQH, cử tri và nhân dân. Vì thế, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả kiểm phiếu trên ít nhiều đã tạo được những áp lực nhất định lên các Bộ, ngành, nhất là lên người đứng đầu.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
phát biểu tranh luận tại phiên họp.
2. Có lẽ sau áp lực của tỷ lệ phiếu tín nhiệm, các phiên chất vấn, trả lời, tranh luận của các ĐBQH và các tư lệnh ngành đã diễn ra sôi nổi hẳn lên. Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ tư liệu khi trả lời chất vấn, tranh luận với các ĐBQH.
Từ sáng 30/10, Quốc hội bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, hàng loạt các vấn đề nóng, sát thực tiễn, nổi bật nhất là công tác quản lý đất đai, khi mà đại biểu đánh giá đất đai không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là chủ quyền quốc gia, máu và nước mắt của nhân dân.
Tuy vậy, việc đất công thành “đất ông”, đất rừng thành đất nhà, hàng loạt các vụ việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi đất của doanh nghiệp nhà nước,… có dấu hiệu phạm luật, nhóm lợi ích diễn ra trên khắp cả nước vẫn trơ trơ thách thức dư luận, kỷ cương phép nước.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng ghi nhận những nỗ lực của Bộ TN&MT, nhưng thấy ở đây, vấn đề lớn nhất là kỷ cương, kỷ luật. Tình trạng vi phạm quy hoạch, thất thoát tài sản rất lớn ở giá đất. Các đoàn thanh tra đến, địa phương cũng chỉ rút kinh nghiệm, không chỉ ra các sai phạm và xử lý trách nhiệm bất cứ cá nhân nào. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng TN&MT phải có giải pháp kịp thời trong đấu thầu, chuyển đổi đất hiện nay.
Hay vấn đề quản lý xây dựng, dù các ĐBQH “gào” khản cổ, liên tục dẫn đến hiện trạng rất nhiều dự án, công trình trái phép, đặc biệt Tập đoàn Mường Thanh, 8B Lê Trực, rừng phòng hộ Sóc Sơn..., và hoài nghi về việc có nhóm lợi ích đằng sau, thì Bộ Xây dựng đã chưa đi đến tận cùng của vấn đề - vốn là những thứ hiện hữu, quy định pháp luật để xử lý còn rõ ràng hơn vụ đổi 100 USD tại Cần Thơ (!?).
Còn Bộ GD-ĐT, vấn đề “sinh viên bán dâm” như cách nhìn “dưới thắt lưng” ấy được trả lại cho “xã hội”; Bộ VH-TT-DL thì cho rằng vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp có “cái gốc là ở kinh tế”. Phải chăng, muốn cải thiện đạo đức xã hội, phải chờ kinh tế tốt lên, chứ không phải do cách chúng ta hời hợt trong làm văn hóa, thể thao, cẩu thả trong dạy học, trồng người !?
Đại biểu Trần Thị Hiền - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
3. Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Nam đánh giá việc đổi mới trong chất vấn đã có tác dụng tức thì, tạo ra áp lực rất lớn với các Bộ trưởng, trưởng ngành. “Tôi nghĩ trước áp lực của phiên chất vấn, câu trả lời của các Bộ trưởng cũng là dấu mốc để chúng ta nhìn lại sau 1 - 2 năm nữa”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài một số sự kiện như “đổi 100 USD” là có thể được NHNN sửa chữa ngay, thì hàng loạt các vấn đề nhức nhối: Đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm; thuế về 0% nhưng giá xe ô tô không giảm; dấu hiệu tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng trong các dự án BT-BOT, nhóm lợi ích trong cổ phần hóa doanh nghiệp;... chưa biết bao giờ mới hết gây tranh cãi, phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Các ý kiến cho rằng, chỉ một vài phút ngắn ngủi, không thể đủ thời gian để các tư lệnh ngành giải tỏa được những bức xúc của đại biểu, cử tri, không phải là cam kết, là lời hứa với Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Thế nên, nếu không cụ thể hóa các nội dung chất vấn - trả lời của ĐBQH và các Bộ trưởng, trưởng ngành bằng văn bản, thì sẽ thiếu cơ sở để giám sát, quy trách nhiệm, và hơn hết là khó thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực của các tư lệnh ngành trong cải thiện, khôi phục lòng tin của các ĐBQH, cử tri và nhân dân.
Mong rằng, Quốc hội sẽ không giơ cao đánh khẽ.
Kiên Giang