Sau một ngày chỉ được bán mang về, nhiều nhà hàng tại Hà Nội than thở khách giảm sâu
(CLO) Sau một ngày thực hiện yêu cầu của chỉ được bán mang về, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội than thở lượng khách giảm tới 70%.
Kinh doanh nhà hàng chật vật mùa dịch
Theo yêu cầu của UBND Hà Nội, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19, kể từ ngày 13/7, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ phải dừng hoạt động. Trong khi đó, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ chỉ được phép mang về.

Nhà hàng chật vật kinh doanh trong mùa dịch.
Sau khi thông tin này được công bố, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống một lần nữa gửi thông báo tới các đơn vị phân phối, giảm bớt số lượng hàng hóa nhập vào. Một số cửa hàng lớn bất đắc dĩ phải cắt giảm bớt nhân viên, giảm bớt gánh nặng tài chính.
Anh Xuân Trường, quản lý chuỗi nhà hàng Nhật tại khu vực Hồ Tây cho biết: Việc Hà Nội yêu cầu các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang đi là điều cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, yêu cầu của thành phố quá gấp gáp, khiến nhiều cửa hàng không kịp trở tay.
“Nếu thông báo trước một ngày, chúng tôi có thể chủ động hơn trong việc nhập hàng về bảo quản”, anh Trường cho biết.
Anh Trường nhận định: Đợt tạm ngừng bán tại chỗ đợt này sẽ không khác nhiều so với cách đây hơn 1 tháng. Doanh số sẽ giảm mạnh, do tâm lý “ngại” mua về của khách hàng.
“Đợt tạm ngừng bán tại chỗ đợt trước, doanh số bán hàng của chúng tôi giảm tới 70%/tháng, lượng khách đặt về rất ít. Có ngày gần như chơi không. Nhưng vẫn phải trả lương đầy đủ cho nhân viên”, anh Trường nói.
Trong khi đó, anh Quyết, chủ một nhà hàng lẩu - nướng trên đường Nguyễn Chí Thanh phải mở một cuộc họp khẩn cấp, ngay trong đêm (12/7) để thông báo tạm ngừng cắt giảm 50% nhân viên.
“Kinh doanh nhà hàng trong bối cảnh dịch bệnh rất áp lực. Điểm đặc trưng của kinh doanh nhà hàng, là khách hàng phải ăn tại chỗ, nóng hổi, có nhân viên phục vụ tại chỗ, nên khi yêu cầu họ mang về, gần như 90% là khách không đồng ý. Đồng thời, ngoài lệnh cấm bán tại chỗ, chúng tôi còn phải đối mặt với tâm lý “ngại” ra đường của khách hàng”, anh Quyết nói.
Nhằm tăng doanh số trong mùa dịch, cửa hàng anh Quyết tung ra chương trình phục vụ trọn gói tại nhà người tiêu dùng. Tức là, khi khách có yêu cầu, nhân viên của quán sẽ đến tận nơi phục vụ, sắp xếp bát đũa, bếp,... Tất cả đồ dùng đều từ quán mang tới.
Sau khi ăn uống xong, khách hàng có thể gọi điện thông báo trước 30 phút, nhân viên một lần nữa quay trở lại, dọn dẹp sạch sẽ như ở quán. Đặc biệt, dịch vụ này không hề mất thêm chi phí phát sinh.
Kể từ khi đưa ra dịch vụ này, đa phần khách đặt đều là nhân viên văn phòng, đặt tại cơ quan. Dù vậy, số lượng khách trong ngày rất hạn chế, đếm chỉ trên đầu ngón tay.
Trong 1 ngày, khách giảm 70%
Sau yêu cầu của chỉ được bán mang về, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, hộ gia đình tại Hà Nội than thở lượng khách giảm tới 70%.

Sau yêu cầu của chỉ được bán mang về, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, hộ gia đình tại Hà Nội than thở lượng khách giảm tới 70%
Chị Thu Uyên, chủ một cửa hàng phở trên phố Bạch Mai tâm sự: Trong những ngày được phép bán tại chỗ, mỗi ngày, tôi có thể bán được 100 - 120 trong ngày. Thế nhưng, sau lệnh cấm, số lượng giảm tới 70%, tức là chỉ được 30 - 40 bát.
Đa phần khách mua về là khách quen, nhà gần cửa hàng. Trong khi đó, nhóm khách văn phòng, hoặc khách nhà xa gần như không thấy tới.
“Cửa hàng nhà tôi có anh khách quen, nhà ở tận Cầu Giấy, nhưng cơ quan ở Bạch Mai, nên sáng nào anh này cũng qua ăn. Thế nhưng, kể từ đợt cấm trước, và sang tới đợt này, chưa từng thấy vị khách đó quay trở lại”, chị Uyên nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Hùng, chủ một tiệm phở có tiếng tại quận Hoàn Kiếm tâm sự: Hơn 1 năm sống cùng dịch bệnh, cửa hàng nhà ông đã không thể trụ nổi, có thể trong thời gian tới sẽ phải sang nhượng cho người khác.
Ông Hùng giải thích: Cửa hàng này là đi thuê địa điểm, chi phí thuê rất cao, lên tới 40 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi ngày mở mắt ra, tôi phải kiếm được ít nhất 1,2 triệu đồng để trả tiền nhà, đó là chưa kể các chi phí sinh hoạt khác.
“Thế nhưng, dịch bệnh liên tục bùng phát, Hà Nội lại yêu cầu chỉ được bán mang về, khiến khách hàng giảm sâu. Doanh thu không có, tiền nhà vẫn phải trả hàng như, như vậy thà đóng cửa cho bớt gánh nặng”, ông Hùng nói.
Trong giai đoạn khó khăn này, dù ít khách, nhưng nhiều cửa hàng vẫn phải bán “cầm hơi”, để mong chờ thời điểm dịch bệnh đi qua. Bên cạnh đó, một số cửa hàng dịch vụ ăn uống đưa ra nhiều giải pháp như bán hàng online, hoặc liên kết với các dịch vụ giao đồ ăn nhanh, tuy nhiên lượng khách không tăng nhiều so với ngày thường.