Sáu tháng sau cuộc đảo chính ở Myanmar: Nghèo đói và bất ổn

Thứ ba, 03/08/2021 06:31 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 1/2, quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự và bắt giữ các quan chức chính phủ gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Sáu tháng sau, Myanmar rơi vào tình trạng bất ổn, nghèo đói và bệnh tật.

Một thành phố ở Myanmar. Ảnh: AP

Một thành phố ở Myanmar. Ảnh: AP

Bài liên quan

Ngày 1/2, các binh sĩ đã bắt giữ bà Suu Kyi và các đồng minh hàng đầu của bà trong các cuộc đột kích bí mật từ nửa đêm. Cuộc đảo chính nhanh chóng và không một tiếng súng của quân đội diễn ra ngay trước thềm cuộc họp đầu tiên của các đại biểu quốc hội vừa được bầu trong cuộc bầu cử vào tháng 8/2020.

Các tướng lĩnh quân đội đã tuyên bố có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 trước đó, khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội. Dưới sự lãnh đạo của thống tướng Min Aung Hlaing, quân đội thành lập Hội đồng Quản lý Nhà nước (SAC) tiếp quản chính quyền dân sự non trẻ của Myanmar. 

Kể từ đó, hàng trăm cuộc biểu tình phản đối đảo chính đã diễn ra hàng tuần ở tất cả các thành phố và thị trấn trên cả nước. Hơn 900 người đã bị giết và hàng nghìn người khác bị bắt sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội nhằm thiết lập trật tự.

Không chỉ có dư luận trong nước, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại trước tình hình bất ổn và bạo lực tại các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar, ở đó, chính quyền quân sự bị cáo buộc sử dụng vũ khí nhằm vào những người dân thường. 

Tuy nhiên, những cuộc xung đột không phải là điều tồi tệ duy nhất. Cuộc đảo chính quân sự đã khiến Myanmar trở nên bất ổn và hỗn loạn kể từ tháng 2/2021.

Internet bị chặn

Phong trào biểu tình chống lại cuộc đảo chính bắt đầu tại cố đô Yangon bằng việc người dân đập xoong chảo, một tập tục truyền thống gắn liền với việc xua đuổi tà ma, nhằm phản đối chính quyền quân sự. 

Phản đối lan rộng ra các thành phố lớn, khi người dân đốt hình của thống tướng Min Aung Hlaing và những người tổ chức phong trào phản đối kêu gọi nhiều người dân hơn nữa xuống đường chống lại chính quyền quân sự. 

Điều này khiến chính quyền phải cố gắng chặn trên các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm Facebook vốn rất phổ biến ở Myanmar. Cao điểm của bế tắc là việc quân đội cho ngắt internet hàng đêm và hạn chế tiếp cận các dịch vụ viễn thông và internet trên cả nước. 

Phong trào bất tuân

Cùng với làn sóng phản đối chính quyền quân sự, phong trào bất tuân dân sự được ​​phổ biến và nhân rộng vào ngày 6/2 và 7/2, với đám đông khổng lồ tụ tập trên đường phố kêu gọi thả bà San Suu Kyi.

Trong những tuần tiếp theo, những cuộc biểu tình bất tuân dân sự này đã lan rộng đến hàng trăm nghìn người ở các thành phố và làng mạc trên khắp đất nước.

Công nhân bắt đầu đình công trên toàn quốc vào ngày 8/2. Sau đó, các lực lượng khác như nhân viên nhà nước, giáo viên, bác sỹ và cả các thành viên lực lượng cảnh sát cũng tham gia phong trào hoặc bỏ trốn để không phải chấp hành lệnh của quân đội. 

Ngày 9/2, một phụ nữ 19 tuổi bị bắn vào đầu sau khi cảnh sát nổ súng vào đám đông ở thủ đô Nay Pyi Taw, châm ngòi cho bạo lực và xung đột ngày càng mạnh mẽ trên khắp các thành phố trên khắp cả nước. 

Trừng phạt quốc tế

Trước tình hình xung đột ngày càng gia tăng giữa các nhóm biểu tình và lực lượng an ninh, nhất là xu hướng bạo lực trở nên phổ biến khi quân đội Myanmar bị cáo buộc sử dụng súng để tấn công vào người biểu tình, cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, rồi lên án. 

Bất chấp lời kêu gọi của Liên hợp quốc và nhiều cường quốc, chính quyền quân sự Myanmar không có dấu hiệu giảm bớt bạo lực. Điều này khiến Mỹ, Anh, Canada và nhiều quốc gia quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả các hành động cứng rắn của quân đội Myanmar. 

Washington sớm công bố các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức quân sự, bao gồm cả tướng lĩnh quân đội Min Aung Hlaing. Sau đó, xác lệnh trừng phạt khác được Anh, Liên minh châu Âu, Canada áp dụng. 

Không dừng lại, các lệnh trừng phạt tiếp tục được mở rộng đến lĩnh vực kinh tế với mục tiêu là các công ty có liên quan đến quân đội Myanmar. Nhiều tập đoàn đa quốc cũng đã quyết định rút khỏi Myanmar. 

Một người dân bị thương do xô xát với lực lượng an ninh trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự - Ảnh: AP

Một người dân bị thương do xô xát với lực lượng an ninh trong một cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự - Ảnh: AP

Đàn áp ngày càng tăng

Mya Thwate Thwate Khaing, người phụ nữ bị bắn 10 ngày trước đó, chết vào ngày 19/2 trở thành biểu tượng quốc gia của phong trào bất tuân ở Myanmar. Các cuộc biểu tình diễn ra ngày một thường với quy mô ngày càng lớn ở nhiều khu vực tại quốc gia Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, chính quyền quân sự cũng tăng cường các chiến dịch cứng rắn nhằm vào người biểu tình có xu hướng bạo lực hơn, khi các công sự, rào chắn và nhiều vật dụng được dựng lên khắp các đường phố. 

Các cuộc đàn áp bạo lực nhằm dập tắt biểu tình trên đường phố ngày càng leo thang và đến ngày 11/3, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ đã ghi nhận các hành vi bạo lực của chính quyền bao gồm việc sử dụng vũ khí chiến đấu đối với những người biểu tình không có vũ khí.

Một ngày sau, một chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc về Myanmar cáo buộc quân đội có tội ác chống lại loài người.

Ngày chết chóc nhất

Phong trào biểu tình lan rộng và bạo lực gia tăng là kết quả tất yếu dẫn đến những thương vong lớn. Vào đúng ngày kỷ niệm thành lập lực lượng vũ trang Myanmar (7/3), khi quân đội diễu binh biểu dương sức mạnh quân sự, các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình diễn ra dữ dội nhất.

Hậu quả, hơn 100 dân thường thiệt mạng trong các cuộc đàn áp biểu tình. Ngày 27/3 trở thành ngày chết chóc nhất kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2. Cũng từ thời điểm này, các cuộc biểu tình tại Myanmar bước sang một ngã rẽ mới, với sự phản kháng ngày một mạnh mẽ hơn từ những người phản đối chính quyền quân sự. 

Một tháng sau đó, các nhà lập pháp dân sự bị lật đổ buộc phải lẩn trốn đã thông báo về việc thành lập một "Chính phủ thống nhất quốc gia", kêu gọi các lực lượng chống lại quân đội. Hàng loạt nhóm phiến quân ly khai đã nổi lên bày tỏ sự ủng hộ phong trào phản đối, chống lại chính quyền quân sự. 

Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với hàng loạt cáo buộc bởi chính quyền quân sự - Ảnh: Reuters

Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với hàng loạt cáo buộc bởi chính quyền quân sự - Ảnh: Reuters

Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi bắt đầu

Hơn 3 tháng sau khi bị tạm giam, bà Aung San Suu Kyi bị xét xử tại một tòa án quân sự ở Yangon vào cuối tháng 5. Phiên tòa xét xử Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi dự kiến diễn ra trong vòng 6 tháng, với các phiên tòa diễn ra vào thứ Hai hàng tuần. 

Bà phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau, bao gồm nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm và vi phạm các hạn chế về chống dịch trong các cuộc bầu cử vào năm 2020.

Ở những phiên tòa xét xử sau đó, bà San Suu Kyi tiếp tục đối mặt với nhiều cáo buộc khác như nhận hối lộ, vi phạm đạo luật bí mật nhà nước. Những cáo buộc này khiến bà đối mặt với án phạt tù hơn 10 năm và không được tham gia các hoạt động chính trị. 

Ngoài ra, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà San Suu Kyi cũng đối diện với việc bị giải tán và không được tham gia vào cuộc bầu cử quốc hội. 

Làn sóng COVID-19

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra vô cùng phức tạp. Đầu tháng 4, nước láng giềng Ấn Độ của họ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng khi biến thể Delta dẫn đến hàng trăm nghìn ca nhiễm mới  và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày. 

Số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trên khắp Myanmar từ cuối tháng 6 khiến tình hình dịch bệnh trở nên ngày càng trầm trọng trong bối cảnh hệ thống y tế vốn nghèo nàn lại thiếu hụt nhân sự khi nhiều nhân viên y tế ủng hộ phong trào bất tuân dân sự và công chúng tránh các bệnh viện do quân đội điều hành.

Bất chấp lệnh giới nghiêm và dịch bệnh hoành hành, nhiều người vẫn tham gia biểu tình chống chính quyền. Bên cạnh đó, việc nhiều người dân từ chối tiêm chủng và không tuân thủ các biện pháp y tế dẫn đến số ca nhiễm ngày càng gia tăng trong tháng 7. 

Liên hợp quốc mới đây cảnh báo Myanmar đang đối mặt với hiểm họa chết người do thiếu vắc xin COVID-19 và các trang thiết bị y tế để chống lại số ca nhiễm tăng mạnh. Tình trạng người dân xếp hàng mua bình oxy cho người thân của họ và các tình nguyện viên thu gom người chết do COVID đi hỏa táng xuất hiện ngày càng nhiều. 

Thảm họa kinh tế

Myanmar vốn rơi vào tình trạng khó khăn sau một năm thế giới bị tàn phá bởi các hạn chế và phong tỏa do COVID, tiếp tục trở nên tồi tệ khi các hoạt động sản xuất bị đình trệ bởi các cuộc biểu tình, đình công và bất tuân dân sự. 

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia khác khiến nền kinh tế của Myanmar tiếp tục chịu tổn thất. 

Ngân hàng Thế giới dự báo vào ngày 26/7 rằng nền kinh tế Myanmar sẽ giảm 18% trong năm nay do kết quả của cuộc đảo chính và sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm 2019 vào năm sau.

Kết quả bầu cử năm 2020 bị hủy bỏ, thống tướng Hlaing làm thủ tướng lâm thời

Vào cuối tháng Bảy, chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả của các cuộc bỏ phiếu năm 2020, tuyên bố hơn 11 triệu trường hợp gian lận cử tri.

Ngày 1/8, tròn sáu tháng sau cuộc đảo chính, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự được chỉ định làm thủ tướng lâm thời Myanmar. Chính phủ lâm thời Myanmar được công bố thành lập để thay thế Hội đồng Quản lý Nhà nước (SAC) được thành lập sau cuộc đảo chính ngày 1/2. 

Trong một bài phát biểu dài 50 phút được phát trên phương tiện truyền thông nhà nước vào Chủ nhật (1/8), Thượng tướng Min Aung Hlaing hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử "tự do và công bằng" và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay vào tháng 8 năm 2023. 

Sáu tháng sau cuộc đảo chính, Myanmar đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép: nền kinh tế bị sụp đổ và đại dịch COVID-19. Chưa có nhiều khác biệt trong suốt nửa năm qua kể từ khi quân đội tiến hành các cuộc trấn áp biểu tình nhằm thiết lập trật tự, ngoài tuyên bố trở thành thủ tướng lâm thời của ông Min Aung Hlaing.

Myanmar sẽ tiếp tục phải sống trong khó khăn và thách thức cho đến ít nhất tới tháng 8/2023, thời điểm nước này tổ chức một cuộc bầu cử mới, tạo tiền đề cho việc thành lập một chính phủ mới. 

Quốc Thiên

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

Trẻ em Gaza ước ao về những ngày đi học trước xung đột

(CLO) Thời gian học tập, vui chơi bên bạn bè của trẻ em Gaza đã biến mất kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra 6 tháng trước. Với các em, những điều tưởng như bình thường đó giờ lại là nỗi ước ao mịt mờ.

Thế giới 24h
Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

Thiếu hụt tên lửa, Ukraine chuyển sang sử dụng khinh khí cầu tấn công Nga

(CLO) Lực lượng phòng không Nga tuyên bố đã bắn hạ 5 khinh khí cầu của Ukraine trong đêm ngày 17/4. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có sự thay đổi về phương thức chiến đấu của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, nhất là trong bối cảnh họ đang thiếu hụt tên lửa do nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ.

Thế giới 24h
Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

Triều Tiên và Belarus thắt chặt quan hệ ngoại giao

(CLO) Các lãnh đạo Triều Tiên đã đón tiếp phái đoàn đến từ Belarus và cam kết tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trên trường quốc tế trong các cuộc hội đàm diễn ra vào thứ Năm (18/4), theo hãng thông tấn KCNA đưa tin.

Thế giới 24h
Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

Hệ thống phòng thủ của Israel hiệu quả nhưng chi phí cao

(CLO) Hệ thống phòng không lỗi thời khiến Iran dễ bị Israel tấn công nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định phớt lờ áp lực toàn cầu để trả đũa trực tiếp bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái.

Thế giới 24h
Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine bị bắt ở New York, gồm cả nhà báo

(CLO) Hơn 100 người biểu tình ủng hộ Palestine đã bị bắt hôm 17/4 trong khuôn viên Đại học Columbia (New York, Mỹ), sau khi cảnh sát New York giải tán một khu trại do sinh viên dựng lên để biểu tình chống lại hành động của Israel ở Gaza.

Thế giới 24h