Savimex ôm lỗ quý II/2025 vì đầu tư tài chính trượt giá, cổ phiếu lao dốc bất chấp doanh thu tăng trưởng
(CLO) CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất Nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) bất ngờ ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng trong quý II/2025, chủ yếu do khoản đầu tư vào Dệt may Thành Công (TCM) giảm giá mạnh bởi tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan Mỹ, bất chấp doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi vẫn duy trì khả quan.
Lỗ tài chính "đánh bay" lợi nhuận kinh doanh, Savimex quay đầu thua lỗ
Báo cáo tài chính quý II/2025 của Savimex cho thấy doanh thu thuần đạt gần 238 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ 2024. Thậm chí, lợi nhuận gộp còn tăng trưởng tới 15%, đạt gần 41 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận cải thiện và kiểm soát tốt chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, điểm nghẽn tài chính lại nằm ở các khoản đầu tư tài chính khi Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá lên tới 39 tỷ đồng trong quý. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp kéo lợi nhuận sau thuế tụt xuống âm 22,6 tỷ đồng, đánh dấu quý đầu tiên báo lỗ kể từ quý IV/2023.
Cụ thể, Savimex đang nắm giữ gần 3,4 triệu cổ phiếu tại CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM). Theo giải trình của doanh nghiệp, những biến động bất lợi liên quan tới thuế quan đối ứng của Mỹ thời gian qua đã khiến giá trị thị trường khoản đầu tư này giảm mạnh, dẫn đến phát sinh chi phí dự phòng lớn ngay trong quý II.
Diễn biến này cho thấy những rủi ro đáng kể khi các doanh nghiệp chế biến gỗ như Savimex tham gia vào đầu tư tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cổ phiếu xuất khẩu chịu áp lực giảm giá do các yếu tố thương mại toàn cầu.
Cổ phiếu Savimex và TCM đồng loạt giảm giá, "bỏ xa" đà hồi phục của VN-Index
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAV đã giảm tới 11% so với đầu năm, trong khi mã TCM giảm mạnh hơn, tới 26% dù chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng tới 17% tính đến ngày 22/7/2025.
Thực tế, từ đầu năm 2025, cổ phiếu TCM – doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn, đối mặt áp lực bán tháo mạnh mẽ sau các thông tin bất lợi về chính sách thuế quan từ phía Mỹ. Việc Savimex giữ tỷ trọng đầu tư lớn vào TCM đã trực tiếp khiến kết quả tài chính chịu tổn thương.
Điều này cũng phản ánh thực tế "nghịch lý tài chính" đang tồn tại tại Savimex: hoạt động cốt lõi ổn định, song việc dàn trải đầu tư tài chính thiếu hiệu quả, đặc biệt vào các cổ phiếu nhạy cảm với chính sách thương mại, lại trở thành rào cản chính cho tăng trưởng lợi nhuận.
Nếu không sớm tái cấu trúc danh mục đầu tư tài chính, nhiều khả năng Savimex sẽ tiếp tục đối mặt nguy cơ lợi nhuận bị "ăn mòn" bởi các khoản lỗ dự phòng trong các quý tiếp theo.