Sẽ áp dụng biện pháp mạnh với nhà đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công
(CLO) Sáng 14/12, kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021 - 2023 tiếp tục ngày làm việc thứ 3 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; các Giám đốc các sở, ngành có liên quan với nội dung: Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là nguồn vốn đầu tư năm 2022 kéo dài sang năm 2023 các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đề nghị làm rõ tình hình, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa
Trả lời nội dung chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là 12.505,572 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 2.418,739 tỷ đồng.
Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án.
Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 70 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% kế hoạch); 21 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa trả lời phiên chất vấn
Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh giải ngân đạt 46,2% kế hoạch; UBND cấp huyện giải ngân đạt 65,7% kế hoạch; UBND cấp xã giải ngân đạt 69,9% kế hoạch; các đơn vị khác giải ngân 82,9% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 5/12/2023, giải ngân vốn (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.921 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch. Trong đó giải ngân vốn năm 2023 bằng 70,5% kế hoạch, giải ngân vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 bằng 45,5% kế hoạch. Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch, như: Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 82,9%; đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 80,4%.

Toàn cảnh hội nghị
Giám đốc Sở này cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chậm như công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây lắp của một số dự án còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc ở nhiều dự án làm chậm và ảnh hướng đến tiến độ thực hiện. Tiến độ thi công của nhiều dự án chuyển tiếp còn chậm so với tiến độ thực hiện và hợp đồng thi công đã ký.
Nhiều dự án đã quá thời gian thực hiện phải điều chỉnh tiến độ thực hiện trong dự án đầu tư. Các văn bản do Trung ương hướng dẫn triển khai các chương trình MTQG ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện...
Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Để xảy ra sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Minh Nghĩa cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư trong tổ chức triển khai thực hiện dự án. Liên quan đến dự án chậm trong GPMB có trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao thẩm định.
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trước mắt đối với dự án đang triển khai thực hiện, các huyện chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công. Về lâu dài sẽ rà soát các quy định, tập trung thực hiện các giải pháp giải ngân hết vốn trong năm 2024.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kết luận phiên chất vấn
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân chậm đối với từng địa phương, đơn vị, chương trình, dự án cụ thể.
Đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân, nhất là việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án.
Đặc biệt, kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không bảo đảm yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao; không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng lưu ý, đối với các dự án dự kiến khởi công mới, cần chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục để triển khai thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao vốn, không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.
Hà Anh