Siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá
(CLO) Quan tâm đến dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cần xác định rõ các nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá; tránh những cách hiểu không thống nhất trong quá trình tổ chức thực thi luật.
Dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Theo các đại biểu Quốc hội và chuyên gia, dự án Luật Giá (sửa đổi) được coi là luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý Nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác.
Do đó, việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý theo hướng các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.

Ảnh minh họa.
Về chính sách thẩm định giá, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) nêu rõ, thực tế thời gian gần đây, sau hàng loạt sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật Giá. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Tán thành cao ý kiến của đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh, một số chuyên gia cho biết, dự thảo Luật Giá tiếp tục kế thừa nội dung quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá. Việc quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá tuy “cứng”, nhưng thể hiện rõ quan điểm trong quản lý, điều tiết giá đó là công khai, minh bạch, tránh sự lạm dụng hoặc bổ sung các hàng hóa, dịch vụ không cần thiết vào danh mục.
Theo một số chuyên gia, cần quan tâm đến vấn đề: thực tiễn cho thấy bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá, còn tồn tại khá nhiều hàng hóa, dịch vụ được cơ quan Nhà nước định giá theo quy định của các luật chuyên ngành. Các chuyên gia đồng tình với quan điểm cần rà soát các hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá tại các luật chuyên ngành. Để tạo sự thống nhất, tránh phân tán và việc lạm dụng làm phát sinh trường hợp định giá không cần thiết, chỉ nên quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật Giá, không quy định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại các luật chuyên ngành.
Dự thảo Luật Giá bổ sung nguyên tắc "hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế" để xác định phạm vi hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước định giá là phù hợp. Quy định như vậy có tính bao quát các tình huống phát sinh trong thực tiễn để bổ sung một hoặc một số hàng hóa, dịch vụ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Tuy vậy, cần làm rõ hơn cụm từ “hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu”. “Hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu” có phải là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” được định nghĩa tại Khoản 3, Điều 4 về Giải thích từ ngữ (dự thảo Luật Giá) không? Nếu đồng nhất thì nên lược bớt từ "quan trọng" để tránh hiểu đa nghĩa. Nếu không đồng nhất thì không nên sử dụng cụm từ “thiết yếu” vì có thể gây hiểu lầm. Bên cạnh đó, cụm từ “có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế” cũng cần nghiên cứu để làm rõ hơn thế nào là “có tính chất độc quyền” và “không thể thay thế”; trên thực tế thật khó xác định loại hàng hóa, dịch vụ “không thể thay thế”.
Dự thảo Luật Giá đề xuất 3 nguyên tắc định giá, trên cơ sở kế thừa 2 nguyên tắc của Luật Giá số 11/2012/QH13. Các chuyên gia đồng tình với bổ sung nguyên tắc thứ 3 "Bảo đảm hài hòa quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và của Nhà nước" tại Khoản 3, Điều 22 (Dự thảo Luật Giá). Nguyên tắc này phù hợp với nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước đó là: "Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước" được quy định tại Khoản 2, Điều 5 (Dự thảo Luật Giá) và phản ánh rõ nét một trong những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng; tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước.
Đối với nguyên tắc thứ 2: "Kịp thời xem xét điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi"; so với Luật Giá số 11/2012/QH13 dự thảo có bổ sung cụm từ "xem xét". Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc chỉ định giá nếu các yếu tố hình thành giá thực sự thay đổi ảnh hưởng đến giá ở mức cần phải điều chỉnh và tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân.