Siết chặt nhập cư trong Luật Thủ đô: Có tăng Chất lượng sống cho Hà nội?

04/04/2015 00:04

Siết chặt nhập cư trong Luật Thủ đô: Có tăng Chất lượng sống cho Hà nội?



Chưa tối ưu nhưng cần thiết

So với các lần trước, dự thảo mới có ít điều nhất (29 điều), điểm nhấn là quy định các cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Dự luật quy định siết chặt điều kiện nhập cư vào nội thành hơn so với Luật Cư trú. Theo đó, người muốn nhập cư vào nội thành phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Về điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đối với một số đối tượng chặt hơn so với quy định của luật Cư trú. Cơ quan thẩm tra nhận định việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Không phân biệt đối xử

Lần này, quy định quản lý dân cư trong dự luật được đa số thành viên Ủy ban Thường vụ QH thống nhất. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị việc quản lý dân cư cần kết hợp giữa chế tài với các biện pháp kinh tế - xã hội mới có hiệu quả.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý quy định cần “mềm mại và đừng vi phạm vào quyền công dân trong Hiến pháp”. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi chia sẻ: “Quản lý dân cư bằng điều kiện về nhà ở là phù hợp. Không nên quy định về bằng cấp, việc làm, thể hiện sự phân biệt đối xử và quá xa so với Luật Cư trú”.

Tán thành với dự luật nhưng Ủy ban Pháp luật của QH lo lắng quy định dù có “siết” vẫn không thể hạn chế được người dân đến cư trú tại Hà Nội. Người dân không được đăng ký thường trú vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết. Ủy ban Pháp luật đồng tình với ý kiến của bà Trương Thị Mai là cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; đồng thời giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ban soạn thảo phải chuẩn bị dự luật thật tốt để QH có thể thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay. Cần hết sức hạn chế những điều giao Chính phủ, HĐND TP quy định sau, khiến luật trở nên không rõ ràng, khó hiểu đối với đại biểu QH. “Làm thế nào để thuyết phục được các đại biểu QH rằng những cơ chế này được đưa ra cho một thủ đô duy nhất, khác biệt với các đô thị khác” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Siết nội đô, mở vùng ven

Trước đó, khi bàn về vấn đề hạn chế nhập cư vào Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết không cho tăng cơ học vào khu vực nội đô lịch sử để giảm dần dân số, bảo vệ các giá trị văn hoá tại đây. Đây là bài toán khó vì Luật Cư trú ra đời đã nới lỏng các điều kiện nhập cư. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội kiến nghị, Hà Nội cần tăng thêm các điều kiện nhập cư vào đô thị nội đô lịch sử. Trừ trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của thành phố thì mới được nhập cư. “Luật Cư trú quy định: Hai năm tạm trú, có hợp đồng thuê nhà sẽ được nhập cư thì dễ dàng quá nếu vào nội đô lịch sử”, một chuyên gia nói. Một vấn đề cần quan tâm, theo một chuyên gia khác, là dân số vãng lai vì số lượng rất lớn. Tăng dân số tự nhiên của Hà Nội chỉ 0,8%, còn lại là tăng cơ học. Bên cạnh đó, Hà Nội cần khuyến khích người dân nhập cư vào những khu vực cần phát triển như các đô thị mới, vùng ven, đô thị vệ tinh bằng các chính sách cụ thể gồm xây quỹ nhà giá rẻ, trường học, bệnh viện thuận lợi, theo vị chuyên gia.

Nội đô lịch sử đang chịu áp lực rất lớn về dân số và hạn chế tăng dân số cơ học là một giải pháp. Do vậy, theo ông Nghiêm, ở đây cần cơ chế đặc thù. Phát triển Thủ đô không phải chỉ trong nội đô. Nhưng Hà Nội phải đẩy nhanh phát triển các đô thị khu vực như vành đai 3, vành đai 4. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế giám sát đối với các khu vực này để đồng bộ. Cơ chế đặc thù chỉ áp dụng cho nội đô trung tâm, còn lại vẫn khuyến khích phát triển nhập cư. Ông Nghiêm đề xuất: Phải phân rõ chính sách cho từng vùng, từng khu vực, chứ không thể đánh đồng. Hà Nội tuyệt đối không cấm nhập cư mà hạn chế riêng trong nội đô. Trong khu vực trung tâm thành phố, bình quân dân số hiện nay là 13.800 người/km2. Trong khi đó, cả nước là 2.500 người/km2. Do vậy, Hà Nội phải giảm còn 11.000 người/km2 mới đạt yêu cầu về hạ tầng. “Hà Nội vẫn cần tăng dân số cơ học. Nhưng tăng, giảm vào đâu thì nên trao quyền sắp xếp đó cho Hà Nội”, ông Nghiêm đề xuất.


N.HUY


 Bí Thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: quá trình chuẩn bị 3 năm (từ năm 2009) những người làm luật đã lấy ý kiến rộng rãi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân. Dự luật sẽ là căn cứ quan trọng định hướng bước đầu xây dựng phát triển Thủ đô. Theo ông Nghị, Hà Nội cần thiết có những quy định riêng về nhập cư xuất phát từ nhu cầu quản lý, khả năng đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội, nhất là chỗ ở, việc làm. Dân số tập trung quá nhiều ở nội thành (dân số ở 4 quận nội thành trên 1 triệu người) đang đặt ra quá nhiều vấn đề về hạ tầng khó có thể cải thiện. Ông Nghị đưa ra ví dụ số nhà 56 Hàng Buồm có đến 20 hộ dân sinh sống; khu tập thể hàng trăm hộ dân sinh sống chung một nhà vệ sinh, bể nước.“Như vậy, việc bảo đảm dân số trong nội thành hợp lý theo quy hoạch nhằm đảm bảo điều kiện cần thiết cho chất lượng cuộc sống của người dân. Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ trong nội thành, gắn với điều kiện phải có nơi ở ổn định, thường xuyên là để quản lý dân cư khoa học, chủ động chứ không phải là biện pháp cấm đoán quyền tự do cư trú”, ông Nghị phân tích.
Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phan Hồng Sơn: Cần phải có quy định đặc thù nhằm giải quyết phần nào tình trạng quá tải của nội đô Hà Nội. Hạn chế nhập cư chỉ là biện pháp hành chính trong nhiều giải pháp. Cần hạn chế nhập cư vì để di dời bệnh viện, trường học cần có nhiều thời gian.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VH, TTN NĐ Quốc hội: Việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong nhập cư là cần thiết. Chúng ta cần áp dụng những biện pháp hành chính chặt chẽ hơn để quản lý cư trú mang tính ổn định
Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai: Trong thời điểm hiện nay, dù có quy định bằng các biện pháp hành chính thế nào đi nữa thì sự chuyển dịch dân cư vẫn là điều tự nhiên. Quy định ba năm hay năm năm là ý chí chủ quan của nhà quản lý. Vì thế vấn đề là cần quan tâm đến quản lý quy hoạch, xây dựng vì nếu không thì người dân cứ kiếm những nơi ở có diện tích nhỏ 5-10 m2 để lưu trú rồi vài năm sau cũng thành công dân Hà Nội.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa: Để chống quá tải dân cư tại nội đô, các TP này đề xuất, qui định hạn chế nhập cư vào nội đô như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, quy định này không mấy khả thi. Vì kế sinh nhai, người dân vẫn cứ tràn vào nội đô làm ăn, sinh sống, họ thuê nhà để ở, thậm chí ngủ cả vỉa hè... Vấn đề là, để chống quá tải hạ tầng đô thị, các thành phố này phải có giải pháp căn cơ, lâu dài. Nếu quy định theo kiểu chạy theo, giải quyết phần ngọn, thì người dân sẽ rất khổ sở vì cuộc sống không ổn định.


    Nổi bật
        Mới nhất
        Siết chặt nhập cư trong Luật Thủ đô: Có tăng Chất lượng sống cho Hà nội?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO