“Siết” quản lý sau cách ly: Chìa khóa ngăn lây lan Covid!

Thứ sáu, 07/05/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Lỏng lẻo trong khâu cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly, giám sát các trường hợp sau khi rời khỏi khu cách ly về địa phương được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại với hàng loạt ca nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 27/4 đến nay.

Ngày 5/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có Công điện hỏa tốc số 597/CĐ-BCĐ về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Không được ra khỏi nhà; phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung… là những quy định mới nhất về quản lý người sau cách ly tập trung.

Lỏng lẻo trong cả khâu quản lý cách ly tập trung và giám sát người kết thúc cách ly

Theo Công văn số 425 Hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19/1/2021, người cách ly phải khai báo với Bí thư chi bộ thôn (khu phố), trưởng thôn (khu phố) khi về đến nơi lưu trú và phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; Phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung về tình trạng sức khỏe và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo.

screenshot_1597740092

Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú tại địa phương tiếp nhận thông tin về những người đã hoàn thành cách ly về địa bàn cư trú, có kế hoạch và thực hiện quản lý, kiểm tra, theo dõi y tế họ cho đến hết 14 ngày.

Tuy nhiên, các trường hợp phát hiện mắc Covid-19 sau khi hoàn thành cách ly phát hiện mắc Covid-19 vừa qua đều có lịch trình đi lại dày đặc, tiếp xúc nhiều người, vi phạm quy định cách ly tại địa phương.

Tính đến sáng 4/5, Việt Nam phát hiện tới 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó lớn nhất là cụm ca bệnh tại Vĩnh Phúc (14), Hà Nam (14)… Dịch đã dần lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong đó có những địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Nếu tính cả nam chuyên gia Ấn Độ ở Hà Nội vừa phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau khi rời khỏi khu cách ly từ Hải Phòng về Hà Nội, từ 27/4, Việt Nam đã phát hiện ba trường hợp sau khi hết cách ly tập trung (đã xét nghiệm 2-3 lần âm tính) lại nhận kết quả dương tính khi trở về nơi cư trú.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, công tác xét nghiệm có vấn đề hay khâu tổ chức cách ly tập trung, giám sát người về cách ly tại địa phương đang bộc lộ những bất cập, lỏng lẻo.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Yên Bái vào sáng 2/5, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia Trung Quốc còn lỗ hổng, sai sót. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Ban Chỉ đạo chống dịch thời gian qua.

Cũng vẫn câu chuyện phát hiện mắc Covid-19 sau khi rời khỏi khu cách ly tập trung, chỉ ba ngày sau rời khỏi khu cách ly tập trung tại Đà Nẵng, bệnh nhân 2.899 tại Hà Nam phát hiện triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, trong ba ngày ấy, bệnh nhân này đã kịp đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đi bằng nhiều phương tiện công cộng. Kết quả là, BN 2.899 đã lây lan cho 19 trường hợp.

Thực tế, công tác quản lý, giám sát 14 ngày tiếp theo tại nhà, nơi làm việc của những người nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung còn đang bộc lộ nhiều lỏng lẻo. Các ca cách ly tập trung này khi rời khỏi khu cách ly đã không có ai giám sát việc tiếp tục cách ly tại nhà.

Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra, không để bệnh lây lan sang các tỉnh. Đặc biệt, việc đi uống bia rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang… đã vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân sau 14 ngày cách ly tập trung. 

Khẩn trương lấp lỗ hổng

Trong những ngày qua, chúng ta đã tăng cường rất nhiều biện pháp, huy động lực lượng chốt chặt tại các đường mòn, lối mở để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào biên giới, nhất là ở các tỉnh biên giới Tây Nam nơi một số nước láng giềng đang bùng phát dịch bệnh. Song, ở trong nước, những trường hợp nhập cảnh hợp pháp tại các khu cách ly tập trung là một cảnh báo rất lớn nếu chúng ta không quản lý tốt, để dịch lây lan và lọt ra cộng đồng. Đặc biệt là công tác quản lý, giám sát 14 ngày tiếp theo tại nhà, nơi làm việc của những người nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung còn đang bộc lộ nhiều lỏng lẻo. Nếu chúng ta không làm đúng quy trình cách ly, không giám sát, không lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt người cách ly thiếu ý thức tự ý đi ra ngoài, thì hậu quả khôn lường nếu họ mắc Covid-19. Và chỉ thời gian ngắn vừa qua, chúng ta đã có những bài học nhãn tiền.

Báo Công luận

Hiện nay, hàng loạt tỉnh đang dốc sức truy vết các F1, F2 liên quan đến chuyên gia người Trung Quốc; cũng như các địa phương đang huy động chống dịch, tốn kém và thiệt hại về kinh tế sau khi xảy ra ca bệnh 2.899. Theo phân tích của một chuyên gia dịch tễ học, trường hợp chuyên gia Trung Quốc được phát hiện mắc bệnh ngay khi nhập cảnh về nước và phía bạn thông báo với chúng ta. Nếu người này không xuất cảnh, vẫn còn ở Việt Nam, đi tiếp nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người thì hậu quả lây dịch còn rất lớn. 

Chúng ta đã có bài học lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung tại Hải Dương và tại khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái, nay lại là lây nhiễm trong cộng đồng khi hết thời hạn cách ly tập trung. Việc cần chấn chỉnh chính là kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình tại nơi cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà. Trước đó, tại buổi làm việc tại Yên Bái, khi kiểm tra tại khách sạn Như Nguyệt 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chỉ rõ, khi cách ly cho các chuyên gia ở khách sạn, Yên Bái đã chưa sắp xếp cách ly tập trung cho nhóm chuyên gia nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch bùng phát mạnh với các biến thể mới. 

Một số nơi công tác phân luồng, phân khu, phân phòng ở nơi cách ly tập trung không khoa học, để người có nguy cơ cao ở với người nguy cơ thấp dễ lây nhiễm chéo. Vừa qua, có trường hợp nhập cảnh từ Nhật Bản về được phát hiện dương tính trong khu cách ly tập trung tại khách sạn Mường Thanh, Con Cuông, Nghệ An, do ở cùng phòng với bệnh nhân 2.795.

Theo chuyên gia dịch tễ, chúng ta đã có bài học ở Hà Nội khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính ngày cách ly thứ 14 đã cho về, hậu quả người này vừa về tới nhà thì nhận được kết quả dương tính. PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, việc lấy mẫu xét nghiệm ở nơi cách ly tập trung cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, mẫu đó có lấy đúng ngày thứ 14 hay không, và sau 14 ngày phải có kết quả âm tính thì mới hết thời hạn cách ly. Kể cả cách ly tại nhà cũng vậy. 

Hiện nay, chúng ta đã có hàng nghìn trường hợp cách ly tại nhà cho các F2, cũng như các trường hợp kết thúc cách ly tập trung, nếu địa phương không tuân thủ nghiêm, lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả rất dễ xảy ra. Qua các trường hợp trên, chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân phải tuân thủ nghiêm quy định cách ly, nếu không tuân thủ, để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm hình sự.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết “siết” quản lý người sau cách ly tập trung

Ngày 5/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 có Công điện hỏa tốc số 597/CÐ-BCÐ về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.

Không được ra khỏi nhà; phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung… là những quy định mới nhất về quản lý người sau cách ly tập trung.

Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia - đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Khánh An

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn