Sinh viên báo chí lan tỏa giá trị văn hóa qua triển lãm nghệ thuật thêu tay 'Họa sắc ngàn tơ'
(CLO) Chương trình triển lãm kết hợp hội thảo và thực hành “Họa sắc ngàn tơ” vừa được nhóm sinh viên khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức thành công ngày 18/5.
Chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ và những người yêu nghệ thuật thêu tay, tạo nên một không gian giao thoa giữa sáng tạo và văn hoá đầy cảm hứng.
“Họa sắc ngàn tơ” được diễn ra với mong muốn lan toả những giá trị truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật thêu tay.
Bắt đầu từ những hiểu biết ít ỏi, không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về loại hình nghệ thuật này, nhưng bằng tình yêu nghề thủ công truyền thống, loại hình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các bạn trẻ đã tạo nên một không gian kết nối giữa nghệ thuật dân gian và cảm hứng sáng tạo đương đại góp phần khơi dậy sự quan tâm, tự hào và yêu mến văn hóa dân tộc trong cộng đồng giới trẻ.

Mục đích của Ban tổ chức khi tổ chức chương trình “Họa sắc ngàn tơ” nhằm tôn vinh nghề thêu truyền thống của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), một trong những cái nôi của nghệ thuật thêu tay thủ công ở Việt Nam.
Đây không chỉ là dịp để khám phá vẻ đẹp tinh tế của những đường kim mũi chỉ mà còn là cơ hội để lan tỏa thông điệp về gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo bạn Lê Thành - Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn giữ nghề, nhưng theo cách của người trẻ – sáng tạo, kết nối và kể chuyện bằng mọi chất liệu có thể. Chúng tôi mong rằng, sau chương trình này, mỗi người sẽ mang về cho mình ít nhất một điều: có thể là một kiến thức mới, một cảm hứng sáng tạo, hay chỉ đơn giản là một niềm thương mến với nghề thủ công truyền thống của đất nước mình”.

Triển lãm trưng bày các tác phẩm tinh xảo của Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng với hơn 30 năm miệt mài giữ gìn và lan tỏa tinh hoa nghề thêu truyền thống Việt Nam. Từ các bức tranh phong cảnh, họa tiết truyền thống đến những mẫu thiết kế hiện đại, đây đều là sản phẩm của sự hòa quyện giữa nghệ thuật và sự khéo léo, tỉ mỉ của nghệ nhân.
Thông qua những tác phẩm, triển lãm không chỉ tôn vinh giá trị thẩm mỹ độc đáo mà còn kể lại những câu chuyện văn hóa sâu sắc. Đó là lời nhắc nhở về sức sống mãnh liệt của nghệ thuật thủ công truyền thống trong dòng chảy thời gian và hiện đại hóa.

Thông qua các hoạt động như Triển lãm - Talkshow - Workshop, chương trình đã mang đến những góc nhìn đa chiều về giá trị tinh thần, thẩm mỹ và văn hoá ẩn chứa trong từng đường kim mũi chỉ.
Không chỉ tôn vinh các giá trị truyền thống, sự kiện còn khơi dậy cảm hứng sáng tạo, kết nối quá khứ với hiện tại, mở ra những hướng đi mới cho nghệ thuật thủ công trong bối cảnh hiện đại.