Sinh viên mắc kẹt giữa Thủ đô: Chờ ngày Hà Nội… tắc đường trở lại

Thứ hai, 30/08/2021 06:16 AM - 0 Trả lời

(CLO) Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều sinh viên ngoại tỉnh chủ động chọn ở lại Thủ đô thay vì về quê tránh dịch. Dù gặp không ít khó khăn, sống “lay lắt” qua ngày, nhưng các bạn trẻ đều chọn cách thích nghi, giữ tinh thần lạc quan hy vọng ngày hết dịch.

Khó khăn nhưng không đơn độc

Sau khi hoàn thành chương trình học, giữa tháng 6/2021, Hoàng Huy Bằng quê ở Thái Nguyên (sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã ở lại Hà Nội để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, ngay sau Hà Nội ra Chỉ thị 16, Bằng không thể trở về quê mà bị “mắc kẹt” tại đây.

“Bố mẹ cứ gọi trách sao được nghỉ học mà không về nhà. Mình cũng rất muốn về nhưng tình hình dịch bệnh tại Hà Nội rất phức tạp, vả lại mình đi rất nhiều nơi nên sợ về quê mà bản thân có mầm bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người thân trong gia đình”, Bằng tâm sự.

Trong căn phòng ký túc xá của trường, hàng ngày, Bằng chỉ quanh quẩn với chiếc laptop và điện thoại di động. Nam sinh viên này cho biết, chẳng ai ngờ tới cảnh có ngày mình bị "cầm chân" trong bốn bức tường suốt vài tuần. Thế nhưng Bằng nói mình còn may mắn hơn so với nhiều người ngoài kia, những người không có nhà để về, những người đang nằm trên giường bệnh để “chiến đấu” với con virus.

Do không có giấy đi chợ nên chỉ cần ra tín hiệu cần giúp đỡ, ngay lập tức, người dân tại phường Dịch Vọng Hậu hoặc các thầy cô của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hỗ trợ lương thực, giúp Bằng giải quyết những khó khăn trước mắt. 

sinh vien mac ket giua thu do cho ngay ha noi tac duong tro lai hinh 1

Tranh thủ khoảng thời gian giãn cách, Bằng học thêm các kỹ năng về chụp ảnh (Ảnh: NVCC)

Được biết, ngoài việc học ở trường, Bằng còn là một thợ chụp và chỉnh sửa ảnh. Chính vì vậy, đối với Bằng khoảng thời gian giãn cách này không hề “đáng sợ”.

“Tôi tự thấy may mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác, dù mắc kẹt lại Hà Nội nhưng mình vẫn có công việc để làm. Mấy ngày đầu, tôi như muốn phát điên lên vì bức bối và ngột ngạt. Thế nhưng, sau khi set up lại mọi thứ để có background chụp hình tại nhà, mình bắt đầu làm quen với guồng sống này rồi mình chợt nhận ra, làm việc ở nhà cũng có nhiều điều thú vị", Bằng nói.

"COVID-19 dù khiến cho nhiều hoạt động ngưng trệ nhưng chính lúc này, mình lắng lại một chút, sống tự lập, quan tâm tới bản thân nhiều hơn, dành nhiều thời gian để học hỏi, trau dồi các kiến thức, kỹ năng về chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh”, Bằng tâm sự.

Chờ ngày Hà Nội…tắc đường trở lại

Lê Hoàng Minh Vũ, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng trong tình cảnh tương tự. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Vũ quyết định ở lại nhà trọ nằm trên đường Quan Hoa mà không dám về quê vì lo ngại có thể "mang bệnh về nhà".

Áp lực việc học tập, thi cử cộng thêm nỗi lo chi phí ăn uống, sinh hoạt, thế nhưng Vũ đã không còn bỡ ngỡ, lúng túng hay sợ hãi khi giãn cách, chỉ tự động viên bản thân cố gắng thích nghi, xây dựng lối sống, suy nghĩ tích cực trong những ngày này.

“Những ngày đầu thực hiện giãn cách, mình gặp khó khăn khi phải chi cho quá nhiều thứ từ tiền trọ, tiền điện nước, thực phẩm… Có lúc phòng trọ chỉ còn ít rau, thịt; mắm muối cũng hết nhưng mình không dám mua thêm, đành ăn mì gói cho qua bữa”, Vũ chia sẻ.

Mặc dù khó khăn, thiếu thốn nhưng đối với Vũ, việc quyết định ở lại phòng trọ sẽ giúp bảo vệ bản thân và gia đình. “Giờ mình chỉ mong sao cho đại dịch mau qua. Buổi sáng thức dậy không còn nghe báo đài cập nhật thêm ca dương tính nào, được ra đường hòa vào dòng người và xe cộ tấp nập, được đi học, đi làm, đi chơi, gặp bạn bè và người thân mà trong lòng không phải nơm nớp khi thấy đâu đó những rào chắn phong tỏa đang dựng lên. Mình thực sự nhớ những ngày Hà Nội tắc đường…”, Vũ tâm sự.

sinh vien mac ket giua thu do cho ngay ha noi tac duong tro lai hinh 2

Minh Vũ tự tìm tòi, trau dồi các kỹ năng trong thời gian giãn cách (Ảnh NVCC)

Tận dụng khoảng thời gian giãn cách này, Vũ đăng ký các khóa học miễn phí về thiết kế 3D để trau dồi kỹ năng. Vũ cho hay: “Tôi khá buồn vì năm thứ 3 có rất nhiều môn chuyên ngành cần thực hành, học online hơi khó hình dung và tiếp thu. Tôi tìm kiếm các khóa học về thiết kế 3D về ô tô hay các chi tiết, bộ phận của xe để tự học, tự rèn luyện và phát triển bản thân, tránh suy nghĩ tiêu cực về dịch bệnh, hoặc chỉ nằm ườn để ngủ. Có lẽ, đây cũng chính là lúc tôi học cách tự lập và trưởng thành hơn”.

Lạc quan giữa mùa dịch

Mắc kẹt tại Hà Nội trong đợt giãn cách, Thảo Linh (sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ tháng 4, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trở lại, nhà trường chuyển sang hình thức học online. Thế nhưng, vì nhà ở huyện miền núi (Tân Sơn – Phú Thọ), đường truyền mạng không được tốt nên để tiện cho việc học online, Thảo Linh đã ở lại phòng trọ. Thế nhưng cô sinh viên không ngờ tới đợt dịch này lại kéo dài tới vậy.

Sống một mình trong căn phòng trọ 15m2, những ngày giãn cách Thảo Linh cố tìm kiếm nhiều việc để làm. "Chủ yếu tôi học online rồi cố kiếm thêm một vài công việc qua mạng để có thêm thu nhập như viết content, chỉnh sửa video... để kiếm thêm thu nhập, vả lại cũng giúp tôi cảm thấy bận rộn hơn”, Thảo Linh tâm sự.

Thảo Linh cho hay, cả nhà trọ nơi Linh đang ở phòng nào cũng "khóa cửa cài then" một cách ảm đạm. Ai cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có bạn chỉ biết ăn khô cả tuần, rồi mì gói triền miên... Thế nhưng, nếu ai nhận được đồ từ quê lên đều chia sẻ cho nhau mỗi người một ít.  Chủ nhà trọ nơi Thảo Linh ở cũng hỗ trợ giảm tiền phòng, tặng gạo, trứng, mì tôm và cả rau củ quả. Tất cả ai nấy cũng lạc quan và tích cực, động viên nhau vượt qua mùa dịch khó khăn này. 

sinh vien mac ket giua thu do cho ngay ha noi tac duong tro lai hinh 3

Những nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt Thảo Linh nhận được từ chủ nhà trọ (Ảnh: NVCC)

“Đối với tôi, khoảng thời gian này thứ mà mình nhận được nhiều nhất không phải tiền bạc hay đồ ăn mà là tình cảm, sự quan tâm từ thầy cô, các anh chị tình nguyện, bạn bè xung quanh và chủ nhà trọ”, Thảo Linh kể.

Thảo Linh cho biết, để bố mẹ bớt lo lắng về cuộc sống của mình tại Hà Nội, một ngày cô gọi video về nhà từ 1-2 cuộc. Có lẽ, ngoài khu nhà trọ ra thì gia đình chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của Thảo Linh lúc này.

“Thời đại công nghệ 4.0 rồi nên dù ở đâu chỉ cần call video là có thể thấy mặt nhau. Có rất nhiều thứ để cùng nhau chia sẻ chứ không phải toàn những tin tức tiêu cực về COVID-19, nên mấy tháng qua mình thấy không nhàm chán lắm. Tôi nghĩ chỉ có tích cực, lạc quan mới giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Thảo Linh vui vẻ nói.

Dịch COVID-19 liên tục bùng phát đã khiến cuộc sống của hết thảy người dân bị xáo trộn. Chính vì vậy, là những người trẻ - các sinh viên phải thích nghi kịp thời với những biến cố, coi khó khăn là cơ hội để học hỏi, trải nghiệm và khám phá bản thân, xây dựng một lối sống lành mạnh, một tinh thần lạc quan, để chung sống an toàn với đại dịch.

Nguyễn Thúy

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết 24/4/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

Dự báo thời tiết 24/4/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 24/4/2024, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm, mưa tập trung vào chiều tối và đêm.

Đời sống
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thăm, tặng quà chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Sáng 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã đi thăm, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên, thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Đời sống
Hà Nội phát hiện 1 tấn thực phẩm đông lạnh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Hà Nội phát hiện 1 tấn thực phẩm đông lạnh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ

(CLO) Đội 22, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an Quận Bắc Từ Liêm vừa ngăn chặn gần 1 tấn thực phẩm đông lạnh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông ra thị trường.

Đời sống
Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái thăm viếng gia đình các nạn nhân bị tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái thăm viếng gia đình các nạn nhân bị tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng

(CLO) Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy xi măng (Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), sáng 23/4, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân có người thiệt mạng tại huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Đời sống
Giải cứu cháu gái 13 tuổi bị dụ dỗ qua Facebook, lừa bán ra nước ngoài

Giải cứu cháu gái 13 tuổi bị dụ dỗ qua Facebook, lừa bán ra nước ngoài

(CLO) Một cháu gái 13 tuổi, người dân tộc Thái, quê ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên có quen một người phụ nữ qua mạng xã hội Facebook, rồi cháu bị dụ dỗ, lôi kéo và bị lừa bán sang Myanmar. Sau đó, chúng bắt ép cháu phải làm lao động vất vả….

Đời sống