Sở GD-ĐT TP. HCM: Kiểm tra học kỳ môn Sử, Địa cần tăng cường câu hỏi mở

21/10/2022 15:03

(CLO) Theo Sở GD-ĐT TP. HCM việc tăng cường các câu hỏi mở, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ,... trong môn Sử, Địa sẽ giúp học sinh tránh học thuộc kiểu máy móc.

Ngày 21/10, Sở GD-ĐT TP. HCM vừa có văn bản (số 3995/SGDĐT-GDTrH) gửi các Phòng Giáo dục quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị giáo dục trên địa bàn, về hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học 2022-2023.

so gd dt tp hcm kiem tra hoc ky mon su dia can tang cuong cau hoi mo hinh 1

Sở GD-ĐT TP. HCM cho rằng việc có thêm các câu hỏi mở trong môn Sử, Địa sẽ giúp học sinh biểu đạt chính kiến riêng. Ảnh minh họa

Bài liên quan

Kon Tum: Cách chức một hiệu trưởng vì chậm chi trả chế độ cho giáo viên, học sinh

Sớm hoàn thiện Nghị quyết về học phí và phương án mua sách giáo khoa để học sinh mượn

Học sinh dân tộc thiểu số Việt Nam được trao quyền đảm nhiệm vị trí của Đại sứ Thụy Điển

Tiêu điểm: Mua SGK cho học sinh mượn - Đảm bảo rõ ràng, công khai, không để xảy ra tiêu cực và lãng phí

Theo đó, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM chỉ đạo các trường phải ban hành quy chế kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo tính khoa học, logic, chặt chẽ.

Cụ thể, nhà trường cần xây dựng ngân hàng đề, ngân hàng câu hỏi, chịu trách nhiệm về đề thi chính thức, đề dự bị, tổ chức in ấn và bảo quản, bảo mật, lưu trữ để kiểm tra. Quy trình coi và chấm kiểm tra phải thống nhất về đáp án và biểu điểm; tổ chức chấm bài đảm bảo khách quan, chính xác; quy định rõ về việc phúc khảo bài kiểm tra, cũng như thời gian phúc khảo;…

Quy chế xây dựng, kiểm tra đánh giá học sinh phải được công khai trong tập thể nhà trường, học sinh và phụ huynh trên cổng thông tin điện tử.

Đáng chú ý, kế hoạch kiểm tra đánh giá phải được xây dựng sao cho phù hợp với kế hoạch dạy học, tuyệt đối không kiểm tra vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông hoặc các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra các môn học phải đảm bảo yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Riêng các môn lịch sử, địa lý, cần tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho học sinh biểu đạt chính kiến, tránh tình trạng ghi nhớ một cách máy móc.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn dự kiến thời gian kiểm tra định kỳ của năm học 2022-2023. Trong đó, kiểm tra cuối kỳ 1 sẽ hoàn thành vào ngày 7/1/2023 và cuối kỳ 2 là trước ngày 20/5/2023.

Tuy nhiên, các môn học, hoạt động giáo dục nào có tiến trình dạy học khác với tiến trình chung, vẫn sẽ do nhà trường xây dựng thực hiện kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đúng với tiến trình dạy của môn học.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sở GD-ĐT TP. HCM: Kiểm tra học kỳ môn Sử, Địa cần tăng cường câu hỏi mở
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO