Theo báo cáo của văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về PCTT, tính đến ngày 6/11 đã có 69 người chết, tăng 25 người so với báo cáo nhanh ngày 05/11 (Thừa Thiên Huế: 06 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 05 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 01 người; Khánh Hòa: 27 người; Lâm Đồng: 03 người; Kon Tum: 01 người; Đắk Lắk: 01 người và 10 người do sự cố tàu vận tải).
Người mất đã lên đến 30 người, tăng 11 người so với báo cáo nhanh ngày 05/11 (Quảng Trị : 01 người; Thừa Thiên Huế: 03 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 01 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 02 người; Khánh Hòa: 05 người và 03 người do sự cố tàu vận tải).
Về nhà ở, 1.484 nhà bị sập đổ, 119.222 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về Nông nghiệp, thủy sản, diện tích lúa bị ngập là 7.990 ha, tăng 2.694ha so với báo cáo nhanh ngày 05/11. Diện tích rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại tăng lên 14.559 ha. Thiệt hại về lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản tăng lên 24.942 lồng.
Về thủy lợi, tỉnh Quảng Nam: Hồ Nước Rôn, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, dung tích 1,1 triệu m3, đập cao 21,5m dài 111m, tràn xả lũ tự do ngưỡng (+108) m, rộng 30m. Trong hai ngày 04 và 05/11 tổng lượng mưa trong khu vực hồ là 1215 mm. Lúc 1h ngày 06/11 hồ Nước Rôn bị vỡ tràn xả lũ, hiện đã xói đến nền đá gốc ở cao trình (+101) m. Mực nước hiện tại hạ xuống đến cao trình vết vỡ. UBND huyện Bắc Trà My đã di dời 250 hộ dân ở hạ du, không có thiệt hại về người; đến nay, số dân di dời đã trở về nhà.
Số người chết và mất tích do bão, lũ tăng lên 99.
Tại tỉnh Khánh Hòa, đối với sự cố sạt lở mái thượng lưu đập của 02 hồ Đá Bàn và Tiên Du, đã triển khai phương án xử lý ban đầu là hạ thấp mực nước hồ Đá Bàn xuống +58m và hồ Tiên Du đến cao trình +320m sau đó xếp rọ đá phía chân, lát lại đá lát mái để bảo đảm an toàn mái đập trong mùa mưa lũ khi hết mùa mưa lũ sẽ sửa chữa triệt để những vị trí sạt trượt.
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực PCTT Bộ Công thương, tính đến 6h/07/11, tại Khánh Hòa còn 02 trạm biến áp 110kV Ninh Hòa, Ninh Thủy và 02 trạm biến áp 110 kV của khách hàng chưa khôi phục được.
Về lưới điện trung, hạ thế, tỉnh Phú Yên đã khôi phục 60/87,3 MW, chiếm 69% công suất tải toàn tỉnh. Tỉnh Khánh Hòa đã khôi phục 150/200 MW, chiếm 75% công suất tải toàn tỉnh. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chủ động cắt điện một số nơi bị ngập để đảm bảo an toàn.
Về giao thông, tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tại quốc lộ 1 có 03 điểm với tổng chiều dài 10,8 km bị ngập sâu 0,4-1,0m, tắc đường hoàn toàn. Đường Hồ Chí Minh bị sạt taluy dương tại Km 1497 gây tắc đường hoàn toàn. Đường Trường Sơn Đông có 02 điểm với tổng chiều dài 04km bị sạt taluy dương gây tắc đường hoàn toàn. Tại tỉnh Quảng Ngãi có 02 điểm thuộc đường Trường Sơn Đông bị tắc đường hoàn toàn và một số điểm thuộc quốc lộ 24, 24B, 24C bị ngập, tắc đường. Tại tỉnh Bình Định, trên quốc lộ 1 nước ngập gây tắc đường hoàn toàn. Tại tỉnh Khánh Hòa, quốc lộ 27C vẫn tắc đường. Tỉnh Kon Tum 03 điểm trên đường Trường Sơn Đông bị sạt taluy dương gây tắc đường.
Về đường sắt, khu vực Hảo Sơn - Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên chưa thông tuyến, hiện Tổng công ty đường sắt Việt Nam tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô qua khu vực nay và đang khẩn trương sửa chữa, dự kiến thông đường trước ngày 09/11.
N.M