Số trẻ em Nhật Bản giảm năm thứ 44 liên tiếp, chạm đáy kỷ lục mới
(CLO) Ngày 5/5, đúng Ngày Thiếu nhi ở Nhật Bản, Chính phủ nước này đã công bố dữ liệu cho thấy dân số trẻ em Nhật tiếp tục giảm năm thứ 44 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 1/4 năm nay, số trẻ em 14 tuổi trở xuống ở nước này ước tính là 13,66 triệu người, giảm 350.000 so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số hiện ở mức 11,1%, tiếp tục xu hướng giảm và là mức thấp nhất trong số các quốc gia phát triển lớn. Tổng dân số Nhật Bản vào năm 2024 là 123,4 triệu người.
So sánh quốc tế cho thấy sự chênh lệch đáng kể: tại Mỹ, trẻ em chiếm khoảng 21,7% dân số vào năm 2023, trong khi con số này ở Trung Quốc là 17,1% vào năm 2024.
.png)
Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản hiện ở mức khoảng 1,3, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì quy mô dân số ổn định. Tình trạng tỷ lệ tử vong vượt xa số ca sinh diễn ra suốt nhiều thập kỷ qua, kéo theo sự suy giảm dân số tổng thể, gây ra những tác động sâu rộng đối với kinh tế, thị trường lao động, hệ thống phúc lợi xã hội và cấu trúc dân cư.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, năm 2024, nước này ghi nhận 1,62 triệu ca tử vong, gấp đôi số ca sinh. Số lượng các cuộc hôn nhân chỉ tăng nhẹ, trong khi số vụ ly hôn có xu hướng tăng. Các chuyên gia cảnh báo xu hướng dân số suy giảm sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, và phần lớn là không thể đảo ngược do đặc điểm cơ cấu dân số hiện nay.
Nhật Bản hiện được xếp vào nhóm các quốc gia "siêu già", với hơn 20% dân số ở độ tuổi từ 65 trở lên. Dự báo cho thấy đến năm 2065, dân số Nhật có thể giảm xuống còn khoảng 88 triệu người – giảm gần 30% so với hiện tại.
Nhiều nguyên nhân đã được xác định bao gồm chi phí sinh hoạt cao, mức lương không tăng trưởng tương xứng, diện tích nhà ở hạn chế, cũng như văn hóa làm việc nghiêm ngặt với giờ làm kéo dài và áp lực lớn tại nơi làm việc.
Tình trạng đồng yên suy yếu, kinh tế trì trệ và lạm phát tăng cũng được cho là các yếu tố làm giảm động lực lập gia đình trong giới trẻ.
Trong những năm qua, Chính phủ Nhật đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, bao gồm mở rộng hệ thống chăm sóc trẻ em, hỗ trợ tài chính cho các bậc phụ huynh, trợ cấp nhà ở, và ở một số địa phương thậm chí cung cấp tiền mặt cho các cặp đôi sinh con. Một cơ quan chính phủ mới đã được thành lập, chuyên trách thúc đẩy hôn nhân và sinh sản.
Tình trạng dân số giảm không chỉ là vấn đề của riêng Nhật Bản. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng như Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc cũng đang đối mặt với xu hướng tương tự. Trong khi đó, các nước châu Âu như Tây Ban Nha và Ý dù cũng có tỷ lệ sinh thấp, nhưng lại chủ động hơn trong việc sử dụng chính sách nhập cư nhằm bù đắp dân số thiếu hụt.
Trung Quốc, quốc gia từng đông dân nhất thế giới, cũng chứng kiến dân số giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, với số ca tử vong vượt xa số ca sinh. Ấn Độ hiện đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất toàn cầu.