Sợi neo văn hóa

Thứ năm, 25/11/2021 09:33 AM - 0 Trả lời

(CLO) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh… Làm được điều đó, ấy là mỗi người Việt Nam chúng ta, dân tộc Việt Nam chúng ta đã tạo dựng cho mình sợi neo văn hóa bền chặt, để con thuyền Việt Nam vững tin tiến ra biển lớn của thế giới hiện đại, hội nhập mà chẳng sợ hòa tan…

"Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, để chúng ta nâng niu, để chúng ta tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế". Nhìn nhận ấy của GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cũng là một trong những thông điệp cốt lõi được phát đi từ “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 24/11 vừa qua.

1. Khi viết bài này, bàn về sức mạnh, giá trị, ý nghĩa của phạm trù văn hóa, tôi lại nhớ tới câu nói của triết gia, văn sĩ nổi tiếng người Pháp thế kỷ XX Albert Camus: “Văn hóa - Tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận”.

Một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ, Albert Camus cũng là tác giả của một trong những tác phẩm văn học từng là cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ sinh viên, học sinh Việt: “Dịch hạch - La Peste”.

soi neo van hoa hinh 1

Bối cảnh của “Dịch hạch” là thành phố biển Oran - một thành phố vốn nổi tiếng yên tĩnh bên bờ Địa Trung Hải ở Algérie khi còn thuộc Pháp. Nhưng bỗng một ngày, thành phố ấy đã không còn sự yên tĩnh vốn có nữa.

Vào sáng ngày 16/4 của một năm trong thập niên 1940, bác sĩ Rieux từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đá phải một xác con chuột chết; ngay chiều hôm đó đi về thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Đầu tiên là những con chuột chết lẻ tẻ nơi cầu thang, rồi người ta bắt gặp xác chuột chết ở ngoài đường không đúng chỗ… Lúc đầu người ta tưởng đó là trò nghịch ngợm của bọn trẻ, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần, dân cư thành phố lo sợ. Các bệnh nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện rồi xuất hiện những người chết đầu tiên.

Chỉ mấy ngày sau những hiện tượng bất bình thường này, dịch bệnh bùng phát. Qua nhiều cuộc tranh cãi, cuối cùng chính quyền Oran công nhận thành phố bị dịch hạch và quyết định đóng cửa toàn thành phố để bệnh khỏi lây lan. Thành phố bị đóng cửa, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt.

Bắt đầu từ đây, một cuộc chiến cam go chống chọi giữa con người với dịch bệnh đã diễn ra âm thầm, quyết liệt bên trong thành phố bị phong tỏa ấy. Dù mỗi công dân của thành phố mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, người sống trong sợ hãi, người tuyệt vọng… nhưng cùng với cuộc chiến chống lại dịch bệnh, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn…

Thật lạ lùng, ngày hôm nay, trong khốc liệt của cuộc chiến chống chọi lại đại dịch COVID-19, nhớ lại những gì Albert Camus đã viết trong Dịch hạch, mới thấy nói Albert Camus là nhà “tiên tri” bằng văn chương, quả không hề là ngoa ngôn.

Nhiều độc giả hôm nay đã ngỡ ngàng mà rằng, Albert Camus viết về căn bệnh dịch hạch cách đây hơn 70 năm (năm 1947) mà cứ như phản ánh trước về đại dịch COVID-19, cũng với sự xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh chóng, cũng với trạng thái lo âu, phấp phỏng, cùng với tâm thế sống “bình thường mới”, cũng với câu chuyện về những phẩm chất của những người chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống lại virus dịch bệnh…

Và có lẽ cũng chính từ tâm thế của những ngày viết nên tác phẩm Dịch hạch ấy, Albert Camus đã chiêm nghiệm nên một điều rằng: “Văn hóa - Tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận”. Trong tận cùng của nỗi đau, của những lo sợ, khó khăn, thậm chí bất lực, thì văn hóa rốt cuộc chính là bến đỗ an yên nhất cho tâm hồn mỗi con người.

soi neo van hoa hinh 2

2. Vượt xa hơn số phận mỗi cá thể con người riêng biệt, văn hóa còn là sợi dây neo giữ cho con thuyền dân tộc khỏi những chòng chành tác động bởi những giông bão của thời cuộc. Như lời tiền nhân từng nhấn mạnh: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.

Cũng chính bởi sức mạnh của chiếc neo đậu văn hóa ấy, mà năm 1946, chỉ một năm sau ngày đất nước giành được độc lập sau hàng ngàn năm Pháp thuộc, trong vô vàn công việc, trong bộn bề gian khó của ngày đầu dựng nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm tổ chức cho được Hội nghị Văn hóa có quy mô toàn quốc, để nhắc nhớ quốc dân một điều rằng: Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

Và giờ đây, cũng trong bộn bề, gian nan của những ngày tháng vừa phải gồng sức chiến đấu chống lại dịch bệnh, vừa thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, trong ngổn ngang của những đau thương mất mát, tổn thất, cả về an sinh xã hội, kinh tế lẫn những sang chấn tâm lý không thể tránh khỏi của người dân bởi dịch bệnh, Đảng, Nhà nước ta vẫn nỗ lực quyết tâm tổ chức “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” lần thứ 3.

Như chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Báo Nhà báo & Công luận: “Văn hóa chính là sức mạnh tinh thần, để cho chúng ta có thêm quyết tâm, ý chí, nghị lực phát triển đất nước. Dịch bệnh COVID-19 vừa qua, cho chúng ta thấy rằng rất cần sức mạnh tinh thần. Khi có sức mạnh tinh thần từ sự sẻ chia, đoàn kết, triết lý nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”… sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch bệnh một cách dễ dàng hơn”.

3. Trong tiểu thuyết Dịch hạch, có chi tiết bác sĩ Rieux tự hỏi rồi tự trả lời rằng: “Dịch hạch, nó là như thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi…”.

Dịch COVID-19 giờ đây đang được coi là thứ bệnh đặc hữu, cũng như dịch hạch năm nào, cũng một phần của cuộc sống mà con người ta phải chấp nhận để rồi thích ứng để “chung sống”.

Mọi khó khăn gây nên bởi dịch bệnh, dù lớn đến nhường nào, dù cũng sẽ có ngày sẽ kết thúc. Nhưng trên hành trình sống của nhân loại, từ thập kỷ này, thế kỷ này đến thập kỷ khác, thế kỷ khác, tự nhiên như vòng xoáy liên hồi và khôn cùng, không ai có thể khẳng định rằng liệu trong tương lai sẽ có thêm một đại dịch Dịch hạch, một đại dịch COVID-19 khác nữa hay không?

Nhưng điều mà mỗi con người, mỗi quốc gia hôm nay có thể ý thức được một cách rất rõ rằng, mọi biến cố thời cuộc đều có thể xảy đến bất cứ lúc nào, không bao giờ hẹn trước… và cách tốt nhất nên làm hôm nay là tạo dựng sẵn cho mình, cho quốc gia mình những tấm đệm vững chắc, những sợi dây neo bền chặt, làm bệ đỡ trước mọi tác động.

Xã hội như một dòng chảy, chẳng thế nào tránh được những biến đổi, sẽ có những khúc quanh, trong, đục, sẽ có những tác động tiêu cực làm nhiều người trong chúng ta, chẳng tránh được có một lúc nào đó sẽ có những thoái hóa, biến chất…

Tác động xã hội cũng khiến đời sống văn hóa mỗi cá thể gia đình chẳng tránh khỏi những biến đổi tiêu cực: bạo lực gia đình, tình nghĩa vợ chồng, ruột thịt bị xem nhẹ… không gian, môi trường văn hóa ngày càng tiềm ẩn những ô nhiễm… văn hóa dân tộc cũng chịu nhiều thách thức trong dòng chảy hội nhập….

soi neo van hoa hinh 3

Hội nghị Diên Hồng lần thứ 3 vừa khép lại, rất nhiều thông điệp đáng suy ngẫm đã được đưa ra… Văn hóa, như quan điểm xuyên suốt của Đảng phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, và rằng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn hiểu một cách giản dị, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. 

Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá;  Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ…

Làm được điều đó, ấy là mỗi người Việt Nam chúng ta, dân tộc Việt Nam chúng ta đã tạo dựng cho mình  sợi neo văn hóa bền chặt, để con thuyền Việt Nam vững tin tiến ra biển lớn của thế giới hiện đại, hội nhập mà chẳng sợ hòa tan…

Hồng Hà

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn