Sơn La: Nỗi buồn mang tên "vàng trắng"

Thứ sáu, 22/03/2019 07:55 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cây cao su đã được trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La từ những những năm 2007 – 2008. Đến nay, sau 10 năm chăm sóc, một số diện tích cao su của tỉnh Sơn La đã cho thu hoạch mủ. Tuy nhiên, sự mòn mỏi chờ đợi của người dân đã không được như kỳ vọng...

CS 1

Chủ trương đưa cây cao su lên trồng ở một số tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc với mong muốn tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người dân, góp phần chống sói mòn đất, phủ xanh đất trống đồi núi trọc…Đây là một chủ trương lớn nhằm phát triển kinh tế cho các tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc.

Tại tỉnh Sơn La, cây cao su đã được trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh từ những những năm 2007 – 2008. Đến nay, sau hơn 10 năm chăm sóc, một số diện tích đã cho thu hoạch mủ. Tuy nhiên sự mòn mỏi chờ đợi của người dân đã không được như kỳ vọng.

Sau 10 năm góp đất trồng cao su

Vượt nửa ngày đường, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại bản Lạnh B, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Sau rất nhiều cuộc điện thoại và cả sự chờ đợi, 12h trưa, chúng tôi nghe thấy tiếng lạch cạch lao gỗ xuống từ vách núi dựng đứng.

Ông Lường Văn Chương, trưởng bản Lạnh B trở về sau một buổi đi nương với một khúc củi lớn trên vai. Đây là công việc thường ngày của ông.

Tiếp chúng tôi, sau tuần nước và những câu chào hỏi, ông Chương hướng ánh mắt nhìn xa xăm ra khoảng trời phía trước nhà ông, nơi có những rừng cao su xanh ngắt. Sau tiếng thở dài, ông bảo “24 năm làm trưởng bản, chẳng bao giờ nghĩ cuộc đời mình có lúc buồn đến vậy. Thời gian qua, mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng, dai dẳng như…cao su vậy!”

Trưởng bản Lạnh B, Lường Văn Chương:

Trưởng bản Lạnh B, Lường Văn Chương: "Thời gian qua, mỗi ngày trôi đi dài đằng đẵng, dai dẳng như…cao su vậy!”. Ảnh: PV.

Ngược dòng thời gian, ông kể cho chúng tôi nghe cách đây khoảng 10 năm, khi thực hiện chủ trương trồng cây cao su theo cách “đã vào quy hoạch”, gia đình ông góp 1,6 ha đất canh tác ngô, sắn hàng năm của mình để trồng cao su.

Khi ấy, ông cùng 147 hộ dân khác được điền tên vào danh sách những hộ góp đất, hộ góp nhiều lên đến 7 ha, hộ ít thì vài trăm mét vuông.

Với những hộ góp đất từ 1 ha trở lên sẽ có một “suất” làm công nhân cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La. Và lẽ đương nhiên, với 1,6 ha đất, gia đình ông Chương có một suất vào làm công nhân như vậy.

Từ khi góp đất, nguồn thu nhập chính của gia đình ông phụ thuộc vào đồng lương công nhân theo thời vụ ít ỏi. Khi có việc mới có lương, cuộc sống trở nên khó khăn.

Không có nguồn thu nhập nào khác, ông Chương phải lên núi canh tác. Đứng ở nhà ông nhìn lên triền núi thấy những đám khói bay ngang như những đám mây lơ lửng giữa bầu trời. Hỏi ra mới biết, đó là nơi ông vừa đốt cây cỏ dại để lấy đất canh tác.

Ông Chương bảo, “mình phải bắc thang trèo qua vách núi dựng đứng kia mất khoảng 5 phút, sau đó đi bộ 30 phút nữa mới đến nương. Nếu đi xe máy phải vòng khoảng 5km đường gập ghềnh”.

Vượt qua bao nguy hiểm để đến được nơi kiếm kế sinh nhai, lúc này ông mới nghĩ đến việc: “nếu có chỗ đất 1,6 ha trước kia chưa góp đất trồng cao su mình trồng sắn, ngô, cà phê, cây ăn quả thì cuộc sống sẽ không vất vả như bây giờ?”

 
Không biết tương lai các cháu sẽ ra sao. Rồi còn bà con làng bản nữa, giờ bà con rất buồn, không có đất sản xuất nên đi làm thuê, trước đây có gần 60 người làm công nhân cao su giờ chỉ còn có 7 người - Trưởng bản Lường Văn Chương (bản Lạnh B, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Sơn La)  nói.

Trong suốt cả buổi trò chuyện với vị trưởng bản, thấy khuôn mặt ông lúc nào cũng buồn. Ông bảo: “nếu cứ để cao su thì tương lai không đủ sống do thu hoạch kém quá. Vì trong vòng hai năm cạo mủ với 6.300m2, họ (Công ty Cao su) chia cổ phần được có 1 triệu, nếu trồng ngô sắn giá được cao hơn. Giờ nhiều hộ dân muốn đòi lại đất nhưng khó lắm. Nhà mình ký hợp đồng rồi. Ở bản nhiều hộ đã ký và đã đưa cho Công ty Cao su ra xã đóng dấu nhưng chưa thấy đưa lại”.

Mang câu chuyện của trưởng bản Lường Văn Chương chia sẻ với ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu, ông Hùng cho biết: “Giờ giá thấp nên bà con buồn. Lúc trồng là giá mủ cao su hơn 100 triệu/tấn, giờ chỉ còn có 30 triệu/ tấn.

Bà con suốt ngày kêu tôi góp đất trồng cao su mà mây giờ sản lượng ít quá, giá lại thấp. Bây giờ toàn huyện bà con ký hợp đồng đến 90% nên những mất mát cũng như mong muốn của bà con rất khó giải quyết. Bà con bỏ cũng không bỏ nổi, vì 10 năm rồi, mà cây cao su lại là tài sản của công ty, nó là chủ trương lớn không bỏ được”…

Trăn trở trước nỗi lo cuộc sống

Trưởng bản Lò Văn Chương cho biết: theo chủ trương của nhà nước, các hộ dân được vận động góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hộ có đất ít góp ít, nhiều góp nhiều, có sản phẩm ra thì sẽ chia theo sản phẩm, bên góp đất được 10%.

“Ở bản gia đình góp nhiều nhất là anh bí thư thôn khoảng 7 ha. Ngày xưa bà con tham gia làm công nhân nhiều nhưng sau đó ngày có việc, ngày không có việc, thu nhập không đều nên bà con nghỉ gần hết. Hiện tại cây cao su phát triển bình thường, đất tốt được cạo mủ, đất xấu thì chưa” – ông Chương nói.

Rồi ông đưa cho chúng tôi xem bản hợp đồng góp QSDĐ để hợp tác trồng cao su và cho biết, trước đây tỉnh, huyện vận động bà con “đây là vùng quy hoạch trồng cao su, theo chủ trương của nhà nước, nếu không trồng cán bộ bị chỉ trích, kiểm điểm, có phản đối vẫn phải trồng theo quy hoạch?!”.

 “Chục năm nay có được gì đâu, chỉ năm hết tết đến có ít quà tết cho bà con góp đất. Một số chưa cạo mủ vì cây nhỏ do không chăm sóc tốt, bà con ít việc làm. Cả 3 bản có 147 hộ tham gia trồng trên 69 ha. Khi tham gia góp đất hộ dân có làm hợp đồng, cũng có hộ chưa nhất trí ký. Đất trước đây chưa có sổ, giờ bảo làm sổ rồi”, vị trưởng bản Lạnh B nói

Không chỉ hộ ông Chương, ở Lạnh B còn có nhiều hộ khác như gia đình ông Lò Văn Thuận góp 3000m2 đất, nhưng đến nay cao su của gia đình ông trồng từ năm 2008 vẫn chưa được khai thác. “Cao su thu nhập không tốt. Trước còn bảo khi nào có nhựa, có mủ thì được cổ phần. Nhưng giờ 10, 11 năm rồi mà chả thấy cái cổ phần đâu?!

Còn cái đất trồng cà phê thì đều đất trong nương có đá nhiều, đất đấy họ không lấy để trồng cao su. Họ khoanh vùng, vào nhà ai thì người đó góp. Đây xã cũng đến vận động, có nhà không nhất trí làm đâu, nhưng xã với bản bảo bây giờ hai bên đều trồng cao su, mình ở giữa mình không góp thì trồng cây gì mà ăn được. Trồng 10 năm rồi, giờ thiếu ăn, nương rẫy thì ít. Cao su mà có kết quả thì dân cũng không bỏ đâu” – ông Thuận buồn rầu chia sẻ

Rồi ông bảo: “Trồng từ khi con gái tôi lấy chồng, mà bây giờ con của nó học lớp 5, 6 rồi đấy mà vẫn chưa thấy cao su có được cái gì. Cuối năm thì công ty cho 2 hộp bánh, một chai dầu ăn, một chai nước mắm đấy.

Nhà tôi có thằng con đi làm được độ 6-7 năm. Lương không phải tháng nào cũng đều nhau đâu, mà họ tính ngày công ấy. Làm mỗi ngày ví dụ đi phát cỏ cứ 120 cây thì được 1 công, 50-60 nghìn, công bón phân thì cao hơn một tí. Tính ra thì như dân chúng tôi nếu mà làm cà phê từ ngày đấy thì bây giờ được bao nhiêu tiền rồi”…

Ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sơn La. Ảnh: PV.

Ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sơn La. Ảnh: PV.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Anh Đức – TGĐ Công ty Cao su Sơn La cho biết, năm 2007, khi Tập đoàn Cao su VN vào đầu tư thì toàn bộ vùng hiện nay trồng cao su đều là đất hoang không trồng được bất cứ cây gì, cũng không có rừng.

Tỉnh Sơn La và Tập đoàn Cao su VN có hướng phát triển cây cao su nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của địa phương.

Hợp đồng có sự thống nhất giữa Tập đoàn, Tổng công ty, các ban ngành của tỉnh và người dân. Theo hợp đồng thì thời gian kiến thiết cơ bản là 8 năm, đến năm thứ 9 thì bắt đầu khai thác mủ cao su. Thời gian khai thác mủ là 20 năm. Nếu tính cả thời gian kiến thiết và khai thác thì cây cao su sẽ tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương trong gần 30 năm. Sau khi hết thời gian khai thác mủ thì sẽ có tận thu thanh lý gỗ.

Hiện tại đang là giai đoạn cuối kiến thiết, cây khép tán, công chăm sóc ít, dân thấy thu nhập ít hơn một chút nên thắc mắc. Vì những lúc đầu khai hoang, trồng mới, đào hố, chăm sóc, rất nhiều công, thu nhập ổn định khoảng 10-12tr/ lao động/tháng.

Trước khi công ty ra đây, hầu như không có cây gì. Vài năm trước thì Sơn La có chính sách phát triển mạnh mẽ, thu nhập từ cây ăn quả bước đầu cao hơn cao su, từ đó dẫn đến các hộ dân đang so sánh giữa cao su và cây ăn quả khác”, ông Đức nói.

Do cây cao su không còn mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ dân lại thiếu đất canh tác để thay đổi sinh kế. Không còn cách nào khác, rất nhiều các cặp vợ chồng trẻ ở bản Lạnh B và các bản lân cận đã phải để con cái lại cho ông bà để tha hương làm thuê tìm kế sinh nhai.

Trước khi chia tay chúng tôi, trưởng bản Lường Văn Chương ngồi ở hiên nhà, hướng ánh mắt nhìn xa xăm, ông bảo: “Tôi có con trai và con dâu không có việc làm nên giờ đi Hà Nội làm thuê, để hai cháu ở nhà.

Không biết tương lai các cháu sẽ ra sao. Rồi còn bà con làng bản nữa, giờ bà con rất buồn, không có đất sản xuất nên đi làm thuê, trước đây có gần 60 người làm công nhân cao su giờ chỉ còn có 7 người”.

Chúng tôi đi rồi nhưng đằng sau vẫn còn nghe thấy tiếng thở dài của người trưởng bản…

(Còn nữa)

Hoàng Thao

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương