Sống mãi cùng lịch sử nước nhà

Chủ nhật, 26/04/2020 04:17 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là học sinh miền Nam tập kết, năm 1965, Phương Hà vào chiến trường miền Nam, vừa cầm súng vừa cầm bút, trở thành phóng viên báo Giải phóng - Cơ quan của Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

LTS: Phương Hà là một trong những nhà báo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và góp phần xuất bản báo Giải phóng trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng. Nhớ về một thời làm báo gian lao mà anh dũng, nhà báo Phương Hà đã có những ghi chép về hoạt động của các cơ quan báo chí miền Nam trong những ngày tháng lịch sử này.

Tổng lực cho bản tin cuối cùng xuất bản ở chiến khu

Sau giải phóng Phước Long, làm chủ con đường chiến lược nối Sài Gòn với Nam Tây Nguyên - đường 14 (17/12/1974 - 6/1/1975), các cơ quan thông tấn, báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trở nên nhộn nhịp khác thường.

Một số phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng được phái đi Tây Nguyên và chiến trường Khu 8, Khu 9. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần băng rừng ra tận “mái nhà Đông Dương” vì ai cũng nghĩ, nếu muốn giải phóng Tây Nguyên thì trước hết phải đánh chiếm Pleiku, Kon Tum bởi nơi đây đối phương tập trung lực lượng lớn, lại gần đường tiếp tế lương thực, vũ khí của ta. Nhưng nào ngờ, chúng tôi lại được theo các cánh quân đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

song mai cung lich su nuoc nha hinh 1

Bạn đọc ở Hà Tiên (Kiên Giang) đón đọc Báo Giải phóng.

Và ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột (11/3/1975), tại Sở chỉ huy Mặt trận giải phóng Tây Nguyên, chúng tôi mới nghe cụm từ “đòn đánh điểm huyệt”. Quả thật, sau khi mất Buôn Ma Thuột, đối phương co cụm để giữ Pleiku. Pleiku bị cô lập, đường 19 bị cắt đứt, chính quyền Sài Gòn phải cho Quân đoàn 2 bỏ Tây Nguyên rút về duyên hải miền Trung theo đường 7 để cố thủ rồi tìm cách phản kích chiếm lại địa bàn chiến lược trọng yếu này. Nhưng cuộc rút lui đã biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn, tạo ra phản ứng dây chuyền cả về quân sự lẫn chính trị đối với chính quyền Sài Gòn, cả chính phủ Mỹ, đẩy nhanh quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh.

Khi chúng tôi trở về, các cơ quan thông tấn, báo chí lúc này đã dời trụ sở từ rừng sâu ra gần lộ 4 nối thị xã Tây Ninh với biên giới Việt Nam - Campuchia thì nhận được chỉ thị chuẩn bị để giải phóng Sài Gòn!

Riêng báo Giải phóng thì phải chuẩn bị manchette mới để in tại thủ đô Việt Nam Cộng hòa. Họa sĩ Dũng Tiến - tù chính trị bị giam cầm ở Côn Đảo suốt 19 năm, được trả tự do cuối 1973 chịu trách nhiệm vẽ hàng chục kiểu manchette để cấp trên chọn, với yêu cầu cũng là chữ “Giải phóng” nhưng khác hoàn toàn với manchette đang dùng. Thông tấn xã Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng thì chuẩn bị phương tiện để phát sóng, phát tin, bài giữa đô thành vì phải lường đến tình huống trước khi đầu hàng, đối phương phá hủy hết máy móc, phương tiện. Ngoài anh chị em phóng viên đang ở mặt trận, chúng tôi được phân công theo các cánh quân tiến về Sài Gòn và “ở nhà” lo bài vở, in ấn những số báo cuối cùng xuất bản ở chiến khu.

Là những phóng viên có nhiều năm lăn lộn chiến trường, chúng tôi đoán biết thời cơ để giải phóng hoàn toàn miền Nam sắp đến sau khi ta làm chủ Tây Nguyên rồi Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng… nhưng giải phóng Sài Gòn trong tháng 4 thì ít ai ngờ đến. Sau này, chúng tôi mới biết, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị có phiên họp lịch sử, khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến… tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”.

Ngày 20/4/1975, chúng tôi được phổ biến chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” và ngày 25/4, hầu hết lực lượng của Thông tấn xã Giải phóng, báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, kể cả chị nuôi lên đường tiến về Sài Gòn. Và ngày 1/5, ở rừng Tây Ninh, báo Giải phóng số cuối cùng in ở chiến khu với số lượng vượt trội so với mấy tuần trước nhưng không đủ phát hành ở vùng giải phóng Đông Nam bộ.

Sài Gòn Giải phóng – những ngày đầu giải phóng

Một số phóng viên của ba cơ quan thông tấn, báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục theo các cánh quân thì chậm nhất là quá trưa 30/4 đã có mặt ở Sài Gòn. Còn bộ phận tiền phương của ba cơ quan này chiều và đêm ngày hôm đó, sáng sớm hôm sau lần lượt tập kết tại những trụ sở của đối phương: Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản Việt tấn xã của chính quyền Sài Gòn (số 116 - 118 Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Đài Phát thanh Giải phóng tiếp quản Đài Vô tuyến Việt Nam và đổi tên thành Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng (số 7 Hồng Thập Tự, Nguyễn Thị Minh Khai), báo Giải phóng tiếp quản trụ sở báo Dân chủ (số 174 Hiền Vương, nay Võ Thị Sáu).

Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng phát lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, phát tin và ảnh tiến công vào Dinh Độc lập ngay buổi trưa ngày 30/4. Riêng báo Giải phóng, trong khi khẩn trương chuẩn bị ra báo Giải phóng theo kế hoạch từ chiến khu thì cấp trên yêu cầu phải có ngay tờ báo mang tên Sài Gòn Giải phóng. Phụ trách trực tiếp báo Giải phóng trước và sau khi về Sài Gòn là nhà báo Nguyễn Văn Khuynh đã cùng họa sĩ Dũng Tiến lên ý tưởng và vẽ manchette Sài Gòn Giải phóng tại nhà 174 Hiền Vương, anh Nguyễn Hồ được giao phụ trách nội dung, đã góp ý nên thêm vào dưới manchette tiêu đề “Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”.

song mai cung lich su nuoc nha hinh 2

Thông tấn xã Giải phóng ở chiến khu Bắc Tây Ninh.

Theo tôi biết thì manchette ấy không phải trình cấp trên duyệt.

Trong 5 ngày đêm chuẩn bị ra số báo Sài Gòn Giải phóng đầu tiên (ngày 5/5/1975) và 14 số báo tiếp theo, mỗi đêm chúng tôi ngủ nhiều nhất là vài tiếng đồng hồ. Đến bữa ăn, chị nuôi đem cơm nấu từ những chảo gang quân dụng mang từ rừng ra đến tận bàn làm việc cho anh chị em phóng viên, biên tập viên. Nhưng bù lại, không khí làm báo chưa bao giờ sôi nổi đến vậy. Chúng tôi càng được khích lệ khi có nhiều nhà báo trong số 23 nhật báo đối lập với chính quyền Sài Gòn và sinh viên, học sinh yêu nước tìm đến tòa soạn tự nguyện nhận viết tin, bài, chụp ảnh và dẫn đường. Chủ nhà in và anh chị em công nhân Tân Minh Ấn quán ở 432 đường Hồng Thập Tự nhiệt tình hợp tác in báo Sài Gòn Giải phóng.

Báo Giải phóng có một thuận lợi nữa là chị Mai Trang - một phóng viên quê Hải Phòng vào chiến trường năm 1969, được cử vào hoạt động giữa sào huyệt đối phương, đã đến “trình diện” tại 174 Hiền Vương khi bộ phận tiền phương của báo vừa có mặt. Thông thuộc Sài Gòn, lại có nhiều mối quan hệ với “phía bên kia”, chị đã góp phần lo toan vật tư, nhất là giấy in báo cho tòa soạn.

Và một nguồn cổ vũ nữa đối với chúng tôi là báo in hàng chục vạn bản mà không đủ bán. Cứ khoảng 2 giờ hằng ngày là xe tải từ miền Đông, miền Tây Nam bộ xếp hàng dài nhận báo để kịp phát hành trong buổi sáng.

Ngày 19/5/1975, báo Sài Gòn Giải phóng thực hiện đến số 15 thì có lệnh của trên bàn giao ngay cho Thành ủy Sài Gòn, kể cả nhà in, phần lớn nhân sự được giữ lại xuất bản báo Giải phóng vẫn với danh nghĩa Cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Báo ra hằng ngày, 4 trang khổ lớn với manchette được họa sĩ Dũng Tiến vẽ đi vẽ lại trong những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư năm 1975.

Tòa soạn được chuyển sang 176 Hiền Vương, sát vách trụ sở cũ, là tòa nhà của một nhà tư sản nhập khẩu và phân phối thuốc tây lớn nhất miền Nam, đã chạy sang Mỹ. Trung ương cử ông Nguyễn Thành Lê - Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân được cử vào làm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng và bổ sung nhiều cây bút của một số tờ báo ở Hà Nội. 

Những ngày đầu ở báo Sài Gòn Giải phóng, đã có những câu chuyện mà đến nay có lẽ ít người biết. Đó là một ngày đầu tháng 8/1975, một phụ nữ trong bộ váy nền nã đến tòa soạn xin gặp Tổng biên tập và được bảo vệ là ông Sáu Già - một cơ sở cách mạng ở quận 4 dẫn lên. Cửa vừa mở, chưa kịp chào hỏi, sắc mặt người phụ nữ ấy tái nhợt, vội vã lui bước. Ông Sáu Già rất ngạc nhiên, còn Nguyễn Thành Lê thì không vì ông nhớ ngay đó là phóng viên của Việt tấn xã, người đã từng đặt ra cho ông nhiều câu hỏi có tính chất khiêu khích khi ông là phát ngôn viên Phái đoàn Đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris những năm 1968 - 1972. Lúc đó, ông Nguyễn Thành Lê muốn tìm gặp vị khách “đặc biệt” ấy để nói rằng, đã hòa hợp dân tộc thì gác lại quá khứ, nhưng không có địa chỉ.

song mai cung lich su nuoc nha hinh 3

Một buổi phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng.

Một chuyện nữa là sau ngày giải phóng miền Nam, trong số 23 tờ báo đối lập ở Sài Gòn, báo Tin Sáng là nhật báo tư nhân duy nhất do Ngô Công Đức, dân biểu đối lập tại Hạ nghị viện Sài Gòn thành lập năm 1968, được cho phép hoạt động trở lại. Vì thế, báo Giải phóng phải cạnh tranh với Tin Sáng, dù hồi ấy không có khái niệm về báo chí thị trường. Nếu như báo Giải phóng có lợi thế là được tiếp cận những nơi “nhạy cảm” như các trại cải tạo sĩ quan và công chức cao cấp Việt Nam Cộng hòa, căn cứ cũ của quân Mỹ và quân Sài Gòn… thì Tin Sáng lại có lợi thế là tập hợp được nhiều người làm báo giỏi nhất Sài Gòn, thuộc thành phần thứ ba nổi tiếng như Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Ngọc Cứ, Lý Quí Chung…

Cũng như Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, sau ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước, gần cuối năm 1976, báo Giải phóng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, trong khi báo Tin Sáng xuất bản cho đến ngày 29/6/1981…

Phương Hà

Tin khác

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là 'đột phá của đột phá'

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá"

(CLO) Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tin tức
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên

(CLO) Chiều 24/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến thăm, tặng quà một số thân nhân liệt sĩ và chiến sĩ Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tin tức
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ không được làm ẩu, cố tình làm sai

(CLO) “Cán bộ từ xã trở lên không được lợi dụng chính sách để làm không đúng. Không được làm ẩu, cố tình làm sai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tin tức
Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tỉnh Nam Định triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(CLO) Ngày 24/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tin tức
Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

Hà Nội sắp ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S”

(CLO) Thành phố Hà Nội nghiên cứu, phát triển và chuẩn bị ra mắt ứng dụng “Ha Noi-S” với nhiều tiện ích đưa người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước của thành phố theo một phương thức mới, thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân trên nền tảng số.

Tin tức