Sri Lanka vỡ nợ, Bộ trưởng yêu cầu dân không xếp hàng mua nhiên liệu trong 2 ngày

Thứ sáu, 20/05/2022 06:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sri Lanka được đưa vào tình trạng vỡ nợ vào ngày 18/5, sau khi không thanh toán được nợ trái phiếu Chính phủ , trong khi bộ trưởng năng lượng cho biết nước này đã hết tiền để mua nhiên liệu.

Không đủ ngoại tệ để mua nhiên liệu cho dân dùng

Một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong lịch sử của Sri Lanka kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948 đã dẫn đến sự thiếu hụt ngoại hối nghiêm trọng, khiến nước này phải bỏ lỡ hai lần thanh toán trái phiếu chính phủ vào ngày 18/4.

Sri Lanka đã cho biết họ không thể thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu và thời gian gia hạn 30 ngày kết thúc vào hôm qua (18/5).

S&P cho biết xếp hạng đối với trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 2028, đã bị hạ xuống mức "vỡ nợ" và xếp hạng tổng thể của đất nước có thể bị cắt giảm xuống mức D khi xác nhận không thanh toán sau khi thời gian ân hạn kết thúc.

sri lanka vo no bo truong yeu cau dan khong xep hang mua nhien lieu trong 2 ngay hinh 1

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài để mua nhiên liệu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. (Nguồn: Reuters).

Bộ trưởng Nhiên liệu và Năng lượng Kanchana Wijesekera phát biểu trước Quốc hội Sri Lanka, kêu gọi người dân ngừng xếp hàng để mua nhiên liệu trong 2 ngày tới.

“Đừng xếp hàng nữa. Ngay cả khi bạn cố bám trụ, chúng tôi không có cách nào cung cấp nhiên liệu trong 2 ngày tới. Vì vậy, chúng tôi xin trân trọng thông báo người dân vui lòng không xếp hàng trong 2 ngày này”, Kanchana Wijesekera nói tại Quốc hội.

Ông cho biết thêm rằng một lô xăng đã đến cảng Colombo từ ngày 28/3 nhưng Chính phủ không có khả năng thanh toán.

Ông nói: “Không có đủ đô-la để có thể thanh toán được. Chúng tôi đang làm việc để tìm nguồn vốn nhưng ít nhất là đến cuối tuần sẽ không còn xăng. Lượng xăng dự trữ còn rất ít đang được ưu tiên cho các dịch vụ thiết yếu như xe cứu thương".

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe hôm 18/5 cho biết nước này đã bảo đảm 160 triệu USD tài trợ nền kinh tế từ Ngân hàng Thế giới, nhưng không rõ liệu số tiền này có thể được sử dụng để thanh toán nhiên liệu hay không.

Ông nói: “Các số liệu thống kê đã trở nên tồi tệ. Nhưng thực tế là chúng tôi thậm chí không có 1 triệu USD”.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, giá dầu tăng và việc cắt giảm thuế theo chủ nghĩa dân túy, tình hình kinh tế tồi tệ của Sri Lanka đã dẫn đến lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp thiết yếu, khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình.

Xếp hàng 25 giờ đồng hồ vẫn chưa mua được xăng

M Jiffry, 35 tuổi, cư dân sống tại Borella, thành phố Colombo của Sri Lanka, đã đứng xếp hàng trên chiếc xe máy của mình tại một trạm nhiên liệu với hàng trăm người khác trong hơn một ngày nay.

Jiffry cũng là một người cha có hai con nhỏ và là tài xế Uber Eats, sống dựa vào thu nhập trong ngày của mình.

Đối với những người Sri Lanka như Jiffry, xếp hàng chờ mua các mặt hàng thiết yếu đã trở nên bình thường trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước tới giờ.

“Tôi đã chờ hàng tiếng đồng hồ để bơm xăng, suốt hàng tháng trời quam ngày nào cũng vậy. Nhưng bây giờ nó còn tồi tệ hơn nhiều. Đã hơn một ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu có xăng. Tôi mệt mỏi và đói”, anh nói với Al Jazeera.

Jiffry nói rằng anh đã không được ăn một bữa nào - giống như nhiều tài xế khác trong cùng hàng đợi - trong gần 25 giờ qua. Anh nói rằng anh không muốn “mạo hiểm” rời khỏi dòng người dài đang chờ đợi chỉ để lấy một cái gì đó làm dịu cơn đói của mình.

“Ai đó sẽ thay thế vị trí của tôi và sau đó tôi phải xếp hàng lại từ đầu”, anh nói.

Sri Lanka không có đủ ngoại tệ để mua các nhu yếu phẩm như nhiên liệu , gas nấu ăn, thực phẩm và thậm chí cả thuốc men.

S Yoga Lechchami, 30 tuổi, một bà mẹ hai con đến từ Mirihana, nói với tờ Al Jazeera rằng cô ấy không chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt gas khi rời nhà với chiếc xe đẩy bán đồ ăn đường phố vào đêm qua.

Sau khi phục vụ được vài khách hàng đầu tiên, cô đã hết gas nấu nướng. “Chồng tôi đã đi bộ hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm gas hoặc thậm chí là dầu hỏa nhưng phải trở về tay không”, cô nói.

Lechchami cho biết cô không thể vứt bỏ thức ăn không bán được. Sau khi trả xong một khoản vay để có thể mua chiếc xe đẩy bán đồ ăn dạo, cô ấy phải bỏ thêm túi tiền để mua nguyên liệu.

“Mọi thứ bây giờ đều đắt đỏ. Giá tôm sú tăng theo từng ngày. Tôi sẽ làm thế nào để nuôi con tôi và tiếp tục công việc kinh doanh này? Tôi không biết phải làm gì hơn nữa”, cô nói.

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Wickremesinghe cảnh báo những tháng tới sẽ là “khó khăn nhất” đối với Sri Lanka. Ông nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho bản thân để thực hiện một số hy sinh và đối mặt với những thách thức trong giai đoạn này”.

Lechchami cho biết cô thậm chí không thể tưởng tượng được "sự hy sinh nhiều hơn" sẽ như thế nào đối với cô và gia đình nhỏ của mình.

Nhà phân tích chính trị, Tiến sĩ Aruna Kulatunga đã vẽ một bức tranh mang tính trấn an. Ông cho biết Bộ trưởng tài chính Ali Sabry và nhà lập pháp nổi tiếng của phe đối lập, Tiến sĩ Harsha de Silva, cùng với Wickremesinghe, sẽ làm việc để chỉ định một nhóm đàm phán pháp lý và tài chính để tái cơ cấu nợ trước cuối tuần này.

Cùng với việc tái cơ cấu nợ, ông cho biết dòng vốn từ du lịch và thu nhập từ người nước ngoài cũng đang có xu hướng hạn chế nhưng tăng dần lên.

Ông nói: “Với những dấu hiệu tích cực này, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ phục hồi trong trung hạn nhưng trừ khi và cho đến khi các cải cách chính trị thực tế và thiết thực được thực hiện rất khẩn trương, thì việc phục hồi trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn”.

Sơn Tùng (Theo ReutersAl Jazeera)

Sơn Tùng

Bình Luận

Tin khác

Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

Pháp rơi khỏi top 10 nền kinh tế thế giới

(CLO) Theo báo cáo triển vọng toàn cầu cập nhật từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng chậm sẽ đẩy Pháp ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

PVOIL tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ và gia tăng các dịch vụ phi xăng dầu

(CLO) Ngày 26/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
G7 đặt mục tiêu mở rộng gấp sáu lần khả năng lưu trữ điện

G7 đặt mục tiêu mở rộng gấp sáu lần khả năng lưu trữ điện

(CLO) Cuối tuần này, các nước G7 dự kiến sẽ thống nhất mục tiêu toàn cầu là tăng công suất lưu trữ điện gấp sáu lần từ năm 2022 đến năm 2030, khi các nước vật lộn với cách duy trì nguồn cung điện trong khi chuyển sang sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời không liên tục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Công ty cổ phần Cát Lợi: Đồng hành gắn kết - Vươn tầm phát triển

Công ty cổ phần Cát Lợi: Đồng hành gắn kết - Vươn tầm phát triển

(CLO) Với mục tiêu Liên tục đổi mới - Đồng hành gắn kết - Vươn tầm phát triển, Công ty Cát Lợi không ngừng thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại tiên tiến, sau 32 năm hoạt động, công ty đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bao bì, phụ liệu thuốc lá, cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá trong và ngoài nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất Quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất Quý I/2024 tăng trưởng 13%

(CLO) Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Thị trường - Doanh nghiệp