Lắp camera giám sát trong trường học:

Sự “bất tín” đang lan rộng?

Thứ năm, 10/10/2019 09:20 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần do thầy cô gây ra khiến cả xã hội lo lắng. Vụ việc cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) đánh nhiều học sinh trong lớp được ghi lại bằng camera như “giọt nước tràn ly”.

Cũng từ sự việc này, chuyện có nên gắn camera ở các trường học được đem ra tranh luận gay gắt và chưa có hồi kết. Cũng từ những tranh cãi này, nhiều người trong chúng ta bỗng không khỏi giật mình: Con em mình đang ở trong môi trường giáo dục “bất an” đến thế ư?

Đã đến lúc cần lắp camera để giám sát?

Thêm một vụ cô giáo bị phát hiện đánh đập học sinh một cách phản giáo dục “lộ sáng” nhờ camera do phụ huynh bí mật gắn tại lớp 2/11, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP. HCM). Thêm một lần, lại dấy lên sự hoài nghi của xã hội về lương tâm, trách nhiệm người thầy, về sự an toàn của con trẻ khi đến lớp, đến trường, nơi được xem là “ngôi nhà thứ 2” để các em trau dồi đạo đức, lối sống, trao truyền những kiến thức nền tảng để hình thành nên phẩm giá của một con người.

Khi được hỏi cách nào để bảo vệ con em mình khỏi nạn bạo hành trong các trường học? Chị Thu Trang (P. Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) không ngần ngại cho rằng, cần phải lắp camera tại các trường học để giám sát các thầy cô. Chị lý giải rằng, việc lắp camera cũng là một yêu cầu cần thiết để nhà trường và phụ huynh giám sát mọi hoạt động dạy và học, để phòng ngừa và xử lý các tiêu cực trong giáo dục. Điều này khỏi phải bàn cãi. “Không lắp camera có nghĩa là phó mặc cho các thầy cô hành xử theo cách của riêng mình” - chị Trang chia sẻ.

Hình ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. HCM) bạo hành học sinh do camera ghi lại.

Hình ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. HCM) bạo hành học sinh do camera ghi lại.

“Cảm giác yên tâm hơn”, đó là cái mà nhiều phụ huynh có thể có khi trong lớp học của con cái mình có lắp camera.  Tuy nhiên, những chiếc camera có vô tình lại tạo áp lực lên chính những người có tâm huyết và tình thương thật sự đối với công tác trồng người? Là một giáo viên, chị Trần Thu Hà (P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc gắn camera trong lớp học có nhiều tác dụng tích cực. Nó giúp nhà trường quản lý tốt hơn việc giảng dạy của giáo viên và giáo viên sẽ phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Hỗ trợ nhà trường, giám thị quản lý học sinh trong giờ học, giờ chơi, kiểm tra, thi cử. Gắn camera hạn chế rất nhiều nạn bạo hành, ẩu đả, mất cắp trong lớp... “Nếu công khai cho tất cả phụ huynh, cảm giác không khác gì toàn bộ cuộc sống của chúng tôi bị phơi bày, ai cũng thấy, ai cũng có quyền phán xét. Như vậy chúng tôi rất mệt mỏi”,  chị Hà trăn trở.

Chị Võ Thu Nga, một người dân tại quận Ba Đình- Hà Nội cho rằng giải pháp nào cũng có hai mặt. Một giáo viên khi đã thiếu lương tâm thì họ có muôn cách che đậy hành vi khi bạo hành trẻ. “Gắn camera chỉ là một giải pháp tạm thời, mang tính ứng phó. Vì vậy cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tăng mặt mạnh và hạn chế mặt yếu. Điều này cần có thời gian chuẩn bị, không thể làm một cách gấp gáp được”, chị Nga nhìn nhận.

Các trường không mặn mà?

Việc triển khai lắp camera trong trường học vì sao vẫn chưa được thực hiện rộng rãi? Thực tế, có nhiều trường do kinh phí có hạn nên chỉ lắp một số vị trí bảo vệ cần thiết, dẫn đến có hiện tượng bảo mẫu bạo hành trẻ em, mang ra góc khuất camera để thực hiện, và camera lúc này không phát huy được tác dụng. Như vậy, muốn hệ thống camera phát huy hiệu quả trong trường học, phải lắp đồng bộ ở nhiều góc. Mà kinh phí để lắp cả hệ thống trong một trường học lên đến một vài trăm triệu, nếu chỉ dùng nguồn ngân sách cấp cho “chi khác” của nhà trường, sẽ không còn kinh phí để tổ chức các hoạt động. Lúc này, nếu muốn lắp camera, phải dùng hình thức xã hội hóa.

Nhưng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, thì rất chặt chẽ. Nếu thủ tục cho tặng rườm rà như thế, sẽ rất ít doanh nghiệp, cá nhân nào bỏ ra cả trăm triệu để ủng hộ nhà trường. Mà vận động phụ huynh đóng góp theo hình thức xã hội hóa để lắp camera thì “mỗi người mỗi ý” sẽ rất khó khăn, đặc biệt các vùng nông thôn, miền núi. Chắc chỉ có thể triển khai ở các đô thị, mà cũng chỉ có phụ huynh mầm non là mặn mà.

Trên thực tế không ít vụ bạo hành học đường vẫn xảy ra ở ngay những trường, lớp đã lắp camera. Bởi lẽ cô giáo có thể dắt trẻ ra những góc khuất camera không với được tới để “răn đe nặng”, để trên màn hình chỉ còn lại những hình ảnh yêu thương ngọt ngào. Ngược lại, không ít phụ huynh gửi con đi trẻ lại lệ thuộc vào “camera” soi từng hành động của cô để phản ánh, kiểm soát, phản hồi, đòi điều chỉnh. Một khảo sát cho thấy có đến hơn 80% người được hỏi đồng tình với ý kiến “dù trường học có gắn camera, phụ huynh vẫn không dám chắc con mình có bị bạo hành ở trường hay không”. Qua đó cho thấy camera giám sát thật ra chỉ có tác dụng về mặt tâm lý đối với phụ huynh, còn lại đa phần vẫn phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên và sự quan tâm, sâu sát của Ban Giám hiệu.

Yếu tố quyết định vẫn là con người

Không biện pháp kỹ thuật nào, máy móc nào có thể thay thế con người được, quan trọng nhất vẫn là kỹ năng sư phạm và trái tim người thầy. Bởi lẽ, dạy học là một môn nghệ thuật, nếu dùng camera giám sát, người thầy chỉ lo làm tròn vai, tạo hình ảnh lung linh trước máy. Những “kỹ sư tâm hồn” sẽ trở thành những diễn viên vô cảm nếu thiếu niềm đam mê, nhiệt huyết và hậu quả thì không ai khác, chính các em học sinh sẽ trở thành “con rối” mà thôi!

Ta thử hình dung, nếu giáo dục không đi từ gốc rễ là giáo dục con người, bằng tình yêu thương để chạm tới trái tim con người, thì việc lắp hàng ngàn chiếc camera khắp nơi trong phòng học có giúp con em chúng ta trưởng thành và hạnh phúc? Sẽ ra sao nếu tại một nơi cần niềm tin, nơi cần phát huy cao nhất giá trị về tình thương, giáo dưỡng tâm hồn con người lại phải nghi kỵ giám sát nhau.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, nếu người thầy đứng trên bục giảng mà không có trái tim yêu thương, xem nghề giáo như một “chiếc cần câu” để kiếm cơm thì dù có hàng trăm camera cũng không giám sát nổi, không thể truyền năng lượng tích cực đến học sinh. Do đó, việc tăng cường rèn luyện đạo đức nhà giáo, với tấm lòng tha thiết trong công việc cần được nuôi dưỡng trên suốt chặng đường làm nghề. Đó chính là nguyên tắc và đó cũng là “chiếc camera vô hình” soi chiếu tâm hồn của người thầy trong sứ mệnh dạy người và trồng người.

Không phải vô cớ, khi Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này. Ngay cả tại các trường sư phạm, ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác. Đây có phải căn nguyên từ việc chưa coi trọng triết lí giáo dục, nhân cách sống khi đào tạo giáo viên và trong giảng dạy? Xa hơn nữa, trường sư phạm làm cách nào để sàng lọc đầu vào, phân biệt rõ những người chọn nghề giáo như là sứ mệnh cuộc đời hay chỉ là phương tiện kiếm cơm. Bên cạnh đó, sự việc giáo viên bạo hành trẻ không thể không nhắc đến trách nhiệm của Ban Giám hiệu, đội ngũ quản lý. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn trong nhà trường.

Dù sao đi nữa, việc lắp camera mới chỉ là giải pháp kỹ thuật mang tính tạm thời chứ không phải là giải pháp nền tảng. Quan trọng hơn, người đứng đầu ngành giáo dục cần đề ra giải pháp làm thế nào để trẻ được học trong môi trường bình yên, để thầy cô kiểm soát hành vi bằng trái tim ấm áp, tràn đầy tình thương của mình.

Trong 3 ngày 27,28 và 29/9, cô giáo chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP. HCM) đã đánh, véo tai nhiều học sinh trong lớp. Sự việc được một phụ huynh học sinh bí mật gắn camera trong lớp học, sau khi được nhiều học sinh phản ánh các cháu bị cô giáo bạo hành. Trong 23 phút trích xuất từ máy quay cho thấy, cô giáo “ra tay” với rất nhiều học sinh, trong đó nhiều em bị véo tai ghì xuống, có em bị tát, đánh vào đầu. 

Ngọc Thành

Tin khác

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục