Sự chính trực - “viên đá thử vàng” người làm báo khi tham gia mạng xã hội

Thứ năm, 20/12/2018 08:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam sẽ chính thức được thực hiện vào ngày 01/01/2019 với mục đích giúp nhà báo biết kiểm soát phát ngôn, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có hiệu quả và có ý nghĩa, đúng quy định, đúng pháp luật. Nhân sự kiện này, báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan trực tiếp soạn thảo bản Quy tắc này.

+ Được biết, sau một thời gian nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến hội viên - nhà báo ở cả ba khu vực, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của nhà báo - hội viên HNBVN sẽ được ban hành chính thức. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải ban hành quy tắc này?

- Trong lĩnh vực báo chí đã có Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều quy định Đạo đức người làm báo. Mạng xã hội hiện nay phát triển không ngừng, một mặt khuyến khích người làm báo sử dụng, bởi đây là nguồn tin khổng lồ và để tăng cường mở rộng, tăng tính tương tác với bạn đọc, tuy vậy, việc người làm báo sử dụng mạng xã hội rất cần được quản lý. Nhà báo, phóng viên, không phải là khi ở tòa soạn viết một kiểu, rồi ở mạng xã hội viết một kiểu khác, có khi hoàn toàn đối lập, chỉ bởi ở cơ quan thì phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ của tờ báo, còn ở trên mạng xã hội thì muốn nói gì thì nói. Chính vì vậy, mạng xã hội rất cần thiết, nên phải quản lý thật tốt để phát huy vai trò của mạng xã hội đối với người làm báo.

+ Ông có nhấn mạnh rằng, Quy tắc này vừa khuyến khích người làm báo tham gia một cách có trách nhiệm trên mạng xã hội vừa ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức, để mỗi người làm báo thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò của mình khi tham gia MXH. Nội dung ấy sẽ được cụ thể như thế nào, thưa Trưởng Ban Kiểm tra?

- Hiện nay, trong thời đại cách mạng 4.0, mạng xã hội rất rộng mở và nhiều tiện ích, giúp mọi người kết nối, giao lưu với nhau. Một mặt khuyến khích, ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép người làm báo nắm thông tin, nhưng cần phải tác nghiệp tại hiện trường. Bộ Quy tắc sẽ được ban hành đầu năm 2019, gồm 4 vấn đề về sử dụng sao cho đúng luật, có giá trị, có hiệu quả. Mặt khác, với vai trò được giao định hướng thông tin, dư luận, nên Bộ quy tắc đưa ra 8 vấn đề người làm báo nên tránh (không nên làm). Tóm lại, nhà báo, hội viên phải tuân thủ Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Các nội dung chính của Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam là căn cứ để Hội đồng xử lý vi phạm xử lý các trường hợp vi phạm. Thực hiện Bộ Quy tắc này cũng là việc thuận lợi trong thực hiện công việc của những người làm báo.

Báo Công luận
Ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.

+ So với dự thảo Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội mà Bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị ban hành, với 3 nhóm đối tượng (các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội; các cá nhân), Dự thảo quy tắc sử dụng mạng xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành có những điểm khác biệt nào?

- Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội mà Bộ Thông tin và truyền thông chuẩn bị ban hành là nội dung quản lý nhà nước, cụ thể hóa quy định của Luật Báo chí 2016, bao gồm cá nhân, các tổ chức nghề nghiệp, chính trị, xã hội và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Còn Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có tính chất quy phạm về đạo đức. Bộ quy tắc của Hội Nhà báo không quy định về pháp luật mà chỉ quy định về góc độ đạo đức. Ví dụ việc vi phạm bản quyền thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, cùng sự việc đó, cũng là vi phạm đạo đức. Nhưng có những việc không vi phạm pháp luật nhưng lại vi phạm đạo đức thì vẫn cần phải xử lý theo quy định về Đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

+ Như vậy, đối tượng là các cấp hội, nhà báo, hội viên, cơ quan quản lý báo chí đều sẽ phải chung sức thực hiện Quy tắc này. Thưa ông, căn cứ nào để chúng ta đưa ra quy định này?

- Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được căn cứ theo Luật Báo chí 2016 ở khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 8. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, có quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhằm hiện thực quy định tại Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.  Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định áp dụng cho người làm báo gồm: Hội viên, phóng viên, nhà quản lý - là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là hiện thực hóa Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, đúng luật Báo chí hiện hành.

Báo Công luận
 

+ Với 4 điều được làm, 8 điều không được làm thì Bộ quy tắc này có vẻ là rất rõ ràng, nhưng chế tài xử lý những vi phạm Quy tắc này cụ thể như thế nào thưa ông?

- Đây là Bộ Quy tắc cụ thể hóa Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nên việc xử lý vi phạm sẽ có Hội đồng xử lý vi phạm (với 2 cấp là cấp Trung ương và cấp tỉnh và tương đương). Khi vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam chính là vi phạm Điều 5. Chế tài xử lý sẽ căn cứ theo Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.

+ Trong vai trò là người đứng đầu Ban Kiểm tra, cũng là một nhà báo, một hội viên, ông có chia sẻ gì với những người làm báo Việt Nam trong quá trình sử dụng mạng xã hội?

- Tôi nghĩ rằng, việc sử dụng mạng xã hội thì không ai cấm nhưng không nên lạm dụng nó. Khi lên mạng xã hội mà nói không chuẩn, sẽ bị phản ứng ngay từ những phóng viên, nhà báo khác. Đối với người làm báo chính trực, làm việc đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo, đúng pháp luật thì Bộ quy tắc này rất dễ thực hiện. Khi thực hiện Bộ Quy tắc cũng thuận lợi, tạo sự công bằng trong môi trường báo chí trong thực hiện công việc của những người làm báo, nhất là vấn đề bản quyền báo chí.

Có thể nói, Bộ Quy tắc cũng để răn đe những ai cố ý lạm dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Sự ra đời Bộ Quy tắc chính là để bảo vệ người làm báo, bảo vệ sự chính trực, tạo điều kiện để người làm báo làm đúng các quy định và pháp luật.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Minh Nam (Thực hiện)

 

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội