Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững

Thứ năm, 22/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Là tỉnh có nhiều tiềm năng và nội lực ở biên giới phía bắc của Tổ quốc, nhưng do những hoàn cảnh đặc thù nên Cao Bằng bấy lâu vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Để vươn lên thoát nghèo, phát triển toàn diện, Cao Bằng đang nỗ lực thu hút đầu tư với phương châm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững. 

Từ những bước đổi thay đáng tự hào

Cao Bằng - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 1941 - 1945.

Dù vậy, mảnh đất cội nguồn của cách mạng suốt nhiều thập kỷ dài lại phải đối mặt với tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển, bế tắc trong các kế sách xóa đói giảm nghèo. Cao Bằng từng chiếm “kỷ lục” có tới 5 huyện nghèo nhất nước. Nhưng tâm thế của những con người miền biên viễn mang trong mình dòng máu cách mạng, giàu ý chí và nỗ lực đã không cam chịu ngồi yên trong bế tắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã nguyện đồng tâm, đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm bằng mọi phương thức xóa đói giảm nghèo, dần tiến tới mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển ở vùng đông bắc Tổ quốc.

Điều đáng mừng là những năm qua, Cao Bằng đã “nói được làm được”, quyết tâm, khẩu hiệu đã thực sự chuyển hóa thành những hành động thực tế, hiệu quả. Khác với nhiều địa phương khác, Cao Bằng chọn cách đi lên bằng phương án tổng lực tỏa rộng và đồng bộ, dựa trên nội lực và tiềm năng sẵn có. Nhờ vậy, những ai đến với Cao Bằng ngày hôm nay đều sẽ hết sức ngỡ ngàng trước sự đổi thay và phát triển của vùng đất này: những tuyến phố sầm uất, rộng rãi, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, các khu đô thị, công sở, trường học... được xây dựng khang trang. Sự đổi thay ấy sẽ còn thuyết phục hơn qua những con số ấn tượng. Giai đoạn 2016 - 2018, tăng trưởng kinh tế của Cao Bằng ước đạt 6,57%/năm; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 1.100 USD/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 58,72% so với GRDP; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh có bước phát triển ổn định, vượt so với dự toán Trung ương giao bình quân 27%/năm; tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 3%/năm, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng 54,5%; Giai đoạn 2016 – 2018, có 87 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư: 12.308 tỷ đồng. Du lịch - một trong những thế mạnh của Cao Bằng, chỉ trong năm 2017 vừa qua đã đạt doanh thu 189,2 tỷ đồng, đạt 108,7% kế hoạch; nộp ngân sách trên 18 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2018 này, Cao Bằng dự kiến cả 17/17 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 7%; GRDP bình quân đầu người/năm ước đạt 24,9 triệu đồng, tương đương 1.100 USD, đạt kế hoạch;  tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 37,9% so với dự toán TW giao; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 680 triệu USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3% theo chuẩn nghèo đa chiều. Năm 2018, có 26 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư 2.025 tỷ đồng.

Báo Công luận
 Khu vực miền núi phía Bắc chia sẻ thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh.

Khơi dậy tiềm năng, định vị lợi thế cạnh tranh

 

Những thành tích đã đạt được là rất đáng tự hào nhưng Cao Bằng xác định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa để chinh phục những đích đến xa hơn, cao hơn. Trước mắt là mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Tuy nhiên, để biến mục tiêu ấy trở thành hiện thực là điều không dễ dàng. Cao Bằng hiểu rằng đi sau nhưng muốn vượt trước, phải định vị cho mình những lợi thế cạnh tranh riêng biệt và lợi thế cạnh tranh ấy, không gì khác, phải dựa trên chính những tiềm năng sẵn có của mình.

Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, giáp Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng có đường biên giới đất liền dài trên 333km (dài nhất trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Cao Bằng cũng có hơn 90% diện tích là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối và là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lớn nhất cả nước (95%). Mặc dù có địa thế hiểm trở, nhưng bù lại, tạo hóa lại ban tặng cho vùng đất miền biên viễn này ăm ắp những tiềm năng. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng (Cao Bằng có khí hậu mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc là có tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới), phát triển nhiều loại vật nuôi, cây trồng đa dạng, trong đó có những cây đặc sản như hạt dẻ, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, mía, thuốc lá, chè đắng... Diện tích rừng chiếm trên 61% diện tích đất tự nhiên, là điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp.

Báo Công luận
 Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc đã đạt được những kết quả tích cực.
Cộng đồng DN của Cao Bằng thật may mắn khi lãnh đạo tỉnh và các cơ quan nhà nước ở đây đã thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế yếu kém của họ. Cao Bằng muốn phát triển nhanh phải dựa vào kinh tế tư nhân. Từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, chính quyền tỉnh Cao Bằng phải tập trung tạo điều kiện để DN phát triển công nghệ sáng tạo, đẩy mạnh phân phối, lưu thông, đặc biệt là với thị trường nước láng giềng Trung Quốc với 300km đường biên giới. Buôn bán với Trung Quốc là lợi thế của Cao Bằng. Bên cạnh đó, cần tận dụng mọi cơ hội, lợi thế về du lịch, sản phẩm nông lâm đặc sản, dược liệu...

(TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế)
Cao Bằng còn giàu tiềm năng phát triển công nghiệp. Trên địa bàn của tỉnh có khoảng 199 mỏ và điểm mỏ, khai thác nhiều loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác ở các huyện và thành phố Cao Bằng, trong đó quặng sắt có trữ lượng từ 50 - 70 triệu tấn, quặng Mangan khoảng 6 - 7 triệu tấn, quặng Bauxit nhôm 200 triệu tấn. Ngoài ra, còn có các  loại khoáng sản quý như: vàng, thiếc, vôn-fram, chì, kẽm, u ran, ang-ti-mon... là điều kiện để phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến.

 

Bên cạnh đó, Cao Bằng còn có tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ. Hiện nay, Cao Bằng có Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cặp cửa khẩu chính (song phương): Cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) và nhiều cặp cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng nông sản qua các cửa khẩu của Cao Bằng.

Dĩ nhiên, nói đến tiềm năng của Cao Bằng không thể không nói tới du lịch. Cao Bằng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú như: Cụm di tích lịch sử Pác Bó - cội nguồn cách mạng Việt Nam; Khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân… Cao Bằng còn được tạo hóa ban tặng cho những tuyệt tác thiên thiên làm say đắm lòng người như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, hồ Khuổi lái, khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén... Chưa kể Cao Bằng còn có sự phong phú, đa dạng về các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như: Hội tung còn, lễ hội mời mẹ trăng, lễ hội xuống đồng, lễ hội tranh đầu pháo,... các làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm như: Nàng ới, Sli, lượn, Pựt lằn, Xà dá... các làng nghề truyền thống như làng nghề dệt, nhuộm chàm, làng rèn Phúc Sen, nghề dệt thổ cẩm... Đặc biệt, mới đây UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non  nước Cao Bằng.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng từng chia sẻ với báo giới, trong giai đoạn tới, nhất là với tầm nhìn đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, phải định vị được lợi thế cạnh tranh của địa phương, từng bước vươn lên trở thành trung tâm vùng về hậu cần, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp giá trị gia tăng cao; kết nối chặt chẽ, mật thiết với các cực tăng trưởng của đất nước. Đó cũng chính là điều Cao Bằng đã làm được, xác định rõ ràng lợi thế cạnh tranh nổi bật của Cao Bằng chính là kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp sạch, tài nguyên khoáng sản và khai thác thuỷ điện, tài nguyên rừng.

Báo Công luận
 Họp báo các sự kiện lớn của tỉnh Cao Bằng.

“Đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, nâng cao năng lực quản lý, phục vụ công dân và doanh nghiệp”

 

Tiềm năng phong phú, dồi dào là lợi thế cạnh tranh, là điều kiện cần nhưng chưa phải điều kiện đủ để Cao Bằng hoàn thiện “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018 này, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH đã đề ra, UBND tỉnh Cao Bằng đã đề ra phương châm hành động “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt, nâng cao năng lực quản lý, phục vụ công dân và doanh nghiệp”. Trong đó, Cao Bằng xác định những “đầu việc” trọng tâm nhất, phải thực hiện trước tiên là tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân, tổ chức; nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được Cao Bằng hết sức chú trọng. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Trong đó nổi bật là việc tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2017 - 2020”. Trong đề án này, tỉnh Cao Bằng đã phân công các sở, ngành trực tiếp làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện để nâng cao các chỉ số thành phần, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Cao Bằng xếp hạng thứ 58/63 (tăng 5 bậc so với năm 2016), chuyển vị trí xếp hạng từ nhóm thấp lên nhóm tương đối thấp. Theo đó, Cao Bằng có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, các chỉ số tăng điểm cao nhất là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động.

Đáng chú ý, Cao Bằng là một trong số ít địa phương rất tích cực trong việc triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI). Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, Bộ chỉ số DDCI là một trong những công cụ hữu hiệu giúp tỉnh Cao Bằng nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương, tạo sự cạnh tranh thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, tạo thêm sức mạnh để cải thiện hình ảnh của tỉnh Cao Bằng trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng…

Báo Công luận
 Phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những giải pháp.

Đến mục tiêu: “Phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất”

 

“Cao Bằng cần phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí kiên cường, tình đoàn kết quân dân giữa các dân tộc cùng nhau xây dựng hướng tới nền kinh tế có bản sắc, một xã hội đa dân tộc, hài hòa về văn hóa”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng ngày 9/1/2017 về tầm nhìn lâu dài của Cao Bằng.

Chỉ đạo của Thủ tướng cũng đồng nhất với mong muốn, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng trong việc tạo dựng một Cao Bằng trên những nội lực sẵn có, phát triển nhanh nhưng bền vững. Điều này được thể hiện ngay trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, dự kiến diễn ra từ 23-27/11/2018 tại Cao Bằng. Tại buổi họp báo về chuỗi hoạt động này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã khẳng định: Mục tiêu của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2018 là thu hút vốn đầu tư vào các ngành thế mạnh, như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín trong và ngoài tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo đồng nhất về chất lượng gắn với quảng bá sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, khẳng định vị trí mũi nhọn, là động lực trong phát triển kinh tế của Cao Bằng trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Thu hút đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng của tỉnh, bảo vệ cảnh quan vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch hướng đến phát triển KT-XH bền vững. 

Với những bước chuẩn bị và tạo đà đã và đang được Cao Bằng quyết liệt thực hiện, hoàn toàn có thể tin tưởng những mục tiêu mà Cao Bằng đã đặt ra hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Cao Bằng sẽ không chỉ là “một hình mẫu về vượt khó vươn lên thoát nghèo” như mong muốn của Thủ tướng mà còn nỗ lực chinh phục mục tiêu cao hơn, xa hơn như lãnh đạo tỉnh Cao Bằng - quyết tâm và kỳ vọng: “Xác định và chuẩn bị cho tầm nhìn xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm cốt lõi kết nối nội vùng, cùng với các địa phương trong vùng Tây Bắc hình thành cực phát triển đối trọng và kết nối hợp tác xuyên biên giới với các cụm phát triển năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc”.

Liên quan tới hoạt động của Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, tính đến thời điểm này, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức công bố ký kết đầu tư của 16 dự án đến từ 15 nhà đầu tư với tổng trị giá hơn 4.230 tỷ đồng, đồng thời ký kết ghi nhớ đầu tư của gần 10 dự án và đưa ra hơn 30 dự án khác nhau trong danh mục kêu gọi đầu tư. Trong khi đó, về các nội dung phát triển du lịch, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, phát triển thị trường xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch… Riêng với công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mới được công nhận, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển các loại hình du lịch thám hiểm, du lịch cộng đồng cũng như nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng nghỉ dưỡng để tăng cường thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch… Đặc biệt, với khu du lịch thác Bản Giốc mang nhiều nét đặc thù cả về chính trị - văn hóa, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh đang triển khai thí điểm trong vòng 1 năm việc đưa du khách hai bên Việt Nam – Trung Quốc tham quan trực tiếp mà không cần visa đồng thời báo cáo Chính phủ, xin ý kiến các bộ ngành liên quan để tham mưu, đề xuất Chính phủ một mô hình khai thác du lịch Bản Giốc phù hợp.

 

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương