Sự thật kinh hoàng về cuộc chiến với “quái vật bảy đầu”

Thứ năm, 11/07/2019 09:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong thần thoại Hy Lạp, quái vật rắn Hydra được miêu tả có kích thước khổng lồ và có nhiều đầu, chặt đầu này thì ngay lập tức nó sẽ có hai chiếc đầu khác mọc lên thay thế. Mafia ma túy giờ đây được ví von là một dạng “quái vật bảy đầu” như thế.

Thảm khốc chẳng kém chiến tranh

Đó là nhìn nhận của Tổng thống Mỹ D. Trump về hệ lụy do ma túy gây ra. “Chỉ tính riêng con số tử vong vì heroine, mỗi tuần có đến 300 công dân Mỹ thiệt mạng, và 90% số heroine này được đưa vào qua đường biên giới phía Nam nước Mỹ. Trong năm nay (năm 2019), số người Mỹ tử vong vì ma túy sẽ còn nhiều hơn số binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam năm xưa”, ông Trump bức xúc. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, khoảng 58.220 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Còn theo số liệu năm 2017 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch, thì tổng số người tử vong vì ma túy tại nước Mỹ là 70.327.

Hệ lụy kinh hoàng ấy đã, đang không chỉ diễn ra tại nước Mỹ. Bản phúc trình về ma túy thế giới năm 2018 do Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm công bố tháng 6/2018 cho biết: mỗi năm trên thế giới có khoảng 450.000 người chết do sử dụng ma túy. Khoảng 275 triệu người từ 15 đến 64 tuổi sử dụng chất gây nghiện bất hợp pháp ít nhất một lần trong năm 2017 và gần 1,5 triệu người chết vì lạm dụng ma túy. Khoảng 35 triệu người trên thế giới đang có những rối loạn liên quan đến sử dụng ma túy và đang cần điều trị. Chưa hết, mạng người còn đổ xuống bởi những xung đột, băng đảng tội phạm ma túy. Số vụ bạo lực liên quan đến ma tuý cũng đã làm chết trên 100 ngàn người tại các nước Honduras, El Salvador, Guatemala. Riêng ở Mexico, chỉ trong quãng thời gian từ năm 2006 đến 2010 đã có hơn 35 ngàn người bị giết hại trong các vụ bạo lực liên quan đến ma tuý. Năm 2018, xung đột giữa các băng đảng buôn bán ma tuý ở nước này đã khiến hơn 30.000 người thiệt mạng. 

Một người Afghanistan sử dụng heroine ở Kabul. Ảnh: UNODC

Một người Afghanistan sử dụng heroine ở Kabul. Ảnh: UNODC

Những con số đáng quan ngại hơn đến từ báo cáo của Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC): thị trường buôn bán và tình trạng lạm dụng ma túy kích thích dạng Amphetamine (ATS) - thứ tạo ra gánh nặng bệnh tật rất cao và chỉ đứng sau các ma túy thuộc nhóm chất dạng thuốc phiện - đang có xu hướng tăng mạnh trong các năm gần đây. ATS giờ đây là loại ma túy phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau cần sa với ước tính có khoảng 37 triệu người sử dụng ATS trên toàn cầu. Thị trường buôn bán ATS cũng gia tăng không ngừng trong các năm vừa qua. Trong các loại ma túy tự chế cực mạnh tràn ngập thị trường Mỹ, hai cái tên đáng sợ là fentanyl (thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid) mạnh gấp 50 lần heroin và carfentanil (thuốc gây mê cực mạnh nhóm opioid), được sử dụng để gây mê cho voi, mạnh gấp 10.000 lần morphine (một loại thuốc giảm đau gây nghiện). Chỉ cần một lượng nhỏ carfentanil cũng có thể giết chết người. Theo một dự báo, khoảng 650.000 người Mỹ sẽ thiệt mạng vì lạm dụng các loại thuốc giảm đau gây nghiện này trong 10 năm tới.

Vấn nạn không ngừng lan rộng

Điều đáng quan ngại nhất và cũng lạ lùng nhất là những trận chiến chống ma túy, chống tội phạm ma túy đã được tiến hành từ rất lâu, rất mạnh mẽ, quyết liệt, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều máu, mạng người đã đổ xuống trên trận chiến này, nhưng kết quả tích cực từ cuộc chiến này thì quá hạn chế. Vấn nạn ma túy đã không những không bị ngăn chặn mà ngày càng vươn rộng chiếc vòi bạch tuộc, bành trướng mạnh mẽ trên khắp các quốc gia, châu lục. Nhiều tờ báo đã ví von mafia ma túy sinh sôi và không thể chặt bỏ giống như “con rắn bảy đầu” trong thần thoại Hy Lạp.

Theo báo cáo tình hình ma túy toàn cầu năm 2014 của UNODC, tỷ lệ sử dụng ma túy trên toàn cầu hiện đang ở mức gần 250 triệu người và vẫn không ngừng gia tăng. Lượng ma túy hầu hết đến từ 3 khu vực chính, đó là Tam giác vàng ở châu Á và Lưỡi liềm vàng ở khu vực Trung Đông cung cấp tới 80% lượng heroin toàn thế giới. Kết hợp cùng 2 khu vực trên, cộng với Tam giác trắng ở Mỹ - Latinh đã tạo nên hiểm họa về cái chết trắng trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, UNODC cho biết Lào và Thái Lan là những tuyến đường buôn ma túy trọng điểm. Trong vùng Tam giác vàng, Myanmar được mệnh danh là “thủ phủ ma túy đá thế giới” và đầu não sản xuất ma túy đá của Myanmar chính là bang Shan.

Ở Afghanistan hiện nay có tới 14% dân số tham gia vào việc buôn bán ma túy. Điều đáng nói là ở nước này, bất kỳ công dân nào cũng có thể tham gia kinh doanh ma túy mà không sợ bị trừng phạt.

Tại khu vực châu Phi, Mozambique từ lâu đã trở thành một địa điểm trung chuyển ma túy. Mozambique được coi là quốc gia xuất khẩu ma túy lớn hàng thứ 2 thế giới với 40 tấn heroine trung chuyển qua biên giới nước này mỗi năm. Heroine được coi là món hàng xuất khẩu siêu lợi nhuận của Mozambique, chỉ đứng sau nhôm và than.

Tại khu vực Mỹ La tinh, theo báo cáo của UNODC, quỹ đất đang được sử dụng để trồng cây coca làm nguyên liệu sản xuất ma túy ở Colombia hiện đạt mức cao kỷ lục là hơn 171.000 ha, tăng 17% so giữa năm 2016 và 2017. Vì thế, nước này cũng dẫn đầu thế giới về sản lượng ma túy với 1.379 tấn mỗi năm.

Một vấn đề thực tế đáng quan ngại được đề cập trong bản báo cáo của UNODC, đó là mức độ tinh vi và đa dạng của các tổ chức tội phạm liên quan đến ma túy. Nếu như trước đây, các tổ chức này chỉ giới hạn hoạt đông buôn bán vào một loại ma túy, thì giờ đây đa dạng hơn. Các tuyến đường buôn bán, vận chuyển ma túy cũng có sự thay đổi liên tục.

Tranh cãi và bế tắc

Sau hàng thế kỷ, thế giới vẫn không dứt ra được bóng đen của ma túy và các chất gây nghiện. “Cuộc chiến chống ma túy toàn cầu đã thất bại” - ghi nhận trong bản báo cáo Ủy ban Tư vấn toàn cầu về chính sách chống ma túy (IDPC), một tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, được công bố ngày 1/6/2011, cũng chính là sự thừa nhận chua chát của thế giới về cuộc chiến này. Chưa hết, báo cáo này còn cảnh báo, chính sách chống ma túy không những thất bại mà còn làm gia tăng tội phạm có tổ chức, gây tốn kém hàng triệu USD của người đóng thuế và gây ra cái chết cho hàng ngàn người.

Thực tế ấy đã khiến việc tìm ra một phương thức như thế nào để thực hiện cuộc chiến khó khăn này đã, đang là câu hỏi gây bế tắc và tranh cãi khắp toàn cầu nhiều năm qua. Một tờ báo lớn ở Mexico đã từng đặt câu hỏi: Vì cấm đoán mà ma túy trở nên nguy hiểm hay chính vì nó rất nguy hiểm nên phải cấm?

Năm 1998, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Đại hội đồng LHQ đã phải tổ chức kỳ họp đặc biệt về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 1998). 18 năm sau, ngày 19/4/2016, Đại Hội đồng LHQ lần thứ hai trong lịch sử,  đã một lần nữa phải tiến hành Kỳ họp đặc biệt về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 2016).  Tại Kỳ họp này, các nước tham dự đã nhất trí cần phải giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu, nhưng cách làm như thế nào lại là vấn đề thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của 193 thành viên.

Các nước như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Iran và Nga vẫn kiên trì đường lối cứng rắn là kiên quyết tử hình tội phạm ma túy và phản đối việc hợp pháp ma túy. Singapore khẳng định cách tiếp cận cứng rắn của Singapore đã mang lại kết quả tích cực, giúp Singapore kiểm soát được tình hình ma túy. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại nghiêng về việc giảm hình sự hóa và tập trung giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng ma túy.  Một số lãnh đạo các quốc gia Mỹ La tinh cho rằng, nhiều thập kỷ quyết liệt chống ma túy đã thất bại, hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người trên thế giới. Việc trừng phạt, bắt giữ, bỏ tù sẽ chỉ làm nhà tù đầy chật thêm các nạn nhân trong khi điều này không thể khiến người nghiện từ bỏ ma túy. “Thứ nhất, sức khỏe và phúc lợi xã hội là mục đích ưu tiên trong vấn đề kiểm soát sử dụng ma túy. Vì vậy cần tập trung vào cách tiếp cận nhân đạo, nâng cao sức khỏe cộng đồng, chứ không phải là các biện pháp mang tính trừng phạt. Thứ 2, các chính sách về ma túy nên phù hợp với những tuyên bố chung về nhân quyền, đặt con người vào trung tâm chứ không phải là các chất ma túy” - Tổng thống Guantemala Jimmy Morales khẳng định.

Cuộc tranh luận về giải pháp chống ma túy hiện vẫn chưa có hồi kết. Các quốc gia sẽ có những giải pháp riêng tùy vào hoàn cảnh của họ. Dù là chọn giải pháp nào, thì vấn đề của các quốc gia trên toàn cầu là phải chọn nhanh, chọn đúng, nếu không thắng nhanh trong cuộc chiến ma túy toàn cầu thì “con rắn bảy đầu” ma túy sẽ còn biến hóa và hoành hành dữ dội hơn nữa.

Hà Anh

Tin khác

Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

Argentina muốn trở thành đồng minh của NATO

(CLO) Argentina hôm thứ Năm đã chính thức yêu cầu gia nhập NATO với tư cách là đối tác toàn cầu, trong bối cảnh chính quyền cánh hữu của Tổng thống Argentina Javier Milei muốn cường quan hệ với các cường quốc phương Tây và thu hút đầu tư.

Thế giới 24h
Thiếu niên bị buộc tội khủng bố trong vụ đâm dao giám mục Sydney

Thiếu niên bị buộc tội khủng bố trong vụ đâm dao giám mục Sydney

(CLO) Một thiếu niên 16 tuổi đã bị buộc tội khủng bố với cáo buộc đâm một giám mục nhà thờ Assyrian ở Sydney trong một buổi lễ, theo cảnh sát Úc cho biết vào thứ Sáu (19/4).

Thế giới 24h
Ấn Độ bắt đầu cuộc bầu cử lớn nhất thế giới, ông Modi được dự báo sẽ chiến thắng

Ấn Độ bắt đầu cuộc bầu cử lớn nhất thế giới, ông Modi được dự báo sẽ chiến thắng

(CLO) Hôm nay (19/4), người dân Ấn Độ bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lớn nhất thế giới để chọn ra nhà lãnh đạo của đất nước. Thủ tướng Narendra Modi được đánh giá sẽ tái đắc cử nhờ thành công và danh tiếng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.

Thế giới 24h
Dịch tả đang hoành hành ở miền nam châu Phi, khiến hơn 1000 người thiệt mạng

Dịch tả đang hoành hành ở miền nam châu Phi, khiến hơn 1000 người thiệt mạng

(CLO) Zambia, Zimbabwe và Malawi là tâm điểm của đợt bùng phát dịch tả nguy hiểm nhất ở miền nam châu Phi trong ít nhất một thập kỷ. Kho dự trữ vắc xin nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đã cạn kiệt.

Thế giới 24h
Trung Đông 'nín thở' khi Israel và Iran đe đọa tấn công cơ sở hạt nhân của nhau

Trung Đông 'nín thở' khi Israel và Iran đe đọa tấn công cơ sở hạt nhân của nhau

(CLO) Trung Đông đang nín thở chờ đợi trong lo lắng khi Israel thề sẽ trả đũa Iran vì vụ không kích cuối tuần trước.

Thế giới 24h