Sự thật về hệ sinh thái 'tập đoàn tỷ đô' G.Empire Group dưới trướng nữ doanh nhân Dzung Men: 'Tiền hàng' giao dịch cán mốc tỷ USD, nhưng lợi nhuận lẹt đẹt, thuế nộp không bằng quán cơm bình dân
(CLO) G.Empire Group được giới thiệu với vai trò đối tác chiến lược, tại sự kiện OBC Holdings ra mắt thị trường và giới thiệu dự án Cao Ốc An Khang (A&K Tower). Trước đó, website doanh nghiệp này từng công bố “tiền hàng” giao dịch năm 2024 cán mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế tài chính hoàn toàn trái ngược, khi lợi nhuận của G.Empire Land - pháp nhân lõi của hệ sinh thái chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng và khoản thuế nộp ngân sách chỉ ngang mức của một hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
“Tiền hàng” giao dịch hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng lãi ròng không đủ mua một căn hộ trung cấp
Xuất hiện nổi bật trong sự kiện OBC Holdings ra mắt thị trường và giới thiệu dự án đầu tay Cao Ốc An Khang (A&K Tower), theo đó G.Empire Group được giới thiệu với vai trò đối tác chiến lược. Doanh nghiệp này được cho là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và tư vấn bất động sản sẽ đồng hành cùng OBC Holdings trong quá trình triển khai kinh doanh và phát triển thương hiệu dự án ra thị trường.

Trước đó, vào cuối năm 2024, theo công bố trên website chính thức của doanh nghiệp, G.Empire Group xác nhận đạt tổng giá trị “tiền hàng” giao dịch vượt 1 tỷ USD trong năm 2024, tương đương khoảng 26.000 tỷ đồng. Mục tiêu cho năm 2025 được G.Empire nâng lên gấp đôi, ở mức 52.000 tỷ đồng.
Theo doanh nghiệp, G.Empire Group không ngừng phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái của mình, với sự đóng góp của hai đơn vị chủ chốt. G.Empire Land – Đơn vị phân phối BĐS và Grand M – Đơn vị tư vấn đóng gói và phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận khi đi sâu vào pháp nhân chủ lực là Công ty Cổ phần Bất động sản G.Empire (G.Empire Land), bức tranh tài chính hiện ra lại khiêm tốn đến bất ngờ.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản doanh nghiệp chỉ ở mức 284 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ nguồn nợ vay với tỷ lệ nợ phải trả lên đến gần 265 tỷ đồng, chiếm 93% tổng nguồn vốn và gấp 13,6 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh thu thuần cả năm của G.Empire Land lại giảm mạnh 68% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn gần 360 triệu đồng trong năm 2023, thấp hơn giá bán một căn hộ trung cấp tại chính dự án mà doanh nghiệp này tham gia phân phối.
Nếu quy chiếu theo hiệu suất kinh doanh, mỗi 1.000 đồng doanh thu mà G.Empire Land thực hiện chỉ giữ lại chưa tới 4 đồng lợi nhuận sau thuế. Đây là một biên lợi nhuận ở mức cực thấp, phản ánh mô hình vận hành chủ yếu theo hướng “môi giới hưởng phí” mà không tạo ra giá trị tích lũy thực chất.
Đòn bẩy nợ cao ngất, đóng góp ngân sách thấp hơn cả hộ kinh doanh nhỏ
Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, không chỉ lợi nhuận lẹt đẹt, nghĩa vụ thuế của G.Empire Land cũng để lộ rõ thực trạng khiêm tốn về năng lực tài chính. Tổng cộng trong hai năm 2022–2023, doanh nghiệp này chỉ nộp vỏn vẹn 100 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi tổng doanh thu lên đến hơn 400 tỷ đồng.
Trung bình, khoản thuế nộp cho ngân sách chưa tới 140.000 đồng mỗi ngày, một con số thậm chí còn thấp hơn nghĩa vụ thuế của nhiều hộ kinh doanh nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống.

Theo giới quan sát nhận định, cấu trúc tài chính của G.Empire Land sử dụng mức đòn bẩy nợ cao vượt ngưỡng 13 lần vốn chủ sở hữu, giúp ghi nhận tổng giá trị giao dịch lớn về mặt doanh số môi giới. Tuy nhiên, dòng tiền thực chất của doanh nghiệp lại cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn vay và tỷ suất sinh lời cực thấp, từ đó kéo theo nghĩa vụ thuế khiêm tốn.
Website doanh nghiệp liệt kê hàng loạt dự án tên tuổi như: Solasta Mansion, An Quý Villa, The Manor Central Park, Kita Capital, The Gloria by Silk Path, Harbour Center, Peninsula Đà Nẵng… nhưng không công khai bất kỳ hợp đồng phân phối độc quyền hoặc tổng thầu nào.
Đặc biệt, theo dữ liệu từ hệ thống mã số thuế, pháp nhân G.Empire Group từng được ghi nhận ở trạng thái ‘ngừng hoạt động’ trước khi khôi phục trở lại không lâu trước thời điểm tham gia sự kiện A&K Tower.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, nhìn từ tổng thể, mô hình vận hành của G.Empire Group chủ yếu dựa vào chiến dịch truyền thông và ghi nhận tổng giá trị giao dịch từ hoạt động môi giới là chính, trong khi các chỉ tiêu tài chính cốt lõi như doanh thu thuần, lợi nhuận thực chất và nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách đều ở mức khiêm tốn.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng chú trọng đến tiêu chí minh bạch tài chính và năng lực thực chiến của doanh nghiệp phân phối, những con số từ G.Empire Land cho thấy “tập đoàn tỷ đô” này chủ yếu ghi nhận doanh số môi giới chảy qua doanh nghiệp, không phản ánh dòng tiền thực tích lũy cho pháp nhân.