Sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần 'lấp đi' những khoảng trống
(CLO) Sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần "lấp đi" những khoảng trống đang có, đồng thời phải đánh thức trong mỗi con người một ý thức quan trọng về di sản, để họ tự hào và tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.
Đó là kiến nghị của nhà sử học Dương Trung Quốc tại chức Hội nghị - Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 12/1.
Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác di sản
Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực thi hành từ năm 2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Được sửa đổi, bổ sung năm 2009, một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản Văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Bộ VHTTDL
Tuy nhiên, theo Cục Di sản Văn hóa, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đáng chú ý, việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới; nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững.
Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản. Bên cạnh đó, thiếu các quy định, cơ chế, chính sách để huy động các nguồn xã hội hóa, vì vậy, chưa thu hút được nguồn lực to lớn của toàn xã hội tham gia đầu tư tu bổ di tích…
Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết. Theo bà Hiền, việc sửa đổi Luật để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, với mục tiêu trình Quốc hội xem xét Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), phải nhận thức đúng, đủ, sâu về các quan điểm của Đảng liên quan đến lĩnh vực này.
Bộ trưởng lưu ý, các quy định pháp luật cần bắt kịp thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp cận việc sửa đổi Luật Di sản Văn hóa theo hai góc độ là làm sao bảo vệ được di tích, di sản, và quan trọng hơn là phải phát huy được giá trị các di tích, di sản.
“Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc lại, còn phát huy thì phải làm sao để những di tích, di sản được tỏa sáng, đóng vai trò dẫn dắt, quảng bá và là thương hiệu, nơi để chúng ta nói với bạn bè quốc tế, nơi khẳng định hồn cốt của dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng một trong những điểm nghẽn đó chính là phân cấp quản lý. Bài toán đặt ra hiện nay là phân cấp như thế nào cho phù hợp, theo tinh thần chuyển hướng từ cơ quan đi làm văn hóa sang làm quản lý nhà nước về văn hóa.
Chia sẻ những kinh nghiệm, nêu rõ những bất cập và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa trong thời gian tới, các đại biểu bày tỏ mong muốn Luật Di sản Văn hóa sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại.
GS Nguyễn Anh Trí - người sáng lập Trung tâm, công viên và bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam - lưu ý khía cạnh di sản phải tạo được những hiệu quả kinh tế. Điều quan trọng là làm cho các di sản phát huy và lan tỏa giá trị, mang hiệu quả kinh tế nhưng vẫn cần phải bảo tồn nguyên vẹn, không bị xâm phạm giá trị nguyên gốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần "lấp đi" những khoảng trống đang có, đồng thời phải đánh thức trong mỗi con người một ý thức quan trọng về di sản, là niềm tự hào và tự nguyện tham gia bảo vệ, phát huy.
“Di sản gắn với đời sống làng xã là chính, vậy quản lý, phát huy thế nào trong bối cảnh không còn cơ cấu làng xã truyền thống nữa, đấy là bài toán khó nhất hiện nay. Ngoài ra, phân cấp cực kỳ quan trọng. Trung ương, địa phương hay dân quản lý? Tôi cho rằng di sản bản chất là của dân, nhưng hiện nay, dân gần như không có quyền lực gì cả trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản. Vì thế, muốn phát huy được các giá trị của di sản phải đánh thức được ý thức của người dân”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết sẽ kiến nghị Bộ trưởng giao Cục Di sản Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Luật Di sản Văn hóa, tham mưu lãnh đạo Bộ có Tờ trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững.
T.Toàn