Sửa Luật Ngân sách Nhà nước: Bảo đảm phân bổ công bằng, tăng tính linh hoạt, siết kỷ luật tài chính công
(CLO) Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Cho ý kiến về Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu nhấn mạnh đây là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, tác động đến nhiều đạo luật khác và trực tiếp đến cơ chế phân bổ, quản lý nguồn lực trong toàn bộ hệ thống chính trị. Việc sửa đổi luật không chỉ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quản lý tài chính công, mà còn là đòi hỏi khách quan trong bối cảnh hội nhập, minh bạch hóa và phát triển bền vững.
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) phân tích, dự thảo Luật hiện quy định ngân sách dự phòng được sử dụng cho ba nhóm chi chủ yếu gồm: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại đột xuất, cấp bách; và hỗ trợ ngân sách cấp dưới.
Tuy nhiên, theo bà Vân, cần bổ sung thêm nội dung "chi viện trợ theo các hiệp định" vào khoản 2 Điều 10. Đây là nội dung chi ngân sách đã được xác lập trong các cam kết quốc tế, có tính pháp lý rõ ràng, song có thể phát sinh trong năm mà chưa được bố trí trong dự toán, vì vậy cần đưa vào diện chi từ nguồn dự phòng.
Góp ý tại Điều 35 về nguồn thu ngân sách Trung ương, bà Vân ủng hộ phương án 2 trong dự thảo, tức chỉ quy định nguyên tắc và cơ cấu các nguồn thu, còn tỷ lệ phân chia cụ thể sẽ giao Chính phủ đề xuất và trình Quốc hội quyết định. Với tỷ lệ phân chia thu từ tiền sử dụng đất, bà đề nghị thống nhất tỷ lệ ngân sách Trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80%, bất kể là địa phương có nhận hỗ trợ cân đối hay không. Lý do là nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách địa phương, song mang tính biến động mạnh theo thị trường, không phản ánh đúng năng lực thu nội tại như các sắc thuế cơ bản.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) đánh giá phương án 2 cho phép linh hoạt điều chỉnh theo thực tiễn, phù hợp với xu hướng hiện đại trong cơ cấu nguồn thu như thuế toàn cầu, thuế số, thu tài nguyên mới.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, công bằng và vai trò quyết định của Quốc hội, ông Minh kiến nghị cần ràng buộc pháp lý rõ ràng trong phương án này. Theo đó, nên quy định khung tỷ lệ tối đa - tối thiểu cho từng khoản thu để tránh sự tùy nghi. Chính phủ cần công khai tiêu chí, phương pháp, dữ liệu khi xây dựng tỷ lệ phân chia và duy trì ổn định ít nhất ba năm mỗi kỳ để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất làm rõ ranh giới giữa các khoản thu "do địa phương quản lý" và "do cơ quan trung ương cấp phép", đặc biệt đối với các khoản như tiền khai thác tài nguyên, tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, nhằm tránh chồng lấn và khuyến khích địa phương tăng thu hợp pháp.
Nhiều ý kiến tại Tổ thảo luận cho rằng Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cần được đánh giá tác động sâu sắc hơn để đảm bảo tính khả thi trong thực thi, đồng thời thực hiện hiệu quả yêu cầu quản lý, sử dụng nguồn lực ngân sách.
Các nội dung cần tiếp tục được làm rõ gồm: cơ chế phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương; phương thức giao dự toán ngân sách; tạm cấp cho nhiệm vụ chi cấp thiết khi chưa có quyết định chính thức; thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu, và việc nâng mức thưởng cho các địa phương có thu xuất nhập khẩu vượt dự toán qua biên giới đất liền.