Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Siết chặt quản lý thị trường, kiểm soát hàng hóa
(CLO) Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, chính sách ưu đãi thuế nên tập trung cho xe thuần điện hoặc xe tiết kiệm năng lượng thực sự, thay vì xe sử dụng cả xăng và điện - vốn vẫn phát thải khí độc hại.
Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 70% cho xe sử dụng đồng thời xăng và điện là phù hợp, nên được giữ nguyên. Xe sử dụng song song cả xăng và điện không thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt về bảo vệ môi trường hay tiết kiệm nhiên liệu.
Trong thực tế, loại xe này không phổ biến, nguồn cung ít và người tiêu dùng cũng còn e ngại vì tính ổn định không cao nếu hệ thống điện gặp sự cố, việc chuyển sang xăng có thể gây trục trặc.
Bởi vậy, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, chính sách ưu đãi thuế nên tập trung cho xe thuần điện hoặc xe tiết kiệm năng lượng thực sự, thay vì xe sử dụng cả xăng và điện - vốn vẫn phát thải khí độc hại. Ngoài ra, nếu xe dùng xăng vẫn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cao, thì không thể có chuyện xe lai xăng–điện lại được hưởng mức thuế thấp hơn vì sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong hệ thống thuế hiện hành.

Đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng này là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với định hướng chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng và theo đúng lộ trình của luật hiện hành.
“Để chống thất thu thuế đối với thuốc lá do buôn lậu, theo tôi cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và chống buôn lậu. Hiện nay, thuốc lá nhập lậu qua biên giới vẫn diễn ra phổ biến với giá bán thấp hơn thuốc lá sản xuất trong nước. Điều này gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và khiến chính sách tăng thuế trở nên kém hiệu quả”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phân tích.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thuốc lá là một mặt hàng đặc biệt, nhưng cũng là sản phẩm của doanh nghiệp và doanh nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế. Nếu áp thuế cao với doanh nghiệp trong nước lại để thuốc lá nhập lậu tràn lan sẽ dẫn đến thất thu thuế, mất công bằng và không đạt được mục tiêu chính sách.
Vì vậy, tăng thuế là cần thiết, nhưng phải đi kèm với siết chặt quản lý thị trường và kiểm soát hàng nhập lậu để chính sách thuế phát huy đúng vai trò điều tiết và bảo vệ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với xe bán tải.
“Tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo và Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về một số điểm, đặc biệt là liên quan đến việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải (pick-up). Chính phủ đã thừa nhận rằng, loại xe này được sử dụng chủ yếu cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục đề xuất phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình đến năm 2027 với các mức tăng từ 3%, 5% lên 7% là điều chưa thật sự hợp lý và chưa rõ mục tiêu quản lý nhà nước”, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu phân tích, nếu mục tiêu không phải để tăng thu ngân sách, cũng không phải để hạn chế tiêu dùng thì việc tăng thuế thêm 3% dường như không có căn cứ và mục tiêu quản lý rõ ràng. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo cũng đã thừa nhận rằng, việc tăng thuế quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, Bộ Chính trị cũng vừa có Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong những năm sau. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế đối với một phương tiện phục vụ kinh doanh lại đi ngược tinh thần của Nghị quyết.
“Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với xe bán tải, không tăng thêm, phù hợp với định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay”, ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.