Sửa Nghị định 15 nhằm siết chặt hậu kiểm, ngăn thực phẩm giả 'qua mặt' thị trường
(CLO) Trước loạt vụ việc sản xuất, tiêu thụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả gây bức xúc dư luận, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, với hàng loạt nội dung bổ sung nhằm siết chặt quản lý từ khâu công bố, quảng cáo đến hậu kiểm an toàn thực phẩm.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo sửa đổi được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn giám sát nhiều vi phạm gần đây, như vụ sản phẩm SUPERGREENS GUMMIES vi phạm quảng cáo; hay các đường dây buôn bán sữa bột, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Nhiều nội dung mới trong dự thảo được kỳ vọng sẽ “vá lỗ hổng” pháp lý, ngăn ngừa việc lợi dụng cơ chế tự công bố để đưa thực phẩm kém chất lượng ra thị trường.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, từ việc đăng tải công khai đến xây dựng kế hoạch hậu kiểm. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có thể tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm, giám sát chất lượng sản phẩm đang lưu thông. Đây là khâu mà Nghị định 15 hiện hành chưa kiểm soát chặt, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp tùy tiện tự công bố, gán nhóm sản phẩm sai bản chất, phóng đại công dụng, qua mặt cơ quan quản lý.
Dự thảo cũng lần đầu tiên quy định thực phẩm bổ sung – một phân nhóm trong thực phẩm chức năng – phải đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì chỉ tự công bố như trước. Theo Bộ Y tế, việc không bắt buộc đăng ký đã khiến nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe được “đội lốt” thực phẩm bổ sung, lách luật để quảng cáo công dụng vượt quá thực tế.
Để nâng cao chất lượng và an toàn, các nhóm sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, dinh dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi... sẽ phải đăng ký bản công bố sản phẩm có kiểm soát chặt từ khâu phối trộn thành phần, chỉ tiêu chất lượng đến đánh giá công dụng, lấy mẫu hậu kiểm trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp bắt buộc công bố chỉ tiêu chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa – điều trước đây bị “lờ đi” khi chỉ yêu cầu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn.
Một bước tiến mạnh nữa là việc cho phép thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, gỡ bỏ các thông tin sai lệch đã đăng tải và tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm cho đến khi khắc phục xong hậu quả.
Đáng chú ý, Dự thảo cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt… phải có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hoặc các chứng nhận tương đương như ISO 22000, GMP, FSSC 22000… Đây là tiêu chuẩn mà các nước như Mỹ, Trung Quốc, EU đã áp dụng từ lâu nhằm bảo đảm điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm. Trong khi chờ sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế kiến nghị bổ sung quy định này ngay trong Nghị định để nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.
Song song đó, trách nhiệm giám sát các tổ chức được chỉ định cấp chứng nhận cũng sẽ thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm bảo đảm tính nghiêm túc, minh bạch.
Đáng chú ý, dự thảo lần này còn đề xuất quy định chi tiết về hậu kiểm – tham khảo mô hình từ FDA Hoa Kỳ – trong đó yêu cầu xây dựng kế hoạch, nội dung, tần suất, các trường hợp hậu kiểm định kỳ và đột xuất; tăng cường vai trò của cơ sở kiểm nghiệm; đẩy mạnh chủ động lấy mẫu giám sát sản phẩm lưu thông.
Về quản lý liên thông, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính và UBND các tỉnh sẽ phải hoàn thiện kết nối dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia để thống nhất việc theo dõi, xử lý, thu hồi sản phẩm vi phạm từ Trung ương đến địa phương.
Một nội dung quan trọng khác là siết chặt quản lý quảng cáo thực phẩm. Dự thảo bổ sung hàng loạt quy định đối với các bên tham gia quảng cáo, bao gồm kiểm soát nội dung trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo và công khai mối quan hệ giữa người quảng cáo và doanh nghiệp tài trợ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành trong quản lý an toàn thực phẩm cũng được phân rõ, bao gồm: Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố.
Những đề xuất sửa đổi toàn diện này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng “thả nổi” sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, đồng thời nâng cao năng lực hậu kiểm, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng đầu độc thị trường.