Sức ép tăng trưởng kinh tế dồn vào 6 tháng cuối năm
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,52%, tức giảm 0,8% so với mức 6,32% cùng kỳ năm 2015. Như vậy để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%.
(CLO) 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,52%, tức giảm 0,8% so với mức 6,32% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%.
Theo số liệu được đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 5,52% so với cùng kỳ; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%; khu vực dịch vụ tăng 6,35%. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,18%.
[caption id="attachment_105983" align="aligncenter" width="660"]Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cùng kỳ các năm 2012 – 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến bất thường như giá rét ở các tỉnh phía Bắc, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Tây Nguyên, thảm họa cá chết tại các tỉnh miền Trung... khiến cho tỷ trọng của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%. Đây là mục tiêu hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp những bất lợi lại thêm những tác động từ những diễn biến xấu của thị trường thế giới như giá dầu giảm sâu, Brexit…
Trước mắt, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp để ngành nông lâm nghiệp và thủy sản khẩn trương thực hiện khắc phục những khó khăn, có mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các cấp các ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc những giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng thiên tai bị hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường đã được Chính phủ ban hành.
Đối với sản xuất công nghiệp, cần phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó có giải pháp pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như ngành du lịch, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng…
Các Bộ, Ngành ở Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch của năm 2016 về vốn FDI, vốn ODA. Đồng thời có các giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khuyến khích sự đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thanh Tân