Sức sống mới trên vùng đất Anh hùng

Thứ ba, 03/09/2019 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hơn 70 năm trước, Trung ương Đảng đã chọn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân) - một thôn nằm ở phía Đông Nam huyện Sóc Sơn - TP. Hà Nội, làm căn cứ địa cách mạng.

Nhiều cán bộ của Trung ương, của Xứ ủy như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh… đã về đây hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở cách mạng và được nhân dân che chở, nuôi giấu an toàn. Vượt qua những trận càn quét, đàn áp khốc liệt của kẻ thù để phát triển phong trào cách mạng, giành lại độc lập cho nước nhà, mảnh đất kiên cường có tên Xuân Kỳ hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ cùng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Cái nôi cách mạng

Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về Mùa Thu Cách mạng năm 1945 vẫn tươi mới với người dân thôn Xuân Kỳ nói riêng, xã Đông Xuân nói chung. Con sông Cà Lồ không chỉ chuyên chở phù sa, tưới tắm cho cánh đồng, bờ bãi nơi đây, mà như một nhân chứng tích lịch sử, mang theo bao câu chuyện đầy xúc động về những năm tháng cách mạng không thể nào quên.

Các đảng viên ôn lại kỷ niệm tại Nhà truyền thống cách mạng Xuân Kỳ.

Các đảng viên ôn lại kỷ niệm tại Nhà truyền thống cách mạng Xuân Kỳ.

Gốc đa xóm Cả, là nơi liên lạc, hội họp và cũng là điểm dừng chân trước khi tiếp tục đi lên căn cứ địa cách mạng của các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng. Đường quốc lộ 3 đi Việt Bắc nằm ở phía Tây Nam của xã, đường 16 nối liền con đường quốc lộ 3 từ Phù Lỗ đi bến Đò Lo sang Bắc Ninh là con đường chiến lược trong kháng chiến chạy qua địa bàn. Chưa kể còn rất nhiều địa danh như: Miếu Gia Thờ, Đền Cả, Đền Trôi, xóm Bến... ghi dấu sự anh dũng của người dân Đông Xuân trong quá trình nuôi giấu cán bộ Việt Minh, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đầy gian khó. Những hạt giống cách mạng đầu tiên của huyện cũng ra đời trên mảnh đất hữu tình này.

Trong bối cảnh đất nước bị thực dân phong kiến đô hộ, cuộc sống của nhân dân phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” rất cùng cực, trước tình hình đó, Đảng chủ trương chuyển sang hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở ở nông thôn, phát triển lực lượng để chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trung ương Đảng quyết định lấy tỉnh Vĩnh Phúc làm địa bàn xây dựng an toàn khu. Trong đó, Đông Anh- Đa Phúc nằm ở vị trí chiến lược trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi giấu các đồng chí cán bộ chủ chốt của Trung ương, Xứ uỷ.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Quảng cùng cán bộ, đảng viên thôn Xuân Kỳ đến thăm Miếu Gia Thờ - Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kim Anh (cũ).

Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Quảng cùng cán bộ, đảng viên thôn Xuân Kỳ đến thăm Miếu Gia Thờ - Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kim Anh (cũ).

Lật từng trang kí ức, ông Lê Văn Được - nguyên Chủ tịch xã Đông Xuân vẫn nhớ như in lời kể của các bậc lão thành cách mạng trong làng. Những năm đó, địch tăng cường khủng bố, lục soát gắt gao nhất thì Xuân Kỳ vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn, để các chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, tìm đến xây dựng phong trào. Mặc dù cuộc sống người nông dân nơi đây còn nhiều vất vả, song với tinh thần yêu nước, bà con nhân dân đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng nuôi giấu và chở che cán bộ. Các cán bộ của Trung ương, của Xứ ủy như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh… đều đã về đây hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở cách mạng và đều được nhân dân che chở, nuôi giấu an toàn.

Cũng trên mảnh đất lịch sử này, ngày 8/12/1942, Chi bộ Đảng Xuân Kỳ- Chi bộ đầu tiên của huyện Kim Anh chính thức ra đời. Từ đây phong trào cách mạng đã lan rộng ra nhiều địa phương và các làng, xã khác trong huyện như: Hồng Kỳ, Bắc Sơn, vùng Bắc Đa Phúc và vùng Nam Kim Anh với khí thế sục sôi chiến đấu. Những người nông dân, thợ cày, thợ cấy tích cực lao động sản xuất, hăng hái tham gia kháng chiến đã góp phần to lớn vào thắng lợi của nhân dân huyện Kim Anh, Đa Phúc trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945.

Đưa chúng tôi vào xóm Cả, Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Quảng không giấu nổi xúc động, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về niềm tự hào của bà con nơi đây. Theo ông Quảng, những ngày ấy, Xuân Kỳ trở thành căn cứ cách mạng, nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng. Khắp vùng quê này đều có các cơ sở cách mạng hoạt động bí mật, hàng ngày cán bộ vượt sông Cà Lồ sang vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên để hoạt động. Giai đoạn cách mạng tiền khởi nghĩa (1941-1945), địch đã nhiều lần càn quét, lùng sục những cán bộ cách mạng ưu tú của Đảng. Dã man hơn, chúng đã 2 lần đốt cháy làng nhưng Xuân Kỳ vẫn đứng vững và trở thành một trong những cái nôi của phong trào cách mạng của huyện Kim Anh.

Sức sống mới ở Đông Xuân

Hơn 70 năm đã trôi qua với bao thăng trầm biến chuyển, vùng đất lịch sử Đông Xuân ngày nay đã có những đổi thay không ngờ. Đường đã rộng hơn, cửa hàng cửa hiệu san sát, ôtô, xe máy đi lại tấp nập. Xen giữa cánh đồng rau xanh mướt, những con đường liên thôn được mở rộng và đổ bê tông, những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, sạch đẹp mọc lên san sát bên những cánh đồng hoa nhài, dưa lưới..., như minh chứng cho một cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc của người dân vùng quê cách mạng năm xưa.

Cây hoa nhài đã và đang là cây trồng đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Cây hoa nhài đã và đang là cây trồng đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Xuân hôm nay đang phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ để nâng cao đời sống nhân dân. Hiện Đông Xuân đã hình thành và phát triển các tổ hợp sản xuất tập trung theo vùng như: Vùng trồng rau an toàn trên 20 ha, vùng trồng hoa nhài 50 ha và các loại cây có giá trị khác (dưa siêu ngọt, dưa bở, ớt chỉ thiên xuất khẩu…). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha bình quân mỗi năm đạt 125,7 triệu đồng, năm 2018 đạt 160 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người nông dân đạt 45 triệu đồng/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 49 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh và các ngành nghề dịch vụ; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân tăng rõ rệt, diện mạo của quê hương thay đổi từng ngày. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi đi thăm từng di tích cách mạng của địa phương, qua cánh đồng hoa nhài rộng bát ngát, phảng phất hương thơm, vòng về đình làng xóm Cả rồi đến thăm nhà truyền thống cách mạng Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quá hồ hởi: “Người dân Đông Xuân hôm nay không chỉ phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế, mà truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học vẫn luôn được phát huy. Với những điểm tựa vững chắc đó, xã Đông Xuân chúng tôi sẽ vững vàng phát huy vai trò của một xã Anh hùng, thiết thực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh”.

Ngọc Thành- Ngọc Hải

Tin khác

Thành kính lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Hà Tĩnh

Thành kính lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 18/4 (10/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng, TX Hồng Lĩnh long trọng tổ chức Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2024.

Đời sống
Hải Phòng xếp hạng thứ hai về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023

Hải Phòng xếp hạng thứ hai về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023

(CLO) Hải Phòng xếp thứ hạng hai về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 với kết quả đạt 91,81%, tăng 1,72% so với năm 2022.

Đời sống
Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

(CLO) Thành phố Hải Phòng vừa chi 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đời sống
Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên thế nào?

Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên thế nào?

(CLO) Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên vừa được Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng thông qua tại kỳ họp thứ 15 là cơ sở quan trọng để hình thành thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng trong tương lai gần.

Đời sống
Đà Nẵng: Cứu nạn thuyền viên tàu nước ngoài bị tai nạn lao động

Đà Nẵng: Cứu nạn thuyền viên tàu nước ngoài bị tai nạn lao động

(CLO) Ngày 18/4, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) cho biết, vừa cứu nạn 1 thuyền viên nước ngoài bị tai nạn lao động.

Đời sống