Giáo dục

Tà Cóm – Nơi con chữ nảy mầm từ sỏi đáBài 1: Con chữ chớm nở giữa đại ngàn

Hà Anh 15/04/2025 14:18

(CLO) Giữa trập trùng núi non phía Tây tỉnh Thanh Hóa, bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) hiện lên như một chấm nhỏ trên bản đồ, nơi những mái nhà trình tường nép mình bên sườn núi và sương mù quanh năm như muốn giữ riêng cho mình một khoảng trời yên bình. Thế nhưng, phía sau vẻ tĩnh lặng ấy là những nỗ lực bền bỉ của cả cộng đồng trong hành trình tìm đến ánh sáng tri thức – một hành trình gian truân nhưng cũng thấm đẫm hy vọng.

Hành trình đến với Tà Cóm

Tà Cóm là một bản xa của xã Trung Lý, nơi có hơn 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với địa hình núi cao hiểm trở, đường đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Theo những cán bộ công an xã lâu năm chia sẻ, trước đây, để đến được bản, phải đi bộ hàng giờ qua những con dốc dựng đứng, lội qua những con suối dữ.

f48e95f790c0239e7ad1.jpg
Để đến được Tà Cóm, lực lượng Công an xã dẫn chúng tôi chọn lối xuống đò vượt sông Mã từ phía bản Mau, xã Mường Lý được cho là con đường thuận lợi và nhanh nhất

Bản Tà Cóm nằm ở vùng rẻo cao heo hút, cách trung tâm xã Trung Lý hơn 40 cây số trong đó hơn một nửa đường là lối mòn men theo sườn núi, qua sông, xuyên rừng. Mùa nắng đi đã khó, mùa mưa thì gần như bị cô lập hoàn toàn. Có những đoạn đường dốc đến mức chỉ cần trượt chân là có thể rơi thẳng xuống vực sâu.

Để vào đến Tà Cóm, chúng tôi phải mất nhiều tiếng đồng hồ vừa di chuyển bằng xe máy và đi bộ. Những khúc cua chỉ rộng vừa đủ một bàn chân và những con suối cạn nước mà lòng vẫn phủ đầy đá sắc nhọn. Càng đi sâu, sóng điện thoại biến mất, bóng dáng nhà dân thưa dần.

3232155c106ba335fa7a.jpg
Sau khi sang được sông, người dân chở chúng tôi men theo lối đi ngoằn ngoèo dưới những tán cây rừng đầy hiểm trở để lên trung tâm bản Tà Cóm

Bản Tà Cóm hiện ra khi mặt trời vừa lặn sau dãy núi, ánh hoàng hôn trên mái nhà trình tường lợp pờ-rông đơn sơ, khói bếp bảng lảng trên những sườn núi.

Ở Tà Cóm hiện có 112 hộ dân sinh sống nhưng mới chỉ được 10 hộ thoát nghèo. Số còn lại là hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm tới hơn 60%. Mãi đến gần cuối năm ngoái, bản Tà Cóm mới có điện lưới quốc gia.

e03d21e9dbde688031cf.jpg
Người Mông ở đây sống rải rác, nhà cách nhà cả trăm mét

Dù đã có rất nhiều chương trình chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, như: 134, 135, 30a... nhằm giúp đỡ đồng bào Mông ở đây thoát nghèo nhưng đường giao thông chưa thuận tiện, điện lưới quốc gia cũng mới vừa về đến bản... nên đã khiến mọi thứ ở bản chưa phát triển được.

Người Mông ở đây sống rải rác, nhà cách nhà cả trăm mét, lưng tựa núi, mặt hướng ra nương rẫy. Họ quen sống tự cung tự cấp, từ hạt ngô đến chiếc áo chàm đều do tay họ làm ra. Cái nghèo như thấm vào từng thớ đất, từng lùm cây ven đường. Đêm đến, dù đã có điện lưới quốc gia nhưng Tà Cóm vẫn tối mịt mùng, chỉ ánh lửa bếp và ánh trăng mới soi tỏ được những bước chân người.

dscf0241.jpg
Vì đường giao thông chưa thuận tiện nên mọi thứ ở bản chưa phát triển được

Ở nơi đây, việc học từng là thứ xa xỉ. Trẻ em 5, 6 tuổi đã phải theo cha mẹ lên nương, lớn hơn chút thì biết địu em, cắt cỏ, nhóm bếp, phụ giúp việc nhà. Nhiều em đến 10 tuổi vẫn chưa biết mặt chữ.

Theo một số già làng nơi đây, có thời điểm, cả bản chỉ có vài em nhỏ đến trường, lớp học dựng tạm bằng tre nứa, lợp mái tôn cũ, mùa đông thì gió lùa bốn phía, mùa mưa nước tạt vào tận chỗ ngồi. Nhưng cũng chính nơi đó, hạt giống tri thức vẫn được âm thầm gieo xuống. Điểm trường Tà Cóm – nằm cheo leo bên sườn núi, chỉ có ba gian lợp tôn, nền đất nện, bàn ghế gỗ cũ kỹ.

Ấy vậy mà đó là nơi khơi nguồn cho những giấc mơ chữ nghĩa. Những thầy cô giáo miền xuôi lên dạy, phải vượt hàng chục cây số đường rừng, ở nhờ nhà dân, ăn cơm chan nước mó, sáng lên lớp, chiều lại đi vận động học sinh ra lớp.

Những người cõng con chữ lên non cao

Trong ký ức của người già ở bản, ngày xưa “chữ” là thứ gì đó xa xỉ, chỉ thấy qua giấy tờ của cán bộ xuống bản. Cả bản không ai biết đọc, biết viết, việc học hành hầu như không được coi trọng vì người dân phải ưu tiên cho cái ăn, cái mặc trước. Trẻ con theo bố mẹ lên nương từ rất sớm, có em mới 7-8 tuổi đã quen cầm dao, gùi gạo đi rẫy, còn sách vở là điều quá xa vời.

af50122e1719a447fd08.jpg
Điểm Tà Cóm cách Trường Tiểu học Trung Lý II chừng 20km

Ngay mới đây, thời điểm chúng tôi tiếp cận Tà Cóm, nhiều người dân vẫn chưa “sõi” tiếng Kinh. Chúng tôi phải nhờ những “phiên dịch viên” như Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản hay các cán bộ Công an xã để có thể trao đổi thông tin với người dân.

Phải đến khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi chính quyền địa phương cùng ngành giáo dục chú trọng phát triển giáo dục vùng cao, các lớp học tạm mới dần được dựng lên, con chữ mới bắt đầu len lỏi vào từng mái nhà nơi nẻo cao Tà Cóm.

Ông Sùng A Tông, Bí thư Chi bộ bản Tà Cóm nhớ lại, ngôi trường đầu tiên ở bản chỉ là một căn nhà tranh vách đất, mái lợp tôn cũ, nằm cheo leo trên sườn núi. Lớp học không bảng, không bàn ghế đúng nghĩa, học sinh phải ngồi đất, dùng cặp sách làm bàn. Thế nhưng, trong ánh mắt của lũ trẻ vẫn lấp lánh niềm vui, khi lần đầu tiên được nhìn thấy con chữ, được lắng nghe thầy cô kể chuyện thế giới bên ngoài qua từng trang sách cũ kỹ.

dscf0236.jpg
Niềm vui của những em nhỏ trên đường đi học về

Để duy trì được lớp học ấy, không thể không nhắc đến vai trò của những thầy cô giáo cắm bản – những người rời xa gia đình, vượt hàng trăm cây số, sống giữa đại ngàn hoang vu để gieo mầm chữ cho các em học sinh. Với họ, giáo án không chỉ là kế hoạch giảng dạy mà còn là kim chỉ nam cho hành trình kiên trì vượt gian khó.

Trong số họ có cô trong đó cô Sùng Thị Ly là người Mông đảm nhiệm vị trí trưởng điểm Trường Mầm non Trung Lý tại Tà Cóm. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có hơn 7 năm gắn bó với Tà Cóm. Mọi người hay gọi vui cô là "dâu miền ngược".

“Tôi sinh ra tại Trung Lý nhưng ngày đầu vào bản, tôi phải bật khóc vì đường đi, vì mệt, vì lạ, vì nhớ nhà. Nhưng rồi nhìn những đôi mắt trẻ thơ rụt rè bên cửa lớp, tôi lại lau nước mắt và bắt đầu bám trụ”.

dscf0316.jpg
Lớp học của cô giáo Sùng Thị Ly

Dù cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng nơi đây vẫn tràn ngập tinh thần vượt khó. Cô Ly và các đồng nghiệp tự tay sửa sang lại bàn ghế và viết từng lá đơn xin hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập. Có những lúc tưởng như không thể trụ lại nhưng rồi một ánh mắt, một tiếng chào lễ phép cũng đủ níu bước chân những người mang con chữ lên non cao.

Con chữ đến với Tà Cóm không ồn ào, không rầm rộ, nhưng từng chút một, bền bỉ và cảm động. Đó là ánh sáng le lói giữa đại ngàn – ánh sáng mỏng manh nhưng đầy hy vọng.

dscf0254.jpg
Thầy giáo Hà Văn Hơn chia sẻ với phóng viên

Thầy Hà Văn Hơn, Trưởng khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ: “Ở đây, giáo viên kiêm luôn thợ sửa điện, nấu ăn, y tá, người vận động cộng đồng... Việc gì cũng phải làm, bởi nếu mình không làm thì không ai làm cả”. Mặc dù điểm trường hiện tại đã được kiên cố hóa, có điện lưới quốc gia... nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày lẫn việc dạy và học của thầy, trò.

Với các thầy cô ở Tà Cóm, khó khăn không phải là điều xa lạ. Họ quen với những bữa cơm chan nước rau rừng, với màn đêm không ánh điện, với những tháng ngày mùa đông rét căm căm chỉ có bếp củi làm ấm. Nhưng đổi lại, là nụ cười hồn nhiên của học trò, là ánh mắt ngời sáng khi một em biết đọc được dòng chữ đầu tiên - đó là phần thưởng lớn lao nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tà Cóm – Nơi con chữ nảy mầm từ sỏi đá Bài 1: Con chữ chớm nở giữa đại ngàn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO