Tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ lên các nhà sản xuất ô tô toàn cầu

02/04/2025 13:35

(CLO) Mỹ áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu từ 3/4, đẩy giá xe tăng cao, đe dọa doanh số và làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ đẩy giá xe tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm và gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô và linh kiện, theo đánh giá của Fitch Ratings. Tuy nhiên, mức độ tác động sẽ khác nhau tùy theo từng hãng xe.

tac dong tieu cuc cua thue quan my len cac nha san xuat o to toan cau hinh 1

Hình minh họa một điểm tập kết xe. Ảnh: Jalopnik

Ngày 26/3, Mỹ công bố mức thuế mới áp dụng cho tất cả ô tô nhập khẩu và một số linh kiện, có hiệu lực từ ngày 3/4. Trước đó, chính quyền Mỹ từng đề xuất áp thuế với ô tô và linh kiện từ Mexico và Canada nhưng sau đó trì hoãn.

Theo quy định mới, các hãng xe sản xuất theo tiêu chuẩn USMCA (Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada) có thể chứng nhận hàm lượng linh kiện nội địa Mỹ, và thuế chỉ áp dụng với phần linh kiện không có xuất xứ từ Mỹ. Đối với linh kiện tuân thủ USMCA, thuế sẽ chưa được áp ngay cho đến khi có quy trình xác định nguồn gốc cụ thể.

Hiện tại, xe nhập khẩu chiếm khoảng một nửa doanh số ô tô con tại Mỹ. Mexico là nguồn cung lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Đức. Hầu hết ô tô nhập từ Mexico và Canada đáp ứng tiêu chí của USMCA, nhưng không phải tất cả.

Các hãng xe xuất khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức vào thị trường Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất. Với Volkswagen, thuế mới sẽ ảnh hưởng đến phân khúc xe sang có biên lợi nhuận cao (bao gồm Porsche), làm suy yếu dòng tiền tự do và thu hẹp dư địa tài chính.

Thị trường Mỹ chiếm khoảng 25% doanh số toàn cầu của Toyota và Hyundai (bao gồm Kia), nhưng khoảng 60% lượng xe Hyundai bán tại Mỹ được sản xuất tại Hàn Quốc và sẽ chịu thuế 25%, trong khi tỷ lệ này với Toyota chỉ là 23% đối với xe sản xuất tại Nhật Bản.

Đối với các nhà sản xuất có nhà máy tại Mỹ, Canada và Mexico, việc được miễn trừ ban đầu giúp giảm bớt áp lực, nhưng diễn biến sắp tới vẫn khó lường và nguy cơ tăng chi phí là khó tránh khỏi. Stellantis và Nissan đều đang chịu áp lực tài chính và có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu Mỹ tiếp tục siết chặt thuế đối với xe nhập từ Mexico và Canada.

Fitch dự báo hầu hết các hãng xe sẽ buộc phải tăng giá, nhưng mức độ điều chỉnh sẽ khác nhau tùy vào từng thương hiệu và mẫu xe. Một số hãng có thể gặp khó khăn trong việc đẩy giá đủ để bù đắp mức thuế 25%, buộc họ phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất và phân phối.

Giá xe cao hơn có thể làm giảm sức mua, gây áp lực lên doanh số. Fitch hiện dự báo doanh số xe du lịch tại Mỹ năm 2025 đạt 16 triệu chiếc, giảm 300.000 xe so với ước tính hồi đầu năm, do giá xe tăng và lãi suất duy trì ở mức cao.

Trong ngắn hạn, nhu cầu có thể tăng nhẹ khi khách hàng tranh thủ mua xe trước khi giá điều chỉnh, nhưng doanh số dự báo sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025.

Việc áp thuế có thể khiến một bộ phận khách hàng chuyển hướng sang xe sản xuất tại Mỹ, tạo lợi thế cho các hãng như Ford.

Tuy nhiên, nhiều mẫu xe sản xuất trong nước đặc biệt là xe bán tải cỡ lớn và SUV không cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe nhập khẩu, vốn chủ yếu là sedan cỡ nhỏ, crossover hạng nhẹ và xe sang.

Đối với linh kiện ô tô, tác động của thuế khó đoán hơn do chuỗi cung ứng phức tạp. Ngoài việc tăng chi phí, còn có nguy cơ gián đoạn nguồn cung, tương tự những gì đã xảy ra trong giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, rủi ro này tạm thời được giảm nhẹ nhờ việc hoãn áp thuế đối với linh kiện tuân thủ USMCA.

Trong ngắn hạn, các hãng như General Motors vẫn có khả năng điều chỉnh sản xuất để hạn chế tác động từ thuế. Tuy nhiên, nếu muốn đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất ô tô và linh kiện tại Mỹ, các hãng xe cần sự rõ ràng hơn về chính sách và đảm bảo rằng mức thuế này sẽ duy trì đủ lâu để có thể tính toán hiệu quả đầu tư.

Hải Hà (Theo Fitch Rating)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ lên các nhà sản xuất ô tô toàn cầu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO