Tác nghiệp thảm họa động đất ở Myanmar: Trách nhiệm và sự sẻ chia
Hơn một tuần tác nghiệp thảm họa động đất ở Myanmar, nhà báo Đinh Quốc Dũng - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội coi đó là thử thách, là thời cơ để thể hiện năng lực, tâm huyết của mình và hơn hết anh coi chuyến đi không chỉ là trách nhiệm của người làm báo mà còn là sự sẻ chia.
Khai thác ở nhiều góc cạnh khác nhau của đời sống
Di chuyển quãng đường xa hàng nghìn km sang nước bạn, anh và đồng nghiệp đã nhanh chóng thích nghi với thời tiết nắng nóng kéo dài. Chuyến đi diễn ra chỉ sau vài ngày xảy ra thảm họa, sau đó vẫn còn những dư chấn vẫn âm ỉ, tiềm ẩn nguy cơ các sự cố vẫn có thể đến bất cứ lúc nào.

Đã từng nhiều ngày đi tác nghiệp tại trong tâm bão số 3 năm 2024, nhưng đối với nhà báo Đinh Quốc Dũng, việc tác nghiệp tại một đất nước xa xôi như Myanmar thì hoàn toàn khác. Anh chưa từng chứng kiến thảm họa động đất lớn nào như vậy. Ở nơi đất khách quê người, chưa biết gì về giao thông đi lại ở nước bạn, nắng nóng kéo dài, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện ăn ở thiếu thốn,… tất cả đòi hỏi mỗi phóng viên phải có lời giải và bắt tay vào công việc, để dòng chảy tin tức được gửi về khán giả trong nước được thông suốt.
Nhà báo Quốc Dũng chia sẻ: “Ngay khi xảy ra động đất, ban lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và cử 2 ê kíp sang Myanmar, 1 kíp sẽ luôn đi cùng với các đội cứu hộ Việt Nam, còn ê kíp của tôi đi sẽ tìm hiểu đời sống của mọi người trong và sau thảm họa. Chúng tôi sẽ phải tự đi tìm hiểu các đề tài, tìm đến những thành phố, thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuy nhiên khó khăn không chỉ là việc di chuyển mà còn tìm nhân vật hay, những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh cuộc sống của họ”.
Trong suốt những ngày tác nghiệp tại đây, anh cố gắng đến vùng xa trung tâm thành phố, những khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để biết thêm thông tin về đời sống người dân. Hành trang mang theo ngoài các thiết bị tác nghiệp, còn có mì tôm, lương khô, nước uống được chuẩn bị từ trước.
Đi từ thành phố này đến thành phố khác, anh đã chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn ở thành phố Sagaing, Mandalay, thủ đô Naypyidaw và các thành phố gần tâm chấn khác… cố gắng khai thác ở nhiều góc cạnh khác nhau của đời sống. Anh cũng chứng kiến nhiều gia đình, trẻ em phải sống trong điều kiện màn trời chiếu đất, nhiều nơi các em cùng người lớn ngồi xếp hàng chờ cứu trợ tới. Những gia đình bình thường đã nghèo đói, thảm họa xảy đến có sức tàn phá nặng nề, cái đói khổ cùng cực gấp hơn nhiều lần.

Luôn mang tinh thần và trách nhiệm của người làm báo, anh và đồng nghiệp đã có những phóng sự, tin bài gửi về Ban biên tập, miêu tả chân thật về cuộc sống người dân trong thảm họa, như tác phẩm: "Năm ngày sau cơn địa chấn tại Mandalay"; "Người dân Myanmar xếp hàng chờ phát nước và thực phẩm"; "Khung cảnh đổ nát sau động đất ở Mandalay"... tất cả đều nói lên sự khốn khổ cuộc sống người dân Myanmar sau thảm họa động đất.
Bên cạnh đó, là những bài viết với màu sắc tích cực, tính khẩn trương của công tác cứu hộ. Đặc biệt là việc Việt Nam trao gần 30 tấn hàng cứu trợ cho Myanmar; “bộ đội Việt Nam tham gia cứu hộ ở Myanmar”; “Những ‘anh nuôi’ của lực lượng cứu hộ Việt Nam tại Naypyidaw”; “Người Việt Nam tại Mandalay chung tay cứu trợ người dân Myanmar”; "Chạy đua khắc phục hậu quả động đất"…
Hun đúc thêm tình yêu, sự tự hào của nghề báo
Mỗi tin bài gửi về và được phát sóng không chỉ là mồ hôi công sức của người làm báo mà còn là tình cảm, sự sẻ chia cho những mất mát đau thương mà người dân Myanmar đang phải gánh chịu. Họ cố gắng nắm bắt khai thác thật nhiều. Không chỉ đơn giản là thể hiện trách nhiệm của người làm báo mà còn mong muốn qua mỗi bài viết sẽ là những chiếc cầu nối, thắt chặt tình cảm người dân Việt Nam với nhân dân Myanmar lúc khó khăn, khẳng định tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết quốc tế của Việt Nam.

Nhà báo Quốc Dũng tâm sự: “Dù ở hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng trải qua mấy ngày thì tôi thấy người Myanmar hiếu khách, thân thiện. Như có lần tôi đến một địa phương ở Mandalay. Có một bạn biết tiếng Anh dẫn đường chúng tôi đi và tìm nhân vật cho chúng tôi suốt 2 ngày nhưng không đòi hỏi lấy bất cứ khoản chi phí nào. Vì bất đồng ngôn ngữ, người Myanmar ít người biết tiếng Anh, vì thế tìm được người dẫn đường vừa phiên dịch tận tụy trong hoàn cảnh như vậy là điều không dễ dàng. Tôi nhận thấy họ có sự thân thiện, cởi mở, sẵn lòng hỗ trợ phóng viên Việt Nam”.
Ngoài sự hỗ trợ đó, nhà báo Quốc Dũng còn nhận được trợ giúp từ nhà mạng Viettel Myanmar (Mytel), việc này đảm bảo thông tin liên lạc giữa các thành viên trong đoàn và có thêm dung lượng sóng 4G để gửi thông tin hình ảnh, clip về cho tòa soạn một cách nhanh nhất.
Mỗi một nhân vật anh khai thác, anh luôn cố gắng đặt mình vào nhân vật để dễ dàng cảm nhận. Thông thường khi phóng viên đưa tin về thiên tai, người ta sẽ quan tâm đến việc đưa tin bao nhiêu người chết, mất tích, thảm họa đó ở đâu, bị thế nào…như bản thân anh không muốn tập trung quá nhiều vào nỗi đau đó. Anh cố gắng tìm những điều tích cực hơn, cho khán giả biết về những con người, những số phận vượt lên trong nghịch cảnh.
Kết thúc một tuần tác nghiệp thảm họa động đất ở Myanmar, nhà báo Quốc Dũng chia sẻ: “Trong chuyến đi này, có rất nhiều khó khăn cho những phóng viên lần đầu tiên đến một đất nước xa xôi, tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm, nhưng bản thân tôi luôn nhận thấy đây là cơ hội mà nghề báo mang lại cho mình, đó là được đi và cảm nhận. Ở đó mình biết thêm về những vùng đất con người mới, nơi mình chưa bao giờ đặt chân tới. Một đất nước con người mà mới chỉ biết tới qua đọc trên sách báo, tivi”.
.jpg)
Có thể nói, trong mỗi hành trình, người làm báo Việt Nam luôn biết cách vượt qua những khó khăn thử thách, tác nghiệp trong thảm họa cũng vậy, họ học hỏi được nhiều điều hơn và trưởng thành hơn trong nghịch cảnh. Trên hết đó là tinh thần dám đương đầu với những hiểm nguy, những thách thức mà họ chưa bao giờ đối mặt.
Trải qua hành trình đó và khi trở về với công việc thường nhật ở mảnh đất Việt Nam yêu dấu, họ cảm thấy mình phải trân trọng hơn những gì đang có, trân trọng hơn công việc mình đang làm, để rồi hun đúc thêm tình yêu, sự tự hào của nghề báo.