(NB&CL) “Sự cố” VnPharma đã khiến vấn đề quản lý dược phẩm tại Việt Nam, vốn từ lâu đã được nhận diện là tồn tại khá nhiều khúc mắc và bất cập, một lần nữa lại “nóng”. Cũng xung quanh câu chuyện quản lý dược phẩm, đề xuất cần tách biệt lĩnh vực Dược ra khỏi ngành Y tế được đặt ra.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay một số nước có mô hình thuốc và thực phẩm theo hình thức FDA - cơ quan độc lập, sẽ khắc phục được tình trạng của quản lý thực phẩm manh mún. Dược và thực phẩm xét về bản chất đều ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người và được quản lý theo nguyên tắc đạt chuẩn, thẩm định, cấp phép, hậu kiểm trên thị trường và xử lý thanh tra vi phạm. Ngành Dược là một ngành khoa học đặc thù về sức khỏe, chịu sự quản lý của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quá trình sản xuất ra sản phẩm, các doanh nghiệp Dược cũng phải chịu sự quản lý, giám sát của Bộ Công thương như các doanh nghiệp khác.
“Cần phải xem xét kĩ lưỡng, có đề án cụ thể trong vấn đề tách hay nhập quản lý dược. Theo cá nhân tôi, việc tách hay không tách Dược ra khỏi ngành Y tế không quan trọng mà ở đây vẫn là con người. Cần có những người có năng lực, trách nhiệm để làm việc. Tất cả thủ tục đều vào con người, cho nên cần rõ ràng về pháp lý để đưa ra các chế tài rõ ràng. Cần có người đứng ra chịu trách nhiệm, đặc biệt cần có sự minh bạch thì sẽ giải quyết được tất cả vấn đề. Ngành Dược nước ta chiếm GDP rất thấp, cũng không cần thiết phải là một cơ quan độc lập. Tuy nhiên, khi dược kết hợp với thực phẩm, mỹ phẩm thì nên tách riêng độc lập thành một cơ quan” - Bà Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu QH khóa 14, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định. Câu chuyện con người được bàn đến là bởi, hiện nay, việc quản lý đấu thầu mua sắm đang được giao phó toàn bộ cho ngành y tế. Việc
“khoán trắng” này dẫn đến 3 điểm hạn chế cơ bản mà cốt lõi vẫn là bởi sự
“độc quyền” và quản lý chưa hiệu quả. [caption id="attachment_181685" align="aligncenter" width="800"]
Ảnh minh họa[/caption] Điểm thứ nhất, phải đảm nhận đồng thời chức năng kiểm soát chất lượng thuốc; kết hợp với yêu cầu quản lý được hiệu quả kinh tế - tức giá thuốc, trong một cơ quan vốn thuần túy mang tính kỹ thuật (chuyên môn về dược - tức chuyên môn kỹ thuật) thì tự nó khiến cho cơ quan này khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Điểm thứ hai, trong khi thuốc được quy định là mặt hàng cần có sự kiểm soát về giá của Nhà nước, nhưng phía Bộ Tài chính - cụ thể là Cục Quản lý giá, lại không có vai trò gì. Điểm thứ ba, xuất phát từ việc thiếu sự tham gia của Bộ Tài chính, tạo ra vị thế “độc quyền” trong quyết định các gói thầu cho Cục Quản lý Dược, khiến cho cơ quan này dễ rơi vào vị thế
“xung đột lợi ích”, chú trọng khía cạnh
“kinh tế”’ vốn có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Cục này, hơn là quản lý chất lượng thuốc. Ngoài ra, việc công khai thông tin và giám sát trong quá trình đấu thầu hiện nay là rất hạn chế. Trong trường hợp này, bên giám sát có thể là đại diện từ Hiệp hội Các nhà sản xuất thuốc, hoặc đại diện của Hiệp hội Y tế. Thông tin về các gói thầu, chấm thầu và bên thắng thầu cần công khai để báo chí có thể tiếp cận và giám sát. Chưa hết, nhập khẩu thuốc ở Việt Nam hiện quá dễ dàng dẫn tới các cá nhân, doanh nghiệp vì trục lợi mà làm giả giấy tờ, thông tin. Kéo theo đó là thuốc kém chất lượng, thuốc giả thâm nhập thị trường. Về mặt chất lượng, Cục Quản lý dược là cơ quan duy nhất chịu hoàn toàn trách nhiệm kỹ thuật về vấn đề chất lượng và an toàn của mọi loại thuốc là hàng hóa lưu hành trên thị trường. Cụ thể, việc đăng ký, kiểm nghiệm và cho phép lưu thông các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước; đăng ký nhập khẩu và kiểm tra chất lượng với hàng hóa nhập khẩu là chức năng trọng tâm của Cục này. Trong khi đó, vấn đề giá cả thuốc, đặc biệt là thuốc thuộc về gói thầu mua sắm trong bệnh viện cần có sự tham gia đồng thời, và đóng vai trò quan trọng hơn của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Ngoài một hội đồng chuyên môn xem xét về khía cạnh kỹ thuật như hiện nay, còn cần thêm hội đồng quyết định về giá, trong đó có đại diện của Cục Quản lý giá. Như vậy, vấn đề không nằm hoàn toàn trong câu chuyện có tách ngành Dược ra khỏi ngành Y tế hay không mà là câu chuyện làm sao để quản lý đấu thầu thuốc, chất lượng thuốc một cách hiệu quả. Cuộc chiến trước sự cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích từ các viên thuốc kém chất lượng sẽ luôn là một thách thức. Tuy nhiên, nếu không làm đến cùng, hàng triệu sinh mạng sẽ phải trả giá và lòng tin của người dân vào ngành y tế sẽ không còn nữa.
Hà Vân