Kinh doanh - Tài chính

Tái cơ cấu ngân hàng chưa đạt kỳ vọng, nguyên nhân sâu xa do đâu?

Kỳ Hoa 11/04/2025 14:42

(CLO) Ngày 11/4, tại hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do báo Tiền Phong tổ chức, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa khiến quá trình tái cơ cấu theo phương án chuyển giao bắt buộc chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Nhìn lại trước đó, ông Hiếu cho biết, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, Xây Dựng và GPBank. Sau đó Ngân hàng Đông Á cũng được NHNN mua lại và nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng" và trở thành ngân hàng con của NHNN.

1(2).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: BTC

Song, theo vị chuyên gia, sau 10 năm, cho đến năm 2024, bốn ngân hàng vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được. “Việc tái cơ cấu bốn ngân hàng qua việc NHNN mua lại với giá 0 đồng và giao lại cho một số ngân hàng lớn để tái cấp vốn và tái tổ chức được xem là thất bại”, ông Hiếu đánh giá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu tiếp tục chỉ ra, sau khi Luật sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng ban hành năm 2024, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, Ngân hàng Xây dựng được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo; Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam; GPBank được giao cho VPBank; Đông Á Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank. Ngoài bốn ngân hàng 0 đồng này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

“Tuy nhiên, hiện 4 ngân hàng đã được chuyển giao đang hoạt động ra sao, tôi chưa có tin tức cụ thể, chỉ biết họ đã đổi tên, thương hiệu mới, định hướng mới, phong cách phục vụ mới với kỹ thuật số, chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

2(3).jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: BTC

Theo chuyên gia, nguyên nhân sâu xa khiến quá trình tái cơ cấu theo phương án chuyển giao bắt buộc chưa đạt kết quả như kỳ vọng, đó là sự thiếu nhất quán trong thiết kế chính sách, thiếu trách nhiệm trong quản trị, không minh bạch thông tin và thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các bên liên quan, dẫn đến việc tái cơ cấu không đạt hiệu quả như mong muốn.

Cụ thể, Luật sửa đổi cho phép ngân hàng nhận chuyển giao sở hữu 100% ngân hàng yếu kém mà không phải hợp nhất báo cáo tài chính. Đây là điều trái với nguyên tắc kế toán quốc tế, gây ra rủi ro khi ngân hàng mẹ hưởng lợi từ tài sản và nhân lực, nhưng lại không chịu trách nhiệm với lỗ lãi và rủi ro của ngân hàng con. Điều này dẫn đến sự “vô tâm” và thiếu trách nhiệm trong quản trị, làm mất đi ý nghĩa của tái cơ cấu.

Thứ hai là thiếu vai trò giám sát hiệu quả từ cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Trong khi đó, với kinh nghiệm ba năm làm ngành ngân hàng tại Mỹ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, FDIC (Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, đánh giá và xử lý ngân hàng yếu kém. Ngược lại, bảo hiểm tiền gửi quốc gia tại Việt Nam hiện nay không có vai trò rõ ràng trong việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng yếu kém, khiến người gửi tiền thiếu niềm tin và tạo rủi ro hệ thống.

Thứ ba là thiếu minh bạch và kế hoạch cụ thể trong tái cơ cấu. Bởi sau khi chuyển giao, bốn ngân hàng được đổi tên nhưng không có thông tin rõ ràng về hoạt động hiện tại, gây hoang mang và thiếu niềm tin từ thị trường và người dân. Không giống như Mỹ, nơi các ngân hàng được tái cơ cấu theo quy trình rõ ràng, có cảnh báo sớm và các lệnh chấm dứt hoạt động khi cần thiết.

Thứ tư, đó là thiếu sự tham gia và giám sát từ cổ đông, những người có quyền lợi và trách nhiệm giám sát cùng NHNN, dẫn đến sự thiếu dân chủ và thiếu đồng thuận trong quá trình tái cơ cấu.

Cuối cùng là thiếu cam kết tài chính thực chất từ ngân hàng mẹ. Vì khi sáp nhập và chuyển ngân hàng yếu kém âm vốn sở hữu sang ngân hàng chủ sở hữu, bắt buộc ngân hàng mẹ phải bơm vốn cho ngân hàng còn ít nhất 3.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, điều này hiện nay không có, nên ngân hàng yếu kém khó có thể phục hồi thực chất, chỉ là sự ‘chuyển chủ’ mà không có thay đổi cốt lõi”, ông Hiếu nêu quan điểm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tái cơ cấu ngân hàng chưa đạt kỳ vọng, nguyên nhân sâu xa do đâu?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO