Mới đây, một công trình xây dựng cửa hàng xăng dầu tại TP.Huế đang thi công thì bất ngờ đổ sập khiến 9 người bị thương. Thông tin từ UBND P.Trường An, TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết, vụ tai nạn lao động nói trên xảy ra vào khoảng 8 giờ 15 sáng 25/4 tại công trình đang xây dựng trên khu đất số 244, đường Ngự Bình, P.Trường An, TP.Huế. Đây là công trình xây dựng cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống cửa hàng xăng dầu Thủy Tân.
Phần công trình bị sập là phần mái che cửa hàng, khi các công nhân xây dựng đang đổ dầm bê tông. 9 người bị thương, trong đó có 1 phụ nữ nhà ở gần công trình tham gia phụ hồ. Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vụ tai nạn lao động trong xây dựng diễn ra trên khắp cả nước. Tai nạn lao động gia tăng báo động, nêu thực trạng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) tăng cao. Mới đây, Bộ LĐTB-XH cũng vừa công bố: Trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ TNLĐ, làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Trước thực trạng đó, việc dồn sức kéo giảm TNLĐ đang là vấn đề cấp bách.
Trong số các vụ TNLĐ năm 2017, có những vụ nghiêm trọng như: vụ ngạt khí (ngày 12-1) tại Công ty cổ phần Foodtech chi nhánh Phú Yên làm 5 công nhân chết dưới hầm chứa nước hấp cá; vụ rơi thang máy ngày 22-8 tại công trình xây dựng chung cư Newlife Tower (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) làm 3 người chết; vụ sập giàn giáo ngày 10-9 tại xã Xuân Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) làm 3 người chết, 6 người bị thương; vụ nổ tàu lai dắt ngày 12-11 tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) làm 4 người chết. Tại TP. HCM, tình hình TNLĐ luôn ở mức cao so với các tỉnh, TP khác.
Đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng gây chết người còn nhiều. Chỉ riêng năm 2017, TP. HCM xảy ra hơn 1.500 vụ TNLĐ với hơn 1.500 người bị nạn, trong đó có 102 người chết, cao nhất nước. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, TP.HCM xảy ra 17 vụ TNLĐ, làm 16 người chết và 1 người bị thương nặng. Ghi nhận thực tế tại các công trình, cơ sở sản xuất, cả người lao động và chủ sử dụng lao động đều rất thờ ơ với công tác bảo hộ lao động, dù đang làm việc trong môi trường dễ xảy ra tai nạn nhất. Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chết người cho thấy có đến 45,41% vụ do lỗi của người sử dụng lao động, như không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ), hoặc huấn luyện chưa đầy đủ.
Hầu hết các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại các công trình đang thi công xây dựng, do té ngã từ trên cao xuống. Nhiều người lao động, nhất là trong các nhóm lao động tự do, do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về biện pháp ATLĐ, nên lơ là, bất cẩn trong thi công xây dựng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà thầu thi công xây dựng, ghi nhận vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót của cả người sử dụng lao động lẫn các cấp quản lý trong việc thực hiện những quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Các vi phạm chủ yếu như: Chưa tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; chưa xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, các quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và hướng dẫn cho người lao động; chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng đã không được khai báo, thống kê đầy đủ theo quy định, thân nhân người bị TNLĐ thường thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để nhận chế độ “bồi thường một cục”, thay vì khai báo, làm thủ tục để được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do TNLĐ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành xây dựng cũng xem thường việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo ATLĐ trong thi công các công trình cao tầng, như thiếu biện pháp che chắn, lưới phòng hộ, dây treo an toàn, đặc biệt là thiếu tổ chức huấn luyện, đào tạo định kỳ bài bản về công tác ATLĐ cho người lao động.
Trong quy định pháp lý về ATLĐ, Bộ luật Lao động đã dành hẳn một chương (Chương IX) với 20 điều quy định về công tác ATLĐ cũng như các biện pháp về ATLĐ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong mối quan hệ sử dụng lao động. Nếu quy chụp cho nhận thức của người lao động thì không hoàn toàn đúng. “Chủ đầu tư cần phải thay đổi cả trong nhận thức lẫn thực tế. Một công trình nếu có hệ thống, quy trình lao động an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và có quy định chặt chẽ về an toàn lao động, chế tài xử phạt thì người lao động sẽ phải tuân thủ. Ngoài ra, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định rõ ràng, cụ thể về các biện pháp ATLĐ, cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác ATLĐ.
Thế nhưng vẫn chưa đủ chế tài hiệu quả cho tình trạng người sử dụng lao động, tức doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức vấn đề ATLĐ, thiếu các quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATLĐ. Theo thống kê mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động nhưng tình hình mất an toàn lao động ngày càng nóng bỏng. Các lao động trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi có tỷ lệ thương tích và bệnh nghề nghiệp cao hơn 40% so với những người lao động lớn tuổi. Nguyên nhân là do có lỗ hổng kiến thức về an toàn lao động. Để lấp được lỗ hổng này, cần đưa kiến thức về an toàn lao động vào giáo dục. Bà Valentine - đại diện dự án an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ thuộc ILO, khuyến cáo, Việt Nam nên lồng ghép an toàn sức khỏe nghề nghiệp vào giáo dục tại tất cả các cấp học đường hiện nay./.
Huyền Thu