Tại sao cha mẹ nên để con… thất bại?
(CLO) “Thất bại không xấu, thất bại là cách để con trưởng thành. Nếu cha mẹ không chấp nhận thất bại của con, không dạy con cách đối mặt thất bại thì tức là đang tước đi sự trưởng thành của con”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nói.
Khi cha mẹ sợ con mắc sai lầm, gặp thất bại
Kỳ vọng con thành công, suôn sẻ trong mọi việc là mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trên hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ, thất bại là điều luôn xảy ra dù ít hay nhiều. Do đó, việc cha mẹ để con mắc sai lầm, dạy con học cách vượt qua thất bại cũng quan trọng không kém việc khuyến khích con cố gắng để đạt được thành công.
Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), nhiều ông bố bà mẹ thường sợ con mắc sai lầm, gặp thất bại dẫn đến bao bọc con quá mức. Ngày con còn bé chập chững tập đi, bố mẹ thường “dọn đường” để con không bị vấp, hoặc nếu chẳng may con ngã thì liền đổ lỗi tại cái ghế, cái bàn… Con lớn hơn, gặp khó khăn gì là cha mẹ lại làm giúp, thậm chí vạch sẵn đường hướng học hành, sự nghiệp rồi áp đặt con phải nghe theo.
“Một đứa trẻ sẽ không thể biết đi nếu cha mẹ cứ sợ con ngã mà không cho con tập bước. Con sẽ không có khả năng lựa chọn, tự ra quyết định trước các ngã rẽ quan trọng của cuộc đời vì việc gì cũng đã có bố mẹ quyết thay, chọn hộ. Cha mẹ tước đi những trải nghiệm của con đồng nghĩa với việc tước đi sự trưởng thành của con”, cô Lanh nói.

Cha mẹ không nên trách móc, mắng mỏ khi con mắc sai lầm, gặp thất bại (Ảnh minh họa)
Bên cạnh những cha mẹ sợ con thất bại là những cha mẹ không cho phép con sai lầm, không chấp nhận thất bại của con. Điều này được thể hiện rõ ở những kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, thi đại học. Không ít cha mẹ đã trách móc, đổ lỗi, chì chiết khi con không đạt thành tích cao hoặc thi trượt. Cha mẹ đã quên mất một điều quan trọng rằng sai lầm, thất bại là cơ hội để con trưởng thành.
Nữ chuyên gia cho biết, chẳng có thành công nào không đi qua thất bại. Hầu hết thành tựu của cuộc đời là thất bại mang lại chứ không phải thành công.
Do đó, cha mẹ cần có tư duy đúng đắn trong việc dạy con về thất bại. Thất bại không xấu, trong hành trình lớn lên ai cũng phải trải qua khó khăn, mắc sai lầm và gặp thất bại. Những trải nghiệm tốt giúp chúng ta mạnh mẽ. Những trải nghiệm xấu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Thất bại là nguồn lực, bài học lớn lao để ta hoàn thiện bản thân. Cha mẹ để trẻ được thất bại, dạy trẻ về sự thất bại chính là hướng dẫn trẻ cách vượt qua khó khăn để vươn tới thành công.
Giúp con biến thất bại thành động lực
Theo cô Lanh, khi con mắc sai lầm hay gặp thất bại, cha mẹ cần giúp con rèn luyện bản lĩnh để đối mặt. Hãy phân tích cho con hiểu rằng các vấn đề sẽ luôn xuất hiện trong cuộc sống, bé thì có vấn đề bé, lớn thì có vấn đề lớn. Con không thể né tránh, sợ hãi hay đổ lỗi mà cần sẵn sàng đón nhận, học bài học từ vấn đề đó.

Theo cô Lanh, cha mẹ nên là chỗ dựa tinh thần, giúp con rèn luyện bản lĩnh để đối mặt thất bại, không từ bỏ mục tiêu. (Ảnh: VV)
Tình huống đã xảy ra rồi nên không thể thay đổi được. Điều duy nhất con có thể thay đổi chính là thái độ của bản thân về tình huống đó. Con chỉ nên tập trung 20% vào vấn đề, 80% còn lại cần tập trung vào giải pháp. Cần tìm ra những nguyên nhân đã khiến thất bại đó xảy ra, rồi tháo gỡ, khắc phục. Đồng thời, rút ra cho bản thân những bài học kinh nghiệm để lần sau làm mọi thứ tốt hơn, không lặp lại sai lầm cũ.
Tiếp đó, cha mẹ cần khuyến khích con nỗ lực theo đuổi mục tiêu. Cuộc đời này chỉ có hai cái sai, một là chưa bao giờ bắt đầu và hai là bỏ cuộc. Chỉ cần con không bỏ cuộc tức là con chỉ đang thử sai. Mỗn lần thất bại chỉ là một phần của hành trình, là một lần con phải “trả học phí” chứ không phải là điểm kết thúc. Hôm nay làm sai thì mai sẽ làm đúng. Hôm nay thất bại nhưng mai sau ắt sẽ có thành công nếu con kiên định với mục tiêu của mình.
Đồng thời, khi con đối mặt thất bại, cha mẹ cần là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con. Hiện nay, không ít bậc cha mẹ đánh mất vai trò này vì hay chỉ trích, áp đặt khiến con không coi cha mẹ là nơi an toàn, tin cậy để chia sẻ, hỏi ý kiến khi con mắc sai lầm, thất bại. Thay vào đó, con loay hoay tự giải quyết hoặc bế tắc nhưng không dám nói với cha mẹ. Nếu muốn thay đổi điều này, cha mẹ cần cảm thông, động viên khi con làm sai, cùng con tìm hướng giải quyết, tin tưởng con có thể vượt qua thất bại. Từ đó, con sẽ tìm về với cha mẹ để chia sẻ khi gặp khó khăn.
Cô Lanh nhấn mạnh, thành công của cha mẹ trong việc dạy con đối mặt, vượt qua thất bại không phải là con có ngay thành tựu mà là giúp con bình an khi mắc sai lầm, học được bài học từ thất bại và không bao giờ từ bỏ mục tiêu.