Tại sao đất đai màu mỡ đang biến thành sa mạc và liệu có thể phòng chống?
(CLO) Mỗi giây trôi qua, có một diện tích đất bằng bốn sân bóng đá bị biến thành sa mạc. Quy ra mỗi năm, có một vùng đất rộng lớn gần bằng Ethiopia trở nên khô cằn. Vậy liệu chúng ta có thể trồng lại rừng và cải tạo lại những vùng đất này để chúng trở nên xanh tươi trở lại không?
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Chống Sa mạc hóa (UNCCD), gần một nửa diện tích đất của hành tinh chúng ta đang đứng trước nguy cơ biến thành sa mạc không thể canh tác được.
Những vùng đất này đặc trưng bởi lượng mưa thấp, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp toàn cầu, hỗ trợ 45% sản lượng nông sản. Tuy nhiên, hạn hán và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến những vùng đất này ngày càng trở nên cằn cỗi.
Khoảng một phần ba dân số thế giới đang sinh sống tại các khu vực này, và tình trạng sa mạc hóa đang đe dọa đến an ninh lương thực, gia tăng nghèo đói và tình trạng di dời hàng loạt.
Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về sa mạc hóa (COP16) diễn ra tại Ả Rập Xê Út vào tháng 12 này đã đặt ra mục tiêu phục hồi 1,5 tỷ ha đất sa mạc hóa trên toàn cầu vào năm 2030. Đây là những khu vực mà Liên hợp quốc cho rằng có khả năng phục hồi.

Phủ xanh sa mạc Kubuqi ở phía bắc Trung Quốc là một phần của cuộc chiến chống lại tình trạng sa mạc hóa toàn cầu. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sa mạc hóa là gì?
Sa mạc hóa là một dạng suy thoái đất đai, trong đó đất đai màu mỡ mất đi phần lớn năng suất sinh học và kinh tế, dần trở thành sa mạc. Hiện nay, theo UNCCD, có tới 40% diện tích đất trên thế giới đã bị thoái hóa.
Trong khi biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, chăn thả quá mức, các hoạt động nông nghiệp không bền vững và đô thị hóa là những yếu tố chính gây ra sa mạc hóa, thì khiến cuộc khủng hoảng hạn hán toàn cầu đang làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Hạn hán và nắng nóng cực đoan gây ra tình trạng khan hiếm nước và dẫn đến suy thoái đất, mất mùa và thực vật.
Năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất từ trước đến nay, hạn hán có thể ảnh hưởng đến 75% dân số thế giới vào năm 2050, theo báo cáo của Liên hợp quốc.
Tình trạng khan hiếm nước làm trầm trọng thêm tác động của nạn phá rừng. Và ít cây hơn đồng nghĩa với ít rễ hơn để giữ đất, từ đó ngăn ngừa xói mòn.
Tác động của sa mạc hóa
Suy thoái đất nghiêm trọng và sa mạc hóa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ đối với môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người, theo một báo cáo của UNCCD năm 2024 cho biết.
Khi đất bị suy thoái, khả năng duy trì sự đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu và cung cấp nguồn nước sạch bị giảm sút nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái và sự sống trên Trái Đất.
Đất tốt là nền tảng cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn lương thực ổn định cho con người. Nhưng việc đất bị suy thoái bị suy thoái mỗi năm, sa mạc hóa tiếp diễn, đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mất đa dạng sinh học và nghèo đói.
Khi đó, người dân sẽ buộc phải di cư đến nơi khác để sinh sống. Điều này có thể dẫn đến xung đột và bất ổn xã hội. "Chính quần áo chúng ta mặc, thực phẩm chúng ta ăn là từ phần đất ngay dưới chân chúng ta và chúng chính là nền tảng của nền kinh tế mà chúng ta dựa vào," Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của UNCCD, lưu ý.
Giải pháp cho vấn đề sa mạc hóa
Susan Gardner, Giám đốc bộ phận hệ sinh thái của UNEP, cho biết: "Để chống lại sa mạc hóa, chúng ta cần tập trung vào việc khôi phục đất đai và chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường".

Cây cối đang được trồng ở Senegal tại Tây Phi để ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Ảnh: Reuters
Điều này đi đôi với việc bảo tồn "vùng phân thủy" lưu trữ nước. Ví dụ, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã và đang nỗ lực cải thiện khả năng phục hồi nước ở Mauritania và Niger ở Tây Phi bằng cách xây dựng những ao hồ nhỏ hình bán nguyệt để giữ nước mưa.
Nước được giữ lại trong các ao hồ sẽ thấm dần vào đất, giúp cải thiện độ ẩm của đất và tạo điều kiện cho cây trồng phát triển. Và chúng tương đối đơn giản và không đòi hỏi nhiều chi phí, vì vậy người dân địa phương có thể tự xây dựng được.
Nhưng những biện pháp quyết liệt hơn cũng đang được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của sa mạc hóa.
Vào năm 2007, các quốc gia ở khu vực Sahel của châu Phi đã quyết định ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc Sahara bằng cách nuôi trồng cây cối, đồng cỏ và thảm thực vật. Hàng tỷ cây xanh được trồng trên gần 8.000 km từ bờ biển Tây đến Đông Phi.
Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, mặc dù đã đạt được một phần năm mục tiêu phục hồi đất đai, tiến độ vẫn còn chậm do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, các sáng kiến mới đang thúc đẩy công cuộc xanh hóa 100 triệu ha đất bị thoái hóa ở châu Phi.
Một ví dụ đáng chú ý về các sáng kiến này là "Bức tường xanh vĩ đại" ở Trung Quốc và sa mạc Gobi của Mông Cổ. Sáng kiến này nhằm giảm thiểu tình trạng chăn thả quá mức, một yếu tố quan trọng trong việc gây ra sa mạc hóa và suy thoái đất.
Vào năm 2020, gần 80% đất đai của Mông Cổ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thoái hóa. Để đối phó với vấn đề này, Liên hợp quốc đã triển khai một sáng kiến nhằm chống lại sa mạc hóa thông qua việc quản lý đất đai bền vững, trong đó bao gồm việc bảo vệ gần 850.000 ha đất ở khu vực phía nam Gobi, tạo thành các hành lang đa dạng sinh học.
Hà Trang (theo Tân Hoa Xã, DW)