Thế giới 24h

Tại sao Israel lại giam giữ 10.000 người Palestine?

Ngọc Ánh (theo AJ, Middle East Eye) 19/04/2025 06:40

(CLO) Từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2025, số lượng tù nhân chính trị Palestine đã tăng gấp đôi, từ 5.250 lên gần 10.000.

Theo Tổ chức Tù nhân Palestine, kể từ khi xung đột Gaza bắt đầu, hơn 8.000 người Palestine đã bị Israel bắt giữ, chủ yếu ở Bờ Tây. Những vụ bắt người thường xảy ra trong các cuộc đột kích ban đêm vào nhà dân, trong các cuộc truy quét hoặc tại các chốt kiểm soát. Tính đến tháng 4 năm nay, số người Palestine bị Israel giam giữ đã gần mốc 10.000 – cao nhất trong nhiều năm.

Cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gazachỉ là phần nổi của tảng băng. Ẩn dưới đó là cơ chế giam giữ tùy tiện, kéo dài hàng chục năm, khiến người Palestine có thể bị bắt bất kỳ lúc nào – kể cả khi chưa phạm tội.

Điều đáng chú ý là phần lớn những người bị giam không phải vì bị kết tội cụ thể, mà vì Israel cho rằng họ có thể đe dọa an ninh. Israel sử dụng một cơ chế gọi là “giam giữ hành chính” – cho phép giam giữ người Palestine mà không cần đưa ra bằng chứng, không cần xét xử, và thậm chí không thông báo lý do cụ thể cho người bị giam.

Theo tổ chức Addameer, hiện có ít nhất 3.424 người Palestine đang bị giam theo diện này, trong đó có cả phụ nữ và trẻ vị thành niên. Giam giữ hành chính vốn là biện pháp từng được Anh sử dụng thời chiếm đóng Palestine trước 1948, và hiện được Israel duy trì với lý do an ninh.

untitled(4).png
Số lượng tù nhân chính trị Palestine đã tăng gấp đôi, từ 5.250 lên gần 10.000 người. Ảnh: Mondoweiss

Các nhóm nhân quyền và người Palestine coi đây là một dạng giam giữ độc đoán, vi phạm luật pháp quốc tế, vì người bị giam không có cơ hội tự bảo vệ, không biết bằng chứng buộc tội là gì. Tòa án quân sự của Israel có thể liên tục gia hạn thời gian giam giữ, biến việc “tạm giam” thành giam giữ vô thời hạn.

Bên cạnh đó, Israel cũng kết án hàng nghìn người Palestine với các cáo buộc liên quan đến “khủng bố”, bao gồm các hành vi như ném đá, tham gia biểu tình, đăng bài ủng hộ kháng chiến trên mạng xã hội, hoặc đơn giản là thuộc về một tổ chức bị Israel coi là bất hợp pháp, ví dụ như Hamas hay các nhóm chính trị khác.

Một ví dụ nổi bật là Israa Jaabis, phụ nữ 39 tuổi bị bỏng 60% sau khi xe của cô phát nổ gần trạm kiểm soát Israel năm 2015. Dù nhiều người tin rằng đó chỉ là tai nạn, Israel vẫn tuyên án cô 11 năm tù vì cáo buộc cố ý tấn công.

Trường hợp khác là của Ahmad Manasra, một cậu bé Palestine bị bắt khi chỉ mới 13 tuổi. Câu chuyện của Ahmad bắt đầu vào năm 2015, khi anh và người anh họ, Hassan, bị cáo buộc thực hiện một vụ tấn công gần khu định cư Israel ở Đông Jerusalem.

Hassan, khi đó mới 15 tuổi, đã bị bắn chết bởi một thường dân Israel. Ahmad thì bị một đám đông Israel đánh đập dã man và bị một chiếc xe cán qua người, khiến anh bị gãy xương sọ và chảy máu trong.

Thời điểm đó, theo luật của Israel, trẻ em dưới 14 tuổi không thể bị xử lý hình sự, nhưng Israel đã đợi đến khi Ahmad đủ 14 tuổi để tuyên án, và thay đổi luật để có thể xử lý trẻ em dưới độ tuổi này. Ahmad bị kết án 12 năm tù với tội danh cố ý giết người, dù nhiều người cho rằng anh chỉ là nạn nhân của tình huống bi thảm. Sau đó, bản án của Ahmad được giảm xuống còn 9,5 năm.

Các chuyên gia nói rằng việc Israel bắt giữ hàng loạt người Palestine là một công cụ chính trị, vừa để trấn áp tinh thần phản kháng, vừa để mặc cả trong các cuộc đàm phán. Trong đợt ngừng bắn tháng 11/2023, Israel đã thả hơn 200 tù nhân Palestine để đổi lấy khoảng 100 con tin Israel bị Hamas giam giữ.

Khi Israel tiếp tục chiến dịch bắt giữ, nhiều người Palestine tin rằng việc giam giữ hàng loạt không đơn thuần là hệ quả của sự chiếm đóng, mà là một công cụ kiểm soát được tính toán kỹ lưỡng. Với hàng nghìn người đang bị nhốt sau song sắt, khái niệm tự do trở nên mong manh và xa vời – y hệt như những thế hệ đi trước họ từng phải gánh chịu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tại sao Israel lại giam giữ 10.000 người Palestine?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO