Tại sao ô tô thời nay có ít mã lực hơn vào những năm 1970?
(CLO) Từ đỉnh cao 375 mã lực của Mustang Boss 429 đến thực tại bị giới hạn bởi luật khí thải và khủng hoảng dầu mỏ, ngành ô tô Mỹ buộc phải giảm sức mạnh để tồn tại.
Kỷ nguyên hoàng kim của dòng xe cơ bắp Mỹ (muscle cars) vào cuối thập niên 1960 được xem là một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất đối với những người đam mê ô tô tại xứ sở cờ hoa. Vào thời điểm đó, những cỗ máy mạnh mẽ như động cơ V8 455 inch khối của Oldsmobile hay Pontiac thống trị các cung đường.

Đặc biệt, phiên bản Ford Mustang Boss 429 năm 1969 gây ấn tượng với công suất 375 mã lực và mô-men xoắn 450 pound-feet. Những chiếc xe này không chỉ sở hữu sức mạnh vượt trội mà còn là biểu tượng của thời đại.
Tuy nhiên, lượng khí thải từ các động cơ này lại là một vấn đề lớn. Xăng thời đó chứa phụ gia chì để tăng chỉ số octane, giúp động cơ hoạt động ở tỷ số nén cao mà không bị kích nổ, qua đó mang lại công suất lớn.
Song, chì từ nhiên liệu cháy thải ra môi trường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, ung thư và đột quỵ.
Năm 1963, Đạo luật Không khí Sạch đầu tiên của Mỹ được thông qua, đặt nền móng cho việc kiểm soát ô nhiễm. Đ
ến năm 1965, đạo luật này được sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ ô tô. Đạo luật Chất lượng Không khí năm 1967 tiếp tục mở rộng vai trò của chính phủ liên bang trong việc giám sát, kiểm tra và thực thi các tiêu chuẩn môi trường.
Tuy nhiên, các quy định này chưa thực sự tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô. Đến năm 1970, Tổng thống Richard Nixon thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Quốc hội thông qua một phiên bản mạnh mẽ hơn của Đạo luật Không khí Sạch.
Những động thái này dẫn đến hàng loạt quy định mới, bao gồm lệnh cấm sử dụng xăng pha chì, thiết lập tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu trung bình (CAFE) và thay đổi cách tính công suất mã lực. Những yếu tố này đã làm giảm đáng kể sức mạnh của các dòng xe Mỹ.
Tác động của quy định khí thải
Mặc dù các đạo luật từ thập niên 1960 tập trung vào kiểm soát ô nhiễm không khí, nhưng phải đến những năm 1970, ngành công nghiệp ô tô mới thực sự chịu ảnh hưởng.
Từ năm 1975, tất cả xe bán tại Mỹ bắt buộc phải trang bị bộ chuyển đổi xúc tác, đánh dấu sự chấm dứt của xăng pha chì vì chì làm hỏng chất xúc tác, khiến bộ chuyển đổi trở nên vô dụng.
Nhiều động cơ cũ với thiết kế van lỗi thời phụ thuộc vào chỉ số octane cao từ xăng pha chì để duy trì tỷ số nén cao mà không bị kích nổ. Khi xăng pha chì bị cấm, các nhà sản xuất buộc phải giảm tỷ số nén, dẫn đến công suất đầu ra thấp hơn.
Ngoài ra, EPA cũng chú trọng giảm các chất gây ô nhiễm như hydrocarbon và hợp chất nitơ, buộc các nhà sản xuất phải cải tiến động cơ để tích hợp các công nghệ kiểm soát khí thải mới, chẳng hạn như bộ chuyển đổi xúc tác ba chiều. Những thay đổi này, dù giúp giảm khí thải độc hại, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công suất của động cơ.
Cùng với đó, từ năm 1972, cách tính công suất mã lực chuyển từ tổng (gross) sang thực (net). Công suất tổng không tính đến tổn hao từ các thiết bị phụ trợ như bơm nước, bộ tăng áp hay hệ thống xả.
Ngược lại, công suất thực phản ánh chính xác hơn sức mạnh thực tế của động cơ sau khi trừ đi các tổn hao này, dẫn đến con số thấp hơn. Ví dụ, động cơ V8 500 inch khối của Cadillac Eldorado chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, từ 365 mã lực tổng xuống còn 235 mã lực thực.
Khủng hoảng dầu mỏ và tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu
Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 là một đòn giáng mạnh khác vào các dòng xe cơ bắp Mỹ. Khi cuộc chiến Arab-Israel leo thang, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Mỹ do nước này ủng hộ Israel.
Hệ quả là tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng, khiến người dân phải xếp hàng dài tại các trạm xăng. Sự kiện này làm thay đổi thói quen tiêu dùng, khi nhiều người Mỹ bắt đầu ưu tiên các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu thay vì hiệu suất cao.
Đến năm 1975, tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu trung bình (CAFE) chính thức có hiệu lực, đặt ra mục tiêu cụ thể về mức tiêu thụ nhiên liệu cho các nhà sản xuất. Để đáp ứng, các hãng xe buộc phải phát triển động cơ dung tích nhỏ hơn, tiết kiệm hơn và giảm kích thước tổng thể của xe.
Kết quả là những mẫu xe cỡ lớn như Chevy Impala dần bị thay thế bởi các dòng xe ngoại nhập nhỏ gọn. Ngay cả trước khi người tiêu dùng chuyển hướng sang các mẫu xe nước ngoài, các nhà sản xuất Mỹ đã phải trang bị cho xe của mình các thiết bị kiểm soát khí thải, làm giảm đáng kể công suất.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, các kỹ sư ô tô đã dần thích nghi với các tiêu chuẩn mới. Ngày nay, nhiều mẫu xe hiện đại cho thấy cuộc đua mã lực đã trở lại mạnh mẽ, minh chứng cho khả năng cân bằng giữa hiệu suất và yêu cầu môi trường của ngành công nghiệp ô tô.