Nhà báo Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân Việt:

Tạm dừng nhưng cần song song với việc quyết liệt xử lý trang tin vi phạm

Thứ bảy, 11/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đồng tình với văn bản của Bộ Thông tin & Truyền thông về việc “tạm dừng” cấp phép các trang thông tin điện tử tổng hợp để chấn chỉnh, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Dân Việt cho rằng, động thái này là rất đúng trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện, ông nhấn mạnh, bên cạnh việc “tạm dừng” thì việc chấn chỉnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực này là rất quan trọng.

Nhà báo Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập báo điện tử Dân Việt.

Nhà báo Phan Huy Hà – Phó Tổng Biên tập báo điện tử Dân Việt.

Cơ quan báo chí cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

+ Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện về thông tin mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra một văn bản ký gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố, về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Công văn của Bộ TT&TT đưa ra 6 nhóm giải pháp cấp bách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhanh chóng và kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý, vì số lượng các trang thông tin điện tử tổng hợp của Việt Nam giờ quá nhiều. Nó đã nảy sinh nhiều bất cập đòi hỏi các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải có những hướng xử lý kịp thời. Thực tế là, nhiều trang thông tin điện tử này đang lạm dụng quá việc tổng hợp, thậm chí vi phạm tràn lan dẫn tới tình trạng loạn thông tin.

Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp đưa tất cả các loại thông tin của xã hội, từ chính trị xã hội, kinh tế, quốc tế, văn hóa văn nghệ, thể thao, an ninh quốc phòng, doanh nhân doanh nghiệp… đến cả tin bài chống tiêu cực. Đến mức bạn đọc bị “nhiễu”, không biết đâu là báo điện tử, đâu là trang thông tin điện tử tổng hợp. Vì nội dung thì như vậy, giao diện của các trang thông tin điện tử này cũng như báo điện tử.

Việc tạm dừng cấp phép thời điểm này là rất chuẩn. Nhưng quan trọng là sau khi tạm dừng cấp phép thì chúng ta lập lại trật tự ở mảng đó như thế nào. Tôi nói “chúng ta” ở đây là không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là chính các báo điện tử và bạn đọc. Bên cạnh việc cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm, thì các cơ quan báo chí cần phải mạnh mẽ hơn, lên tiếng rõ ràng, quyết liệt hơn nữa để chống việc các trang thông tin điện tử lấy lại tin bài của mình mà không được phép.

6 vấn đề được đưa ra trong văn bản tạm dừng của Bộ TT&TT cũng chỉ rõ việc tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có trụ sở hoạt động tại địa phương; xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các hành vi hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, nội dung trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi cung cấp thông tin có xu hướng giật gân, câu khách, vi phạm bản quyền và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ...

+ Như ông nói, vấn đề quan trọng chính là việc lập lại trật tự. Vậy đâu là chìa khóa để giải bài toán khó này, thưa  ông?

- Theo quan điểm cá nhân tôi, một là cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn. Mỗi ngày, cơ quan quản lý nhà nước về trang thông tin điện tử tổng hợp ở Trung ương và 63 cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương rà soát kiểm tra 1 trang trong phạm vi mình cấp phép. Khi phát hiện những sai phạm như 6 vấn đề mà công văn của Bộ TT&TT đã nêu trên, thì xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép, từ đó chẳng mấy mà trật tự được lập lại.

Hai là, các tác giả và các cơ quan báo chí cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác phẩm báo chí của mình. Báo chí cũng như các tác phẩm báo chí được Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ, ví dụ như Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, quy định rất rõ các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả. Khi mà các trang thông tin điện tử tổng hợp lấy lại các tác phẩm báo chí hoặc lấy lại những sản phẩm của các báo để đăng mà không được phép thì bản thân tác giả cũng như cơ quan báo chí có quyền yêu cầu họ dừng lại, yêu cầu không được lấy. Thậm chí, như lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí và trang tin điện tử tổng hợp của Bộ TT&TT thường nói: Các báo phát hiện các trang tin điện tử tổng hợp sai phạm trong lĩnh vực này cứ có văn bản, Bộ sẽ xử lý nghiêm.

+ Nhưng sự kiểm soát, theo sát việc vi phạm này dường như là không dễ, thưa ông?

- Đúng là không dễ. Trong những năm gần đây, các trang thông tin điện tử tổng hợp ra đời nhiều quá, theo thống kê chưa chính thức thì có khoảng hơn 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp trên toàn quốc. Các trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép lại từ cả Bộ Thông tin & Truyền thông và của Sở Thông tin -Truyền thông của 63 tỉnh, thành phố nên quản lý cũng khá khó khăn. Chưa kể, có hàng trăm báo điện tử, tạp chí điện tử.

Công tác phát hành báo và trang tin thời Internet đã thay đổi hoàn toàn. Khác với thời báo giấy trước đây, báo tạp chí ở địa phương thường chỉ đưa tin địa phương và phát hành qua bưu điện, qua đại lý phục vụ bạn đọc địa phương. Báo tạp chí của bộ ngành thì thường chỉ đưa tin bộ ngành, phát hành cũng qua bưu điện và đại lý phục vụ bạn đọc bộ ngành. Công tác phát hành bằng sức người, lấy báo, vận chuyển báo, bán báo đến tận tay từng độc giả. Nhưng báo mạng và trang tin mạng hiện nay thì khác hẳn, phát hành trên nền Internet tới bất cứ nơi đâu cả trong nước và quốc tế. Chỉ cần có máy tính, máy điện thoại có Wifi, 3G là bạn đọc có thể truy cập báo, trang tin điện tử. Như thế, bạn đọc sẽ được đọc tin tức trên hàng nghìn website. Khi đó tin tức không còn mang tính đặc thù địa phương, bộ ngành nữa, mà đều là tin tức tổng hợp các lĩnh vực, các vùng miền. Vì thế sự chọn lựa của bạn đọc là khó khăn, sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cũng khó khăn.

Tuy nhiên, Luật Báo chí 2016 đã quy định tương đối rõ thế nào là trang thông tin điện tử tổng hợp, thế nào là báo điện tử, thế nào là tạp chí điện tử. Trong luật cũng quy định rất chi tiết là trang thông tin điện tử tổng hợp trên cơ sở đăng dẫn truy cập tới nguồn tin của báo chí hoặc là trích dẫn nguyên văn nguồn tin của báo chí theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Thế nhưng trên thực tế, việc thực hiện như thế nào thì lại là một việc khác. Đã có nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp phi báo chí có mục đích cao nhất là vì lợi nhuận nên các website này thường chỉ coppy paste những thông tin mang tính giật gân, câu khách, các thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là fakes news, cắt xén nội dung trên các tờ báo chính thống, hoặc trên mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tăng doanh thu.

Chưa kể, một số trang tin điện tử tổng hợp không được phép xuất bản các tác phẩm báo chí nhưng vẫn nhập nhèm, tự ý xuất bản. Nhiều trang mạng xã hội cũng như các trang thông tin điện tử tổng hợp, trang tin điện tử cá nhân nhiều khi trích dẫn cũng không nêu rõ nguồn, dẫn đến thật giả lẫn lộn. Tình trạng này tác động tiêu cực đến độc giả là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và như ý bạn nói, việc kiểm soát vi phạm cũng không dễ nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ,  nhiều các cơ quan báo chí chưa thường xuyên quan tâm đặc biệt tới việc này cũng là một thực tế.

Báo chí chính thống đang có ưu thế trở lại

+ Tôi được biết, báo điện tử Dân Việt là một trong số ít tờ báo lên tiếng mạnh mẽ khi có văn bản không cho một trang tin điện tử tổng hợp khai thác lại tin, bài, ảnh, clip từ báo điện tử Dân Việt. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Gần đây, một số trang tin điện tử tổng hợp lấy quá nhiều thông tin của báo chí, trong đó có báo Dân Việt, thậm chí lấy rất lệch lạc, ví dụ chúng tôi đưa bức tranh tổng thể nhưng họ chỉ lấy một số tin, bài dẫn đến không đúng bản chất thông tin. Từ đó ban biên tập quyết định không cho họ lấy lại các tin, bài… Chúng tôi cũng có hợp tác với một số báo để có thể khai thác thông tin của nhau trên một số nguyên tắc, ví dụ như phải lấy nguyên bản tin chứ không được giật tít lại hay đảo thông tin và phải ghi rõ nguồn...

+ Thưa ông, sau khi văn bản đề nghị không lấy lại thông tin từ báo Dân Việt thì lượng bạn đọc của tờ báo có bị giảm đi không?

- Rất mừng là không hề bị giảm đi mà có xu hướng tăng lên. Bạn đọc bây giờ cũng rất tinh nên có ưu thế quay trở lại với báo chí chính thống nhiều hơn. Việc đầu tư một cách chất lượng vào các tác phẩm báo chí nghiêm túc, xác tín đã phần nào giúp tờ báo của chúng tôi đang đi lên. Dù rằng, khi mạng xã hội phát triển mạnh, các trang thông tin điện tử tổng hợp ra đời quá nhiều cũng làm báo điện tử Dân Việt có thời gian hụt hơi trong việc tìm bạn đọc. Mà một trong những yếu tố tác động là do những bất cập, do một số vi phạm, do sự thiếu trách nhiệm của các trang thông tin điện tử tổng hợp như nêu trên. Nhưng gần đây, tôi thấy báo chí chính thống đang có ưu thế trở lại, vì suy cho cùng, chỉ có báo chí chính thống mới có những tin tức chính thống, độ xác tín cao, mới làm các tác phẩm báo chí chất lượng, đàng hoàng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Đó cũng chính là cơ hội để chúng tôi giữ độc giả của mình.

+ Nhưng, không phải cơ quan nào cũng tìm ra lối đi trong bối cảnh nhiều khó khăn này nên vấn đề về hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn đang là chuyện “đau đầu” với các cơ quan báo chí, thưa ông?

- Có câu chuyện rất thật về sự cộng sinh giữa một số cơ quan báo chí và một số trang thông tin điện tử tổng hợp, để mang thông tin đến bạn đọc một cách rộng rãi hơn. Tôi được biết, theo thỏa thuận hợp tác của một số báo với  1 trang tin điện tử tổng hợp khá lớn, lượng view mà trang tin đó đem lại cho báo là trên bản máy tính để bàn (PC), còn lượng view trên bản điện thoại thì trang tin đó hưởng. Sau đó, càng ngày bạn đọc càng đọc nhiều mảng điện thoại, trong khi trang tin đó lại tiếp tục chỉ trả cho báo  một nửa view của bản PC. Như thế bất công quá. Cơ quan báo chí với bao nhiêu phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn ngày đêm săn tin, làm tin, sản xuất tin bài để phục vụ độc giả lại chỉ được trả 25% view.

Trang thông tin điện tử tổng hợp chiếm tới 75% lượng view từ tin bài của cơ quan báo chí, tức là mặc dù mình là cơ quan báo chí, mình sản xuất tin bài ra nhưng trang tin lại hưởng 75% thành quả. Từ đó họ hưởng quảng cáo, tin bài tuyên truyền, PR…

Qua quan sát, tôi thấy báo chí chính thống đang được bạn đọc yêu quý, tin tưởng và quay trở lại. Họ được đọc tin  thật, độ xác tín cao, hơn là nhiều tin giả tràn lan trên mạng. Họ được thưởng thức các tác phẩm báo chí chất lượng, nhân văn, có tính xây dựng, tính giáo dục hướng tới chân thiện mỹ từ báo chí chính thống nhiều hơn. Vậy nên báo chí chính thống cũng cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn với các trang thông tin điện tử tổng hợp. Khi không còn nguồn tin của các cơ quan báo chí chính thống thì các trang tin điện tử tổng hợp cũng tự “chết” hoặc sẽ quay về với đúng chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích mà họ được cấp phép. Lúc đó, công việc của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều và họ có điều kiện để mạnh tay hơn, quyết liệt hơn trong  xử lý vi phạm.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo