Tấm gương sáng - nhà báo Phan Quang

Thứ năm, 13/09/2018 11:21 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dù không được tiếp xúc và làm việc nhiều với nhà báo lão thành Phan Quang nhưng tôi lại thường tìm đọc những cuốn sách của ông, đọc những bài viết của ông như một cách “tiếp lửa” nghề nghiệp, coi đó là động lực để đổi mới hơn, đam mê hơn... Bởi hơn hết, ở nhà báo Phan Quang hội tụ đầy đủ sự lao động nghiêm túc, sức làm việc đáng nể và đạo đức nghề nghiệp đáng trân trọng. Cuốn sách “90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” là bức chân dung lớn, một tấm gương sáng về nghề.

Sức sáng tạo thanh xuân

Tôi thích cách dùng từ “sức sáng tạo thanh xuân” của nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khi nói đến cây bút Phan Quang. “Phan Quang là cây đại thụ trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam, cây bút mà tất cả thế hệ nhất là thế hệ trẻ chúng tôi mỗi lần đọc các tác phẩm của ông đều học được trước hết là về đạo đức nghề nghiệp, sau đó là sự sáng tạo. Bây giờ ông đã 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề rồi nhưng mà sức sáng tạo thanh xuân trong ngòi bút của ông dường như không bao giờ cạn...” – nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Thật vậy, nhà báo Phan Quang làm báo và viết văn từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp với nhiều tác phẩm báo chí thấm đẫm hơi thở cuộc sống và thời cuộc, đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Những năm tháng xưa, nhà văn Ngô Thảo - người bạn cùng quê đã từng gọi Phan Quang là con dao pha, tổ chức cần việc gì giao ông việc ấy, báo chí cần thể loại nào ông viết thể loại ấy... Thậm chí sau khi về hưu, nhà báo Phan Quang vẫn miệt mài viết lách. Vài chục năm nay, năm nào ông cũng xuất bản đều đặn mỗi năm ba bốn cuốn sách, ông vẫn viết báo, vẫn tham gia nhiều sự kiện chính trị - văn hóa, báo chí của đất nước... Phan Quang có một khối lượng sách báo, văn chương khổng lồ, ít ai sánh được. Ông thử sức qua mọi loại bài vở của các thể tài, thể loại báo chí, văn học lớn nhỏ, từ xã luận, chuyên luận, tiểu luận, bình luận, phóng sự, điều tra, tùy bút, bút ký, hồi ký, chân dung, khảo luận… đến dịch thuật.

Báo Công luận
Nhà báo Phan Quang trong buổi ra mắt cuốn sách Tuyển tập "Phan Quang - 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề". 
Cảm nhận được chất tươi mới, sự trẻ trung trong cuộc đời lao động sáng tạo của nhà báo Phan Quang, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã chia sẻ: “Tuổi thượng thọ 90, nhà báo, nhà văn Phan Quang vẫn minh mẫn, thông tuệ, bút lực dồi dào. Ông vẫn đi – dù hạn chế hơn trước, vẫn đọc - nghĩ và viết. Trước khi là một chính khách tên tuổi, Phan Quang có những năm Đọc - Đi – Nghĩ – Viết, kiến thức uyên bác, quan hệ xã hội sâu rộng. Khi còn trẻ giữ nhiều trọng trách, những bước chân xâm nhập cuộc sống và ngòi bút của Phan Quang không ngơi nghỉ. Khi tuổi đã cao, 80, 85, 90, ngòi bút của ông càng thông tuệ, các trang viết vẫn tuôn chảy”.  

Có thể nói, viết báo từ năm 20 tuổi, đến nay ở độ tuổi 90, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức. Các tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày trong suốt cả cuộc đời làm báo ở báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội… Thậm chí đến bản thân nhà báo Phan Quang khi tâm sự về cuộc đời và sự nghiệp, ông cũng giật mình: “Nhìn lại tôi thấy cả đời mình chuyên làm báo hằng ngày: hơn 6 năm báo Cứu quốc, hơn 28 năm báo Nhân Dân, 9 năm Đài Tiếng nói Việt Nam - gần nửa thế kỷ trõm mắt viết bài, đọc tin…, còn các công việc khác phần lớn kiêm nhiệm. Mải mê với công việc, đến hồi cầm Quyết định nghỉ hưu, tôi giật mình nhìn dòng chữ rành rành trên Sổ bảo hiểm xã hội: “Thời hạn công tác: 57 năm 8 tháng”!”

 

Tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp

Buổi ra mắt tuyển tập “Phan Quang - 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề” rất ý nghĩa đối với một người đã gắn bó cả đời với nghề viết. Cuốn sách này là sự tập hợp, chọn lọc kỳ công 99 tác phẩm viết về nhà báo Phan Quang, cho thấy, các thế hệ làm báo nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, dường như chưa lúc nào ông ngơi nghỉ việc đi, đọc, viết. GS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – người biên soạn cuốn sách chia sẻ: “Những bài báo, bài văn, tác phẩm dịch thuật của ông đã được chưng cất từ lòng yêu nghề cháy bỏng, sự khát khao cống hiến, ý thức trách nhiệm sâu sắc của trái tim luôn bồi hồi nhịp đập trước cuộc đời, trước đất nước, trước nhân dân”. Một con người đã để nghề báo ngập lụt cuộc đời mìnhthực sự đã có một đời sống nghề nghiệp sôi nổi, đáng tự hào.

Điều đặc biệt hơn cả không chỉ là những tác phẩm ông để lại mà như Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Nhà báo Phan Quang khi là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra quy ước đạo đức nghề nghiệp, bây giờ đã phát triển thành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Và tấm gương lao động sáng tạo của ông thật sự là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đáng quý hơn, cả cuộc đời hoạt động sôi nổi và đầy khí chất, nhà báo Phan Quang đã cống hiến cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam bằng cả niềm khát vọng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và lòng say mê.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà đạo đức của người làm báo đang xuống cấp, tôi lại nhớ những điều nhà báo Phan Quang từng dạy: Ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Chúng ta vì nước, vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi vì danh - đơn giản có thế thôi. Đó là căn cốt. Mọi sự còn lại đều thuộc phạm vi hành nghề. Bác Hồ dạy: Bắt đầu viết bài, nhà báo hãy tự trả lời, bài này ta “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?” rồi mới đến “Viết như thế nào?”, hay nói theo lối nói ngày nay, báo chí cần làm sao cho “Đúng, trúng, nhanh, hay”. Lời dạy của Bác Hồ hay 4 từ đúc kết phản ánh thực chất đạo đức nghề báo. Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức. Hơn hết, nhà báo lão thành Phan Quang đã làm nghề như những gì ông nói và quan niệm. Và ông xứng đáng là một phong cách, nhân cách sáng ngời về sức lao động và đạo đức người làm báo.

Nếu còn điều gì trăn trở? Có lẽ là những ghi nhận thiết thực hơn với sự đóng góp của nhà báo Phan Quang. Tôi rất mừng khi đồng chí Hồ Quang Lợi cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam đang xem xét, tập hợp ý kiến để có hình thức vinh danh những cống hiến của các nhà báo lão thành trong đó có nhà báo Phan Quang cho nền báo chí cách mạng Việt Nam...

Hà Vân

CÒN ẮP SỨC XUÂN

(Kính tặng Nhà báo, nhà văn Phan Quang vào tuổi 90)

 

Trước mặt tôi

Hàng ngàn trang sách

Chắt ra từ vạn vạn trang đời

Của chín mươi năm cuộc người

70 năm đời bút!

 

Có những từ

Như một bông hoa lạ

Có những trang làm ta ứa lệ

Cồn cào thương nhớ đầy vơi…

 

Đất quê anh đá sỏi

Nắng lửa rèn nung

Đồi sim không đủ quả([1])

Cùng rau, cháo cầm hơi!

 

Anh qua khu 4, khu 3, rồi Việt Bắc

Cùng dân tộc đồng hành thời kháng Pháp

Nghề văn, nghiệp báo đâu ngờ

Gắn cuộc đời ta từ đó!

 

Non sông liền giải

Từ Lạng Sơn

đến Cà Mau đất Mũi

Những trang phóng sự

Thổi mát lòng người

Sinh nở mùa vàng tươi mới!

 

Thế giới có Việt Nam

Qua trang viết PHAN QUANG

Ta tiếp nhận tinh hoa nhân loại

Qua dịch thuật PHAN QUANG

Người tiếp lửa nhịp cầu Hữu nghị!

 

Vượt xa “Cổ lai hi”

Cửu thập niên trường

Trí tuệ dồi dào

Tuôn trào bút lực

Tằm nhả tơ

Sáng óng từng con chữ!

 

Ấm nóng

Tình đời, Tình bạn…

Nguyễn Hồng Vinh 

Hà Nội, 7/9/2018

 

 

 [1] Ý thơ Chế Lan Viên



 


Tin khác

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo
Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo