Tam Nông (Phú Thọ): Hàng loạt thành viên Hợp tác xã Lam Sơn hoạt động trang trại trái phép trên đất nông nghiệp
(CLO) Nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô lớn được xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Lam Sơn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng đã xây dựng và hoạt động dưới danh nghĩa Hợp tác xã chăn nuôi gà trong khoảng thời gian dài, không bị xử lý.
Cụ thể, tại địa chỉ khu 12 và khu 13 xã Lam Sơn, nhiều diện tích đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm đã bị san hạ, làm mặt bằng để xây dựng nhiều hạng mục công trình kiên cố phục vụ mục đích làm trang trại chăn nuôi với quy mô “khủng”.

Nhiều trang trại tại xã Lam Sơn được xây dựng trên đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo và Công luận, tại khu 12 xã Lam Sơn, với diện tích gần 2 héc-ta đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm, hộ gia đình ông Nông Văn Tuyến đã xây dựng hệ thống 6 chuồng bằng gạch lợp mái tôn, diện tích từ 200m2 đến 500m2 để phục vụ mục đích làm trang trại chăn nuôi.

Hệ thống trang trại của hộ gia đình ông Nông Văn Tuyến tại xã Lam Sơn.
Ông Tuyến cho biết, hộ nhà ông là thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn, toàn bộ trang trại được xây dựng trên đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm được gia đình ông mua lại của các hộ dân khác, việc xây dựng và hoạt động trang trại đã diễn ra cách đây hơn 3 năm trước.
Cách trang trại của ông Tuyến khoảng vài trăm mét, nằm trong diện tích hơn 1 héc-ta đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm được hộ gia đình ông Nông Văn Quyền xây dựng 4 chuồng bằng gạch lợp mái tôn, mỗi chuồng có diện tích khoảng 150m2.

Trang trại của hộ gia đình ông Nông Văn Quyền tại khu 12 xã Lam Sơn.
Theo ông Quyền, chủ trang trại chăn nuôi cho biết, toàn bộ khu trang trại của ông được xây dựng trên đất rừng sản xuất, do trồng cây không đảm bảo về hiệu quả kinh tế, nên gia đình ông đã chuyển sang xây dựng trang trại được hơn 1 năm nay, hoạt động theo mô hình là thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn.
Tại khu 13 xã Lam Sơn cũng xuất hiện nhiều trang trại khác được xây dựng trên đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm. Đáng chú ý là 3 chuồng xây bằng gạch lợp tôn có diện tích mỗi chuồng khoảng 500m2 của hộ gia đình anh Phan Thanh Tùng.

Trang trại chăn nuôi của hộ gia đình anh Phan Thanh Tùng khu 13 xã Lam Sơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình anh Tùng cũng là thành viên của Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn, đã xây dựng và hoạt động mô hình trang trại được hơn 3 năm nay trên diện tích khoảng 1 héc-ta đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm. Đất của gia đình anh Tùng đang nằm trong diện xin quy hoạch chuyển đổi từ đất trồng rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác.
Ông Phùng Cao Sơn, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn cho biết, dựa trên hiện trạng có sẵn của các trang trại mà Hợp tác xã xin đưa vào quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp khác. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở bước quy hoạch, do cuối năm nhiều việc bận nên người dân chưa có thời gian làm thủ tục chuyển đổi.

Trụ sở Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn thuộc xã Lam Sơn, huyện Tam Nông.
Trao đổi với báo Nhà báo và Công luận, ông Đặng Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn xác nhận, toàn bộ các trang trại chăn nuôi thuộc khu 12 và 13 đều nằm trên đất rừng sản xuất và đất trồng cây hàng năm. Mới đây xã đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà để quy tụ các hộ chăn nuôi thành khu chăn nuôi tập trung. Vừa rồi, Hợp tác xã chăn nuôi gà Lam Sơn cũng đã làm thủ tục xin quy hoạch chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác để phù hợp với hoạt động làm trang trại của các hộ dân.
Trước sự việc trên dư luận đang băn khoăn: Trong một thời gian dài lần lượt xuất hiện rất nhiều những công trình mái tôn được xây dựng làm trang trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp. Liệu rằng lãnh đạo UBND xã Lam Sơn, lãnh đạo phòng, ban huyện Tam Nông đã thực hiện đầy đủ vai trò, chức trách, nhiệm vụ trong việc tham mưu, giúp Chủ tịch UBND huyện Tam Nông xử lý quyết liệt những vi phạm về đất đai?
Đặc biệt, thay vì xử lí những công trình vi phạm đã tồn tại, các cấp chính quyền địa phương lại đồng ý đưa vào quy hoạch cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phù hợp với hiện trạng, việc này có đang hợp thức hóa cho các sai phạm?
Để tránh xảy ra tiền lệ xấu ở các địa phương xây dựng sai rồi xin quy hoạch cho đúng, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ cần thanh tra, kiểm tra xử lí nghiêm các vi phạm về quản lí đất đai (nếu có). Đồng thời rà soát lại quy trình phân bổ quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương tránh việc hợp thức hóa cho các sai phạm (nếu có).
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.