Tận dụng thời điểm vàng cứu sống người đàn ông bị ngừng tim
(CLO) Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau đó xuất hiện rung thất, ngừng tim, ngay lập tức, quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao được triển khai và đã cứu sống được người bệnh.
Cụ thể, cách đây 3 ngày, ông L.V.H (62 tuổi, Quảng Ninh) có biểu hiện đau ngực trái nhưng cho là bình thường nên không đi khám. Khi cơn đau không đỡ và đau dồn dập hơn, mức độ đau nặng hơn, vã mồ hôi, sáng 3/6 ông mới tới Bệnh viện 19-8 thăm khám.
Kết quả điện tim cho thấy ông H bị nhồi máu cơ tim cấp và ngay lập tức ông được nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch nhanh chóng hội chẩn và quyết định can thiệp mạch vành khẩn cấp. Ông H bị bệnh gout nhiều năm, nghiện thuốc lá 30 năm nay, 2 ngày hút hết 1 bao thuốc lá, huyết áp không được kiểm soát tốt.

Trong lúc chụp mạch vành bệnh nhân bất ngờ xuất hiện rung thất, ngừng tim, ngay lập tức, quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao được triển khai, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Sau đó, ê-kíp tiếp tục can thiệp, tiến hành tái thông động mạch vành phải và đặt 2 stent phủ thuốc nhằm khôi phục lưu lượng máu nuôi tim.
Theo các bác sĩ, trường hợp này may mắn bệnh nhân đã đến viện kịp thời, nếu chần chừ tới khám muộn bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về Khoa Điều trị tích cực và Chống độc trong tình trạng hôn mê, phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, trợ tim, chống loạn nhịp và chống đông. Sau 24h điều trị tích cực, ông H tỉnh táo trở lại, giảm dần được liều thuốc vận mạch, các chỉ số sinh tồn ổn định.
ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc cho biết, trường hợp này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện sớm nhồi máu cơ tim cấp, can thiệp kịp thời và hồi sức tích cực. Đây là minh chứng sống động cho sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa trong xử trí bệnh lý tim mạch nguy kịch, mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân dù tiên lượng ban đầu rất nặng.