Môi trường

Tăng cường giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Phúc Ân 07/07/2025 19:57

(CLO) Từ ngày 11/8/2025, giám định tư pháp sẽ được triển khai trên 21 lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và môi trường theo quy định tại Thông tư số 29/2025/TT-BNNMT do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành.

Trong bối cảnh số lượng tranh chấp, vi phạm pháp luật liên quan đến nông nghiệp và môi trường có xu hướng gia tăng, hoạt động giám định tư pháp giữ vai trò then chốt trong việc cung cấp căn cứ chuyên môn, khoa học phục vụ điều tra, truy tố và xét xử. Việc quy định rõ ràng các lĩnh vực, trình tự, thời hạn, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan là điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch trong quá trình giám định.

Theo Điều 3 Thông tư 29/2025/TT-BNNMT quy định các lĩnh vực giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường gồm: Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Chăn nuôi và thú y; Lâm nghiệp; Diêm nghiệp; Thủy sản; Thủy lợi; Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai; An toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; Quản lý chất lượng đối với giống cây trồng, gia súc, gia cầm, vật nuôi, dụng cụ, thiết bị, vật tư, sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Bảo quản, chế biến, vận chuyển nông, lâm, thủy sản; Đất đai; Tài nguyên nước; Địa chất và khoáng sản; Môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Khí tượng thuỷ văn; Biến đổi khí hậu; Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý; Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Viễn thám; Quản lý đầu tư, đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

z6781052020537_f0aba503b631f53ae2a47c03b12334a8.jpg
21 lĩnh vực giám định tư pháp trong nông nghiệp và môi trường. Ảnh minh họa

Về thời hạn giám định trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, thông tư quy định tối đa là 03 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Trường hợp vụ việc giám định tư pháp có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn nhưng không quá một phần hai thời hạn tối đa nêu trên, do cơ quan trưng cầu giám định tư pháp quyết định bằng văn bản theo đề nghị của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp.

Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở xác định việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định tư pháp.

Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức giám định tư pháp nhận được quyết định trưng cầu giám định tư pháp và nhận được đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định tư pháp.

Trường hợp cần phải bổ sung hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan, người đã trưng cầu giám định tư pháp bổ sung hồ sơ, tài liệu; thời gian từ khi có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định tư pháp.

Việc tổ chức, triển khai giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường không chỉ là yêu cầu về chuyên môn mà còn là trách nhiệm pháp lý quan trọng nhằm hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý các vụ việc phức tạp. Việc quy định cụ thể trình tự, nội dung, trách nhiệm từng bên giúp bảo đảm tính minh bạch, khách quan, chính xác, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trong bối cảnh mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO