Tin tức

Tăng cường giám sát và phải làm rõ ràng trách nhiệm trong các vụ ‘hàng giả’

Nguyễn Hường 17/05/2025 18:48

(CLO) Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm mới bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, phải tăng cường cơ chế giám sát, phân định rất rõ trách nhiệm của bộ, ngành nào hay địa phương, xuất phát từ khâu nào… để kiểm soát tình trạng thực phẩm giả đang gây bức xúc dư luận.

+ Thưa Đại biểu Quốc hội, vừa qua, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả, gây xôn xao dư luận. Trước đó, cũng đã có nhiều phản ánh và nhiều vụ việc về thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc bị phát hiện, xử lý, nhưng theo ông, vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn?

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết cần nhìn thẳng vào công tác quản lý còn yếu kém.

Chúng ta có đội ngũ quản lý thị trường hùng hậu, ở địa phương còn có cả sở chuyên về quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm. Nhưng khi xảy ra vụ việc rồi mới đi kiểm tra, xác minh hay khi báo chí, mạng xã hội đăng lên mới vào cuộc kiểm tra. Như vậy, công tác quản lý có vấn đề!

Các vụ việc vừa qua cho thấy cách thức, hình thức làm giả, mức độ của các đối tượng làm giả ngày càng phức tạp, tinh vi, với khối lượng, số lượng ngày càng lớn, đơn cử như vụ sữa giả vừa được phát hiện vừa qua.

24.jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An.

Ngoài nguyên nhân từ buông lỏng quản lý, còn có nguyên nhân từ nhận thức của người dân về các sản phẩm giả, kém chất lượng chưa cao, có khi biết là hại đấy nhưng vẫn sử dụng vì chưa thấy tác động ngay.

Một điểm yếu khác dẫn đến tình trạng này là sự phối hợp giữa các lực lượng. Khi phát hiện vấn đề, cơ quan công an không thể đủ lực lượng để đi quản lý, theo dõi mà cần có sự phối hợp liên ngành, các đơn vị để xử lý nhanh, ngay. Phải xử lý từ sớm.

Và một vấn đề nữa cần nhìn nhận thẳng thắn là sự suy thoái, biến chất đạo đức của một bộ phận đội ngũ làm công tác quản lý. Qua việc một số cán bộ bị bắt với hành vi nhận hối lộ, buông lỏng kiểm tra thì đây là nguyên nhân trực tiếp.

+ Theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào để kiểm soát tốt hơn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân?

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An: Chúng ta có đủ công cụ về pháp luật, tại sao để xảy ra chuyện như vậy? Đây là vấn đề cần tập trung đánh giá, nhất là trong kỳ họp này, chúng ta nói nhiều đến phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhưng điều các Đại biểu Quốc hội quan tâm là khả năng giám sát.

Hiện nay, đang thiếu cơ chế giám sát, nhất là đội ngũ quản lý trực tiếp. Phải rõ ràng trách nhiệm, chứ không phải đổ lỗi cho nhau.

Các vụ sữa, thực phẩm chức năng giả, lòng xe điếu vừa qua… chỉ là “tảng băng nổi”. Còn rất nhiều vụ việc nữa liên quan tới an toàn thực phẩm, sức khoẻ người tiêu dùng.

Tôi cho rằng, khâu giám sát và trách nhiệm của đội ngũ làm công tác quản lý cần phải siết lại, vừa qua mới xử lý một bộ phận, mở rộng ra sẽ còn phải đánh giá thêm. Từ đó, xử lý triệt để, nhất là đội ngũ quản lý nhưng lại vi phạm. Nếu xảy ra vấn đề, sai phạm ở lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó phải chịu trách nhiệm.

Không có chuyện bao che, bao biện rằng chúng tôi không có đủ điều kiện, thời gian, con người hay nguồn lực để làm. Xảy ra vấn đề mất an toàn thực phẩm, đánh giá vấn đề nằm ở khâu nào? Ở khâu quản lý, cấp phép hay khâu sản xuất? Ở lĩnh vực nông nghiệp, y tế hay lĩnh vực nào? Trước pháp luật thì phải rất rõ ràng.

Trong vấn đề an toàn thực phẩm, có rất nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý. Do đó, phải rõ ràng trách nhiệm chứ không phải đổ lỗi cho nhau, không rõ trách nhiệm.

Với hàng loạt vụ việc vừa qua liên quan đến an toàn thực phẩm, không chỉ Bộ Y tế, còn có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và trách nhiệm địa phương…

Do đó, chúng ta phải phân định rất rõ trách nhiệm này, xuất phát từ khâu nào, bởi khi xác định trách nhiệm pháp lý (kể cả hình sự, hành chính, dân sự, kỷ luật) đều phải làm rõ những yếu tố cấu thành từ chủ quan và khách quan.

Đối với việc xử lý của các bộ, ngành, khi cán bộ xảy ra sai phạm thì phải kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm.

Đây là bài học để người đứng đầu bộ, ngành phải siết lại, nhất là các bộ ngành liên quan đến người dân, xã hội, lúc nào cũng phải cẩn trọng trong quản lý, điều hành!

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường giám sát và phải làm rõ ràng trách nhiệm trong các vụ ‘hàng giả’
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO