Tăng cường kiểm tra, rà soát để tạo chuyển biến mạnh mẽ từ Thành phố tới cơ sở
(CLO) Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, giai đoạn 2021-2025" tổ chức hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2022.
Ngày 2/8, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, giai đoạn 2021-2025" tổ chức hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2022. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Ban chỉ đạo Chương trình đã kịp thời ban hành kế hoạch về tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm công tác chỉ đạo năm 2022 làm cơ sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện chương trình trong năm 2022; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo Chương trình đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện các chỉ tiêu về hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa; cải tạo chỉnh trang hè, đường phố, thoát nước đô thị,...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong báo cáo tại Hội nghị.
Đến nay, một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình như: Chương trình phát triển nhà ở; Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông. Một số chỉ tiêu đã có chuyển biến tích cực so với 3 tháng đầu năm 2022 như: Tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, quận huyện, thị xã, thời gian qua, đã đẩy nhanh triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời, đề nghị thành viên Ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tạo chuyển biến mạnh mẽ, lan toả các hoạt động từ Thành phố tới cơ sở.
Về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng (cơ quan thường trực) phối hợp với các sở, ngành xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu chuẩn; trên cơ sở nội dung, phần việc các quận, huyện, thị xã đăng ký xây dựng bảng kế hoạch, tiến độ cụ thể để thực hiện trên tinh thần thống nhất cao, đồng thuận giữa các đơn vị.

Quang cảnh Hội nghị.
Đồng thời, cần phân loại các chỉ tiêu, tham mưu cụ thể hoá từng phần việc, lĩnh vực, đặc biệt là những việc khó thực hiện như: vận tải hành khách công cộng; nước thải đô thị... “Việc này yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo cần thực sự sâu sát, tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện của từng đơn vị” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng - cơ quan thường trực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu Ban chỉ đạo để hoàn thiện các cơ chế chính sách trong năm 2022, làm cơ sở triển khai trong các năm tiếp theo. Đối với các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo, có cách làm khoa học, tuỳ theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu của chương trình.
Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển.
Mục tiêu của chương trình là phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; Nâng cao chất lượng hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.
Thành phố ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc,cảnh quan đặc sắc mang đặc trưng của Thủ đô; Bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển của đô thị.
Chương trình cũng đặt ra 5 mục tiêu cụ thể. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm; Cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ góp phần xây dựng cảnh quan thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; Tăng cường mối liên kết vùng, tạo động lực phát triển tỏng vùng Thủ đô...
Phát triển đô thị xanh, bền vững; Phát triển thành phố thông minh, hiện đại, đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng xã hội tại 5 huyện sẽ phát triển thành quận, đô thị vệ tinh; Xây dựng đô thị, khu nhà ở theo hướng xanh, hiện đại, bền vững, bảo đảm hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn...
Chương trình đưa ra 19 chỉ tiêu, trong đó đáng lưu ý hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện Hoài Đức, Đông anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng;
Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP; Triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; Triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ... Diện tích nhà ở bình quân/người toàn TP đạt từ 27,6-29,5m2/người. Tổng số căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25.000 căn hộ.