Tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo

29/05/2024 10:20

(CLO) "Kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo" - đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa

Sáng 29/5, phát biểu trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Qua đó, có thể thấy, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại; kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định trong khi thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.

tang cuong phan cap phan quyen de cac dia phuong phat huy tinh chu dong sang tao hinh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu sáng ngày 29/5.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát.

Trước tình hình thế giới biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19, do đó Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo.

Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

tang cuong phan cap phan quyen de cac dia phuong phat huy tinh chu dong sang tao hinh 2

Các Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 29/5.

Cũng theo Đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN.

Huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhìn nhận, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được đó, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 còn một số hạn chế, tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

tang cuong phan cap phan quyen de cac dia phuong phat huy tinh chu dong sang tao hinh 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) phát biểu.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp:

Thứ nhất, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Thứ hai, tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO