Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi

30/11/2022 17:57

(CLO) Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ...

Ngày 30/11/2022, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 364/TB-VPCP kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với các địa phương.

tang cuong trien khai phong chong cac dich benh luu hanh benh moi noi hinh 1

Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, tại Thông báo kết luận này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch; đánh giá miễn dịch cộng đồng trong tháng 1 năm 2023;

Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ;...

Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, nhất là các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia; chủ động điều phối không để thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng cục bộ ở một số địa phương như đã xảy ra thời gian qua; Chú trọng phát triển công nghiệp dược trong nước;

Khẩn trương rà soát, đề xuất kế hoạch sử dụng số kinh phí chưa phân bổ từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương: Tiếp tục rà soát, đánh giá, giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã mua cho phòng, chống dịch COVID-19 còn tồn đọng, chưa sử dụng hết;

Đẩy mạnh hơn nữa kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

Chú trọng theo dõi, bám sát, nghiên cứu thực tiễn để tổng kết kinh nghiệm, đề ra chính sách nhanh, phản ứng chính sách kịp thời theo tình hình thực tế.

Một nội dung đáng chú ý khác, về công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch, kết quả phòng, chống dịch; tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông, nhất là về truyền thông chính sách; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông;

Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc tiêm vắc xin, trong đó tập trung thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa nhiễm bệnh, diễn biến nặng, tử vong; thông báo, công khai tiến độ tiêm vắc xin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động tham gia các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn, địa phương chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan báo chí, truyền thông để việc truyền thông bảo đảm chính xác, thống nhất, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, định hướng; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai công tác thông tin truyền thông trên cơ sở khoa học, thực tiễn, thống nhất theo định hướng chung; tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO