Tin tức

Tăng lương tối thiểu: Cần thiết để đảm bảo đời sống người lao động

Thiên An (thực hiện) 24/07/2025 16:22

(CLO) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong thời điểm hiện nay là cần thiết.

Bộ Nội vụ vừa có tờ trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó, từ ngày 1/1/2026, mức lương tối thiểu theo vùng dự kiến tăng bình quân 7,2% so với hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc tăng lương thì còn phải bảo vệ quyền lợi của người lao động - khi doanh nghiệp thực hiện tăng lương tối thiểu, không được cắt giảm phụ cấp và chế độ khác của người lao động.

+ Thưa ông, theo Bộ Nội vụ, cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 74 (năm 2024). Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc cập nhật địa bàn áp dụng lương tối thiểu cần theo sát tình hình thực tế sau sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện chính quyền hai cấp từ 1/7/2025. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi: Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/1/2026 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, lương tối thiểu được xác định nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, với mức hiện hành, đến hết năm 2026 dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 6,6% so với chuẩn mức sống tối thiểu, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 3,7%/năm trong hai năm tới. Nếu không điều chỉnh, người lao động sẽ bị thiệt thòi.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô và thị trường lao động đang ổn định, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% và mục tiêu cả năm là trên 8%. Doanh nghiệp phục hồi, sản xuất kinh doanh thuận lợi, năng suất lao động cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng lương, giúp người lao động cải thiện đời sống sau giai đoạn khó khăn.

Mức tăng dự kiến bình quân 7,2% – tương ứng thêm 250.000 đến 350.000 đồng mỗi tháng – sẽ đưa lương tối thiểu vùng I lên 5,31 triệu đồng, vùng II là 4,73 triệu, vùng III là 4,14 triệu và vùng IV là 3,7 triệu đồng. Đồng thời, lương tối thiểu giờ cũng được điều chỉnh, bảo đảm quyền lợi cho những người làm việc theo hình thức linh hoạt.

+ Theo ông, việc tăng lương tối thiểu cần chú trọng những vấn đề gì để hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi: Việc tăng lương tối thiểu không chỉ đáp ứng nhu cầu của người lao động mà còn phải tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn phục hồi. Do đó, Chính phủ nên lựa chọn thời điểm áp dụng từ 1/1/2026 – trùng với năm tài chính – để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị phương án, nguồn lực và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Điều quan trọng là mức tăng phải dựa trên các yếu tố: lạm phát, năng suất lao động và tình hình kinh tế – xã hội. Lần điều chỉnh này, mức tăng cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu, thể hiện sự chia sẻ hài hòa giữa hai bên. Người lao động có thêm thu nhập, còn doanh nghiệp vẫn duy trì khả năng cạnh tranh và phát triển.

Tăng lương tối thiểu
Việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động là cần thiết (ảnh minh họa).

Một nguyên tắc rất đáng chú ý là khi điều chỉnh lương tối thiểu, doanh nghiệp không được cắt giảm các quyền lợi hiện có của người lao động. Các khoản như phụ cấp, tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật… phải được giữ nguyên. Những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động trong hợp đồng lao động hoặc Thỏa ước lao động tập thể cũng phải duy trì, trừ khi hai bên cùng đồng thuận thay đổi. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời tạo sự ổn định quan hệ lao động.

+ Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo giá cả tăng theo. Ông nghĩ sao về việc giải “bài toán này”?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi: Lo ngại này không phải không có cơ sở, nhưng thực tế tác động không lớn như nhiều người nghĩ. Việc tăng lương tối thiểu chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông và các ngành dịch vụ có biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, mức điều chỉnh lần này ở mức vừa phải, dựa trên tính toán về lạm phát và khả năng chi trả, nên sẽ không tạo cú sốc giá.

Để hạn chế nguy cơ giá cả tăng theo, cần đồng bộ các giải pháp: kiểm soát chi phí sản xuất, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng lợi dụng điều chỉnh lương để tăng giá bất hợp lý.

Về dài hạn, tăng lương phải gắn với nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất. Khi năng suất tăng, chi phí đơn vị sản phẩm giảm, doanh nghiệp có thể tăng lương mà không làm tăng giá bán. Đây là hướng đi bền vững, vừa đảm bảo đời sống người lao động, vừa giữ ổn định kinh tế.

Điều chỉnh lương tối thiểu là bước đi cần thiết để cải thiện đời sống người lao động, nhưng quan trọng hơn là phải gắn với tăng năng suất và đảm bảo quyền lợi hiện có.

Tăng lương tối thiểu không phải là gánh nặng, mà là khoản đầu tư cho con người – nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi lương tăng hợp lý, quyền lợi được bảo đảm, năng suất lao động sẽ được cải thiện, từ đó tạo động lực cho phát triển bền vững.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng lương tối thiểu: Cần thiết để đảm bảo đời sống người lao động
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO