Tăng phí BOT, hoạt động vận tải sẽ càng lún sâu trong khủng hoảng

Thứ sáu, 22/05/2020 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mặc dù người dân, các doanh nghiệp vận tải vừa trải qua muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lại đưa ra kiến nghị tăng phí BOT khiến dư luận không khỏi dậy sóng.

Bộ Giao thông vận tải đưa ra kiến nghị tăng phí BOT để giải cứu doanh nghiệp dự án khiến dư luận không khỏi dậy sóng. Ảnh: TL

Bộ Giao thông vận tải đưa ra kiến nghị tăng phí BOT để giải cứu doanh nghiệp dự án khiến dư luận không khỏi dậy sóng. Ảnh: TL

Hoạt động vận tải “kiệt quệ” vì đại dịch Covid-19

Là một đơn vị vận tải hành khách có uy tín trên địa bàn Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý G7 Taxi Dương Trí Thanh cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động vận tải nhất là với các doanh nghiệp Taxi. Lượng khách hàng, lượng xe chạy giảm xuống mức tối thiểu; trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội hoạt động vận tải hành khách bằng Taxi gần như dừng hẳn.

Trong khi nguồn thu không có, các khi chi phí cố định, lãi vay doanh nghiệp vẫn phải trả như bình thường, cộng thêm việc bỏ ra một khoản chi phí rất lớn phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh khiến các doanh nghiệp vận tải nói chung gặp vô vàn khó khăn.

Thời gian vừa qua, trước những tín hiệu tích cực trong phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế dần được phục hồi. Tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm do những lo ngại về dịch bệnh có thể trở lại. Vì vậy phía Taxi G7 cũng mới chỉ hoạt động trở lại từ 40 - 50% lượng xe (khoảng 1 nghìn chiếc). Việc tăng phí BOT trong thời điểm doanh nghiệp, nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại sau đại dịch là điều không nên.

“Thực tế mà nói giá BOT của mình đắt, trung bình tiền xăng 1 thì BOT 1, đặc biệt là đi đường cao tốc. Điều này dẫn tới việc các phương tiện siêu trường, siêu trọng né trạm thu phí để đi các đường tỉnh lộ khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Riêng đối với giá cước của Taxi những loại phí cầu đường, bến bãi là khách hàng chịu. Ví dụ một gia đình, một người nào đó mà đi Taxi thì coi như họ sẽ phải chịu mức tất cả chi phí tăng giá đó...”, ông Thanh cho biết.

Đặc biệt đối các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh, việc tăng phí BOT sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khă sau đại dịch Covid-19. Ông Đỗ Văn Bằng - Giám  đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, phương tiện của đơn vị chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai và đi Sa Pa, tỷ lệ hoạt động trên đường cao tốc là rất lớn. Hiện phí sử dụng dịch vụ đường bộ đang là một gánh nặng  đối với doanh nghiệp.

Ví dụ đơn giản, một phương tiện của đơn vị chạy 1 chuyến, 2 lượt thì phí đường bộ khoảng 1 triệu 4 trăm nghìn đồng. Hiện một tháng đơn vị phải trả xấp xỉ 40 triệu đồng tiền phí đường bộ cho 1 phương tiện và tổng chi hàng tháng là từ 1 - 1,3 tỷ đồng.

Trong khi Các doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc tăng phí BOT không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh mà toàn bộ hoạt động vận tải khốn đốn.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Thái Học - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ quốc tế Thiên Sơn, một doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu như thanh long, xoài, mít,... từ Miền Nam đi các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai xuất sang Trung Quốc.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến mỗi tháng doanh nghiệp lỗ khoảng hơn 3 tỷ, đối với một phương tiện phải bù chi phí khoảng 30 triệu đồng, trong đó có 15 - 20 triệu đồng tiền khấu hao còn lại là các chi phí lương cán bộ, xăng dầu,...

Thực tế tại một số nước hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản nhận được rất nhiều ưu đãi để tạo sức cạnh tranh. Tuy nhiên tại nước ta, rất nhiều chi phí phát sinh bị tính gộp lại vào giá thành khiến sản phẩm khó có chỗ đứng. Vì vậy Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ quốc tế Thiên Sơn kiến nghị giảm bớt các loại phí đường bộ đối với đơn vị vận tải hàng hóa nông sản để tạo sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hiện mỗi xe nông sản của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc phải đi qua 28 trạm BOT, nếu mỗi trạm mất từ 2-3 phút, thời gian đã lên đến cả tiếng đồng hồ và còn chưa kể ùn tắc tại các trạm thu phí. Trong vài giờ đồng hồ đó, doanh nghiệp đã có thể giải quyết xong các thủ tục để thông quan hàng hóa xuất sang Trung Quốc. Vì vậy đơn vị kiến nghị đề dự án thu phí tự động không dừng sớm được triển khai tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi cả nước.

Việc tăng phí BOT sẽ khiến giá thành hàng hóa bị đội lên, tăng cao khiến sức cạnh tranh giảm. Điều này này ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân doanh nghiệp, người nông dân và thậm chí là cả ngành nông nghiệp, nền kinh tế của Việt Nam.

Đề xuất tăng phí BOT, Bộ GTVT đang bảo vệ quyền lợi của ai?

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động vận tải hành khách sụt giảm tới trên 50%. Về vận tải hàng hóa đối với các phương tiện vận tải đường ngắn giảm khoảng 20% nhưng đối với phương tiện vận tải hạng nặng, đường dài, chở hàng xuất nhập khẩu giảm tới 40%.

Thời gian vừa qua, trước những tín hiệu tích cực trong phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế dần được phục hồi. Việc tăng phí BOT không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh mà toàn bộ hoạt động vận tải gặp vô vàn khó khăn và khó có thể phục hồi.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định :“Vào thời điểm chúng ta vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; các đơn vị vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch bệnh, việc tăng phí BOT trong thời điểm này tôi cho rằng không phù hợp.

Các doanh nghiệp đầu tư BOT cũng nên thực hiện theo chủ trương chung của chính phủ. Đó là Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng cũng đã có những thông tư hướng dẫn về việc giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ. Trong thời điểm này tôi nghĩ nên thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ chứ nếu đặt vấn đề tăng phí thì cái đó lại đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, tính khả thi không có và gây ra khó khăn cho các đơn vị sử dụng đường bộ”.

Về việc tăng giá hàng loạt các trạm thu phí BOT ông Quyền cho rằng, Bộ GTVT và nhà đầu tư nên ngồi lại để rà soát những dự án nào mà mức phí còn thấp, thời gian thu phí dài thì có thể xem xét điều chỉnh tăng phí một cách phù hợp. Còn những dự án mức phí đã cao, thời gian thu phí ngắn thì cũng nên thương thảo với các nhà đầu tư giãn thời gian tăng phí, có những điều chỉnh cho phù hợp.

Những dự án có tuyến độc đạo, không có tuyến chánh, không có tuyến đường không thu phí để cho đơn vị vận tải lựa chọn thì nên hết sức cân nhắc để tránh việc các đơn vị vận tải không còn lựa chọn nào khác. Điều này càng làm tăng thêm mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa các đơn vị sử dụng đường và đơn vị nhà đầu tư.

Về lý do Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 đã làm sụt giảm doanh thu doanh nghiệp BOT, nhiều chuyên gia cho rằng lý do này là không phù hợp. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các ngành, các lĩnh vực chứ không riêng gì doanh nghiệp BOT.

Việc Bộ GTVT cần làm ngay lúc này là nhanh chóng hoàn thành thu phí tự động không dừng để có sự minh bạch trong thu phí, trên cơ sở tính toán tăng hay giảm mức thu. Ngoài ra khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp vận tải phát triển, lưu lượng giao thông qua các trạm BOT sẽ tăng cao hơn và doanh nghiệp dự án sẽ tăng nguồn thu chứ không phải cố gắng tận thu trong thời điểm khó khăn này.

Hoàng Lan

Tin khác

Loạt giải pháp hàng không ứng phó với thiếu hụt tàu bay, giá vé tăng cao

Loạt giải pháp hàng không ứng phó với thiếu hụt tàu bay, giá vé tăng cao

(CLO) Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trước bối cảnh thiếu hụt đội tàu bay, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như kéo dài thời gian khai thác đội tàu bay, tăng cường bay đêm, khai thác tàu bay thân rộng,...

Giao thông
Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Sẽ có 2 trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(CLO) Tin từ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đang được triển khai xây dựng hai trạm dừng nghỉ tạm thời để phục vụ nhu cầu của người dân.

Giao thông
Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

Còn 33 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội

(CLO) Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có tổng số 33 điểm ùn tắc giao thông gồm 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh.

Giao thông
Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Hà Nội: Xử lý gần 2.000 xe ba, bốn bánh tự chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông

(CLO) Qua một tháng cao điểm kiểm tra, xử lý xe ba, bốn bánh tự chế, không đảm bảo an toàn, chở hàng hóa cồng kềnh tại Hà Nội; lực lượng chức năng đã xử lý gần 2.000 trường hợp vi phạm và tạm giữ 540 phương tiện các loại.

Giao thông
Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

Hàng không tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Điện Biên

(CLO) Các hãng hàng không Việt Nam đã có thông báo tăng cường tần suất các chuyến bay đi/đến đến cảng hàng không Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Giao thông