Tin tức

Tăng quyền giám sát, làm rõ vị thế Mặt trận Tổ quốc trong sửa đổi Hiến pháp 2013

Đăng Khoa 14/05/2025 20:10

(CLO) Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Hội nghị do GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì.

img_3022.jpg
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Đạt

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp theo hướng tăng cường vai trò đại diện, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là yêu cầu khách quan trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội, cho rằng việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp 2013 là bước đi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chính trị. Nội dung sửa đổi đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Điều này không chỉ phù hợp với Cương lĩnh của Đảng mà còn tạo cơ sở hiến định cho Mặt trận phát huy đầy đủ chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Theo ông Túc, cần tiếp tục nhấn mạnh và cụ thể hóa vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng xác định MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là nòng cốt để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

img_2990.jpg
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Đạt

Liên quan đến quyền giám sát của đại biểu dân cử, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, đề xuất giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Theo ông Phúc, nội dung này cần được bổ sung vào khoản 2 Điều 115 để đảm bảo tính thống nhất trong kiểm soát quyền lực nhà nước tại địa phương.

Về tổ chức chính quyền địa phương, ông Phúc và nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà không có đơn vị hành chính là phường. Điều này xuất phát từ thực tiễn đa dạng trong tổ chức hành chính tại các địa phương.

GS.TS khoa học Phan Xuân Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cũng lưu ý cần quy định rõ ràng hai cấp hành chính dưới cấp tỉnh trong Hiến pháp, tránh dùng cụm từ gây hiểu nhầm như “dưới tỉnh”. Ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc loại bỏ quy định “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” trong điều chỉnh địa giới hành chính là không phù hợp. Theo ông, người dân địa phương nắm rõ đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế – xã hội nơi cư trú, việc bỏ qua ý kiến nhân dân sẽ làm giảm tính dân chủ và tính khả thi trong quá trình sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính.

img_2996.jpg
Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tiến Đạt

Từ góc nhìn văn hóa lập hiến, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội, cho rằng sửa đổi Hiến pháp là bước đi cần thiết trong tiến trình tinh gọn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc sửa đổi cũng cần phản ánh chiều sâu văn hóa, dựa trên tri thức, kinh nghiệm của những người đã từng tham gia xây dựng Hiến pháp. Ông kiến nghị Quốc hội khóa XVI, sau khi được bầu, cần xem xét việc sửa đổi toàn diện Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Phát biểu tổng kết hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc, tập trung, có cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng. Ông khẳng định Hiến pháp là văn kiện chính trị – pháp lý nền tảng, quy định các vấn đề lớn, chiến lược và lâu dài. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần đặt trọng tâm vào các vấn đề cơ bản như tổ chức chính quyền, quyền của đại biểu dân cử, và nhất là vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng quyền giám sát, làm rõ vị thế Mặt trận Tổ quốc trong sửa đổi Hiến pháp 2013
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO